Hồng Kông sẽ mạnh tay với stablecoin
Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đang đề xuất các quy tắc về việc cấp phép và giám sát các hoạt động của stablecoin như đối với lĩnh vực ngân hàng.
>>Áp dụng tiêu chuẩn thanh toán quốc tế cho stablecoin
Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã tiến hành một cuộc tham vấn tìm kiếm phản hồi của công chúng về việc điều chỉnh các stablecoin, nhằm mục đích chống lại những rủi ro ngày càng tăng, mà các mã thông báo kỹ thuật số được hỗ trợ bằng tiền pháp định gây ra cho hệ thống tài chính của khu vực này.
Khi đề xuất điều chỉnh thị trường stablecoin toàn cầu trị giá 150 tỷ đô la Mỹ, bao gồm cả Tether (USDT) và USD Coin (USDC) được gắn với đồng đô la Mỹ, HKMA đã phải thừa nhận rằng, stablecoin rồi sẽ trở thành phương tiện thanh toán được chấp nhận rộng rãi. Điều này trái ngược với quan điểm lâu nay rằng, Bitcoin (BTC) - tiền điện tử lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường hàng nghìn tỷ USD, không phải là một phương tiện thanh toán, mà chỉ là một “hàng hóa” .
“Ngày càng có nhiều sự quan tâm của các ngân hàng và khách hàng của họ trong việc khám phá các cơ hội đầu tư vào tài sản tiền điện tử, vì vậy, cần phải đảm bảo stablecoin được quy định phù hợp trước khi chúng được bán trên thị trường”, HKMA cho biết trong một tài liệu thảo luận được phát hành mới đây.
Đề xuất của HKMA để điều chỉnh stablecoin được đưa ra chỉ ba tháng sau khi Ngân hàng Trung ương của Hồng Kông công bố kế hoạch khám phá loại tiền kỹ thuật số của riêng mình, đồng e-HKD để sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ.
Vào tháng 6/2021, cơ quan này lần đầu tiên đề cập đến kế hoạch e-HKD như một phần của Fintech 2025. Ngân hàng trung ương đã phát hành sách trắng có tên “e-HKD: Góc nhìn kỹ thuật” như một bước đầu tiên để khám phá cơ sở hạ tầng cho tiền tệ. Sau một thời gian nghiên cứu thêm, HKMA sẽ có cơ sở để quyết định xem liệu họ có đi trước kế hoạch e-HKD hay không, nhằm đưa Hồng Kông tiến gần hơn đến việc trở thành một thành phố không tiền mặt.
Wilson Chan, cố vấn cấp cao của Viện Ngân hàng Hồng Kông cho biết, e-HKD có thể an toàn hơn tiền mặt vì danh tính của người dùng có thể được truy tìm. “Khi ai đó đánh cắp ví của bạn, bạn sẽ mất tiền giấy và tiền xu không có danh tính sở hữu. Nhưng, nếu ai đó đánh cắp e-HKD của bạn, các cơ quan thực thi sẽ dễ dàng truy tìm loại tiền kỹ thuật số hơn”.
Trong khi một Ngân hàng Trung ương tuyên bố sẽ hỗ trợ hoàn toàn tiền tệ kỹ thuật số có chủ quyền của riêng mình, bao gồm cả việc thanh toán, thì nhiều nhà quan sát vẫn nghi ngờ về việc, liệu stablecoin có thực sự được hỗ trợ 1:1 bởi dự trữ đô la Mỹ như tuyên bố của các tổ chức tư nhân đứng sau nó hay không.
>>Bất chấp thị trường đỏ lửa, PayPal phát hành stablecoin riêng
Để đưa stablecoin đi vào khuôn khổ dưới quyền tài phán của mình, HKMA đang xem xét liệu có nên mở rộng phạm vi của hệ thống thanh toán và giá trị được lưu trữ hiện có nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho pháp lệnh, bên cạnh đó, điều chỉnh các nhà khai thác ví điện tử hay sẽ giới thiệu một luật mới.
HKMA cho rằng, một stablecoin thường liên quan đến nhiều thực thể để khởi tạo và vận hành, nên cơ quan này đề xuất các nhà khai thác liên quan đến việc phát hành, quản lý dự trữ, lưu trữ hồ sơ, lưu trữ khóa cá nhân và giao dịch của stablecoin đều cần được quản lý thông qua cấp phép. Các thực thể này có thể phải tuân theo các quy tắc quản lý vốn, thanh khoản, các yêu cầu về cách họ quản lý các tài sản dự trữ hỗ trợ cho stablecoin, tuân thủ các quy tắc chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, cơ quan tiền tệ Hồng Kông cũng đang tìm kiếm quan điểm về việc, liệu tất cả các tổ chức phát hành stablecoin có nên được quản lý theo pháp lệnh ngân hàng giống như các ngân hàng. Điều này tương tự cách tiếp cận được đề xuất bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, là muốn áp đặt các quy định giống như ngân hàng đối với các tổ chức phát hành stablecoin.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tiền điện tử CoinMarketCap, vốn hóa thị trường 150 tỷ đô la Mỹ tính đến tháng 12 của stablecoin chiếm khoảng 5% tổng thị trường tài sản tiền điện tử. Stablecoin được sử dụng rộng rãi cho tài chính phi tập trung (DeFi), cho phép chủ sở hữu cho vay trên các nền tảng Blockchain để đổi lại lợi nhuận.
Nhà cung cấp phân tích tiền điện tử Elliptic cho biết, từ năm 2020 đến năm 2021, người dùng DeFi và nhà đầu tư đã mất hơn 12 tỷ đô la Mỹ do hành vi trộm cắp và gian lận, trong khi đó, lượng tiền được xử lý bởi các dịch vụ liên quan, bao gồm quản lý stablecoin và các tài sản tiền điện tử khác, đã tăng gấp 18 lần trong năm qua lên mức 247 tỷ đô la Mỹ.
Với những rủi ro tiềm ẩn và sự phát triển không ngừng của thế giới tiền điện tử, HKMA tiết lộ, cuộc tham vấn của họ sẽ được mở cho đến cuối tháng 3 và sẽ có kế hoạch đưa ra chế độ mới vào năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Bất chấp thị trường đỏ lửa, PayPal phát hành stablecoin riêng
05:15, 09/01/2022
Áp dụng tiêu chuẩn thanh toán quốc tế cho stablecoin
04:35, 12/12/2021
Thị trường tiền điện tử vẫn “rung lắc” theo người nổi tiếng
05:10, 15/01/2022
Thị trường tiền điện tử giảm sâu, Bitcoin vẫn chưa tìm thấy đáy
04:50, 08/01/2022
10 xu hướng sẽ tiếp tục “bùng nổ” trên thị trường tiền điện tử năm 2022
05:30, 03/01/2022
Úc đang trên đà bùng nổ tiền điện tử vào năm 2030
16:00, 29/12/2021