Trung Quốc sẽ “cấm cửa” game NFT?
Một số cơ quan ngôn luận của Trung Quốc gần đây đã lên tiếng chống lại cơn sốt đầu tư vào token không thể thay thế (NFT) và cảnh báo rủi ro “chơi để kiếm tiền” với game NFT.
>>Game NFT Việt Nam (Kỳ 1): Xu hướng đang nở rộ
Cảnh báo mới nhất từ các phương tiện truyền thông nhà nước được đưa ra, khi NFT và Metaverse đang trên đà tăng trưởng, với danh sách ngày càng tăng các công ty Trung Quốc công khai đón nhận chúng.
Theo đó, công ty truyền thông 36kr Holdings đã tặng 1.124 bộ sưu tập kỹ thuật số theo chủ đề Metaverse tại một hội nghị ở Thâm Quyến. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với tài sản kỹ thuật số, bất chấp lệnh cấm trước đó của Chính phủ về giao dịch và khai thác tiền điện tử.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã không cấm NFT hay Metaverse một cách rõ ràng, mà vẫn để ngỏ cánh cửa cho hàng chục công ty niêm yết đưa ra các thông báo gắn kế hoạch kinh doanh trong tương lai với các khái niệm này.
Theo phân tích trên tờ People's Daily, nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu NFT có dẫn đến hành vi lừa đảo hay gian lận khi giá NFT tăng vọt? Đồng thời lưu ý sự phổ biến của NFT đã được thể hiện rõ ràng, sau khi những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent Holdings, Ant Group và ByteDance thử nghiệm mong muốn của người tiêu dùng đối với các bộ sưu tập kỹ thuật số. Không giống như thị trường nước ngoài, nơi tiền điện tử được chấp nhận để thanh toán cho NFT, các nhà phát hành Trung Quốc chỉ lấy Nhân dân tệ và một khi đã mua, NFT không thể được bán lại.
Ant, gã khổng lồ Fintech đã nhiều lần cho biết, các mã thông báo kỹ thuật số là để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nó kiên quyết chống lại việc đầu cơ giá xung quanh các sản phẩm NFT.
Trong nhiều năm trở lại đây, Bắc Kinh đã luôn coi tiền điện tử là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định tài chính của đất nước, cụ thể, các nhà chức trách đã cấm các ngân hàng và tổ chức thanh toán hỗ trợ các giao dịch Bitcoin kể từ năm 2013; cấm cung cấp tiền xu ban đầu (ICO) và trao đổi tiền điện tử năm 2017. Vào tháng 5 năm nay, khai thác tiền điện tử cũng bị cấm và những trấn áp này tiếp tục được tăng cường vào tháng 9.
Sự xuất hiện của NFT đã trốn tránh sự giám sát của các quy định, nhưng cánh cửa bước vào không gian này tại đất nước tỷ dân dường như đang dần bị đóng lại. Cả Tencent và Ant gần đây đã đổi tên các dịch vụ NFT của họ thành "đồ sưu tầm kỹ thuật số" sau khi tờ SecuritiesfinanceTimes cảnh báo về nguy cơ bong bóng trong NFTs. Theo đó, các chuyên gia cảnh báo, có thể sẽ có những quy định chặt chẽ hơn.
Winston Ma, GS. trợ giảng ngành Luật tại ĐH NewYork nhấn mạnh: “Khi thị trường giao dịch NFT chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân về khối lượng, thật khó để nói rằng NFT không có thuộc tính tài chính và tương tự, cũngthật khó để tưởng tượng rằng NFT có thể phát triển ở Trung Quốc mà không liên quan đến tiền điện tử và các quy định liên quan”.
Mới đây nhất, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã cảnh báo người dân không nên tham gia vào các trò chơi trực tuyến dựa trên Blockchain (game NFT), chơi để kiếm tiền (Play-To-Earn) như trong game Farm World.
Cảnh báo của CCTV đưa sự chú ý vào hai khu vực ở Tây Bắc Thiểm Tây và Đông Nam Phúc Kiến, nơi có nhiều công dân Trung Quốc tham gia vào các trò chơi kiếm tiền. Nhà phát triển game tại đó cho biết, họ có thể cung cấp dịch vụ giúp người dùng truy cập trò chơi có tên là Farm World, mang đến cho người chơi cơ hội kiếm được lợi nhuận hàng tháng hơn 10.000 Nhân dân tệ (1.570 USD).
>>Game NFT Việt Nam (Kỳ 3): Tương lai đi về đâu?
Có thể thấy, game NFT đã trở thành một trong những xu hướng công nghệ nóng nhất trong năm nay, với nhiều nhà phát triển nhận thấy giá trị của họ lên đến hàng tỷ USD chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, những trò chơi như vậy cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan giám sát, do sự phổ biến ngày càng tăng của chúng.
CCTV cáo buộc rằng, một số trò chơi này chỉ đơn giản là trò chơi trên các trang web có kinh phí thấp và lừa đảo người chơi, thậm chí cho phép người chơi cũ kiếm lợi nhuận từ phí tham gia của người chơi mới, không khác gì các mô hình Ponzi.
Tại Việt Nam, loại hình game NFT cũng có sự tăng nóng trong thời gian gần đây, bắt nguồn từ sự bùng nổ của game Axie Infinity, đã đạt được mức định giá 3 tỷ đô la Mỹ trong vòng tài trợ mới nhất vào tháng trước. Hiện những gã khổng lồ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz và Softbank đang là những người ủng hộ nhiệt tình với game Axie Infinity và The Sandbox của ông ty Animoca Brands tại Hongkong.
Không giống như các trò chơi truyền thống, các vật phẩm trong game là dữ liệu được lưu trữ trên máy chủ của nhà phát triển trò chơi và do đó, nó thuộc sở hữu của nhà phát triển. NFT chuyển đổi những vật phẩm thành tài sản độc nhất, được lưu trữ trên một mạng phi tập trung, miễn nhiễm với sự can thiệp của nhà phát triển, khiến chúng trở thành tài sản thực sự thuộc sở hữu của người chơi.
Bên cạnh các vật phẩm trong trò chơi, game NFT cũng bán các mảnh đất ảo với doanh số liên tục tăng cao. Theo People's Daily cho biết, việc bán tài sản trong các trò chơi như vậy đi kèm với rủi ro biến động, gian lận, gây quỹ bất hợp pháp và rửa tiền.
Có thể bạn quan tâm
Tìm chỗ đứng cho Game NFT
05:15, 06/12/2021
Game NFT Việt Nam (Kỳ 3): Tương lai đi về đâu?
05:00, 05/11/2021
Game NFT Việt Nam (Kỳ 2): Cạnh tranh miếng bánh tỷ đô
11:07, 03/11/2021
Game NFT Việt Nam (Kỳ 1): Xu hướng đang nở rộ
05:30, 02/11/2021