Chờ đợi các “ông lớn” tham gia thị trường P2P Lending
Sẽ rất lý tưởng nếu thị trường cho vay ngang hàng có những “ông lớn” tham gia và người dân sẽ thấy tin tưởng hơn khi vay hoặc đầu tư vào các đơn vị này, thay vì các công ty tư nhân như hiện nay.
>>Thị trường P2P Lending gặp khó vì đại dịch
Năm 2021 là một năm nhiều biến động và thị trường cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Đây cũng là thời điểm chứng kiến các hoạt động “bùng” nợ, “bùng” app cho vay online và tín dụng đen trá hình lộng hành, lợi dụng mô hình P2P Lending để trục lợi mà báo chí liên tục vào cuộc thời gian qua.
Khách quan mà nói, thị trường P2P năm 2021 là thị trường nhiều biến động với sự tham gia, chuyển mình của một số công ty, trong đó có công ty Việt Nam và những công ty mang yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, không ít những doanh nghiệp rời bỏ cuộc chơi.
Bên cạnh đó, một loạt công ty Trung Quốc vào Việt Nam và hoạt động mang tính chất tận thu, không đem lại bền vững cho thị trường. Những công ty này thường chỉ làm một chiều là “nhắm” tới người vay chứ không hướng tới nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, có rất nhiều vụ việc vay online gây ra hệ quả đau lòng đối với người vay, do có những tổ chức tín dụng đen núp bóng vay online. Việc có rất nhiều đơn vị hoạt động "tín dụng đen" núp bóng, mà cách làm của họ là dùng mọi cách để thu được lợi nhuận, để lại những hậu quả rất lớn. Người dùng ko thể biết được đơn vị nào uy tín hay ko uy tín. Họ tiếp cận các thông điệp cho vay ở đâu là vay ở đó. Khi bị rơi vào bẫy lãi suất cao không thể trả được, lúc đó mới phải chịu những cách đòi nợ không văn minh, dẫn đến những câu chuyện đáng buồn.
Bên cạnh đó, P2P Lending cũng xuất hiện nhiều biến tướng, chẳng hạn một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng này để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận thị trường P2P Lending vẫn phát triển nhanh tại Việt Nam bởi lẽ tỷ lệ tăng trưởng khá cao. Đây là “miếng bánh” hấp dẫn mà nhà đầu tư trong nước và doanh nghiệp nước ngoài săn đón. Thực tế, P2P Lending giúp thủ tục vay đơn giản và nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu vay được ứng dụng công nghệ trong việc đánh giá xếp hạng khách hàng với quy trình rút gọn. Hình thức này tạo thêm kênh dẫn và tiếp cận vốn, hỗ trợ cá nhân hay doanh nghiệp một cách khả dụng.
Có thể thấy trong thời gian qua, P2P Lending tại Việt Nam đã phát triển một cách tự phát, trong đó nhà đầu tư dễ “đu sóng” và khó được bảo vệ nếu có rủi ro xảy ra. Bởi hiện nay người cho vay phải tự quản lý rủi ro và chấp nhận rủi ro nếu bị mất tiền hay thông tin cá nhân bị lợi dụng chia sẻ… vì không có hành lang pháp lý bảo vệ. Thực trạng này dẫn đến rất nhiều hệ lụỵ.
Ví dụ, Trung Quốc đã từng vượt mặt Mỹ và Anh để đạt giá trị 192 tỷ USD trên thị trường P2P Lending, hiện đang phải trả giá vì đã thả nổi hoạt động của mô hình này. Trong năm 2018, hàng trăm sàn giao dịch P2P Lending sụp đổ, hàng ngàn sàn sống lay lắt, hơn 20 công ty lớn vỡ nợ hơn 23 tỷ NDT (khoảng 3,3 tỷ USD), hàng trăm công ty nhỏ hơn cũng vỡ nợ hơn 30 tỷ NDT (khoảng 4,4 tỷ USD). Không ai dám chắc câu chuyện có lặp lại ở Việt Nam hay không.
>>Cho vay ngang hàng: Thị trường còn màu mỡ...
Về việc khắc phục các điểm yếu và phát huy những điểm mạnh, vấn đề cốt lõi vẫn là người vay hay nhà đầu tư tư nên cân nhắc để tự bảo vệ mình trong khi đợi chờ khung pháp lý đối với các công ty P2P Lending. Cụ thể, cần có các quy định về giới hạn đầu tư/cho vay của nhà đầu tư; quy định về tiêu chuẩn cấp phép, hoạt động và giám sát đối với tổ chức cung cấp nền tảng P2P; quy định về xác thực khách hàng (KYC), về công bố thông tin và kế hoạch giải quyết khi công ty P2P phá sản.
Nhiều người cũng thấy rủi ro hiện tại nếu có gì bất ổn thì nhà đầu tư khó được bảo vệ. Nếu công ty P2P Lending phá sản hoặc ôm tiền nhà đầu tư “biến mất” thì khó mà kiểm soát, tương tự dịp cuối năm 2021 nhiều mô hình CEO ôm tiền nhà đầu tư rồi bặt vô âm tín. Thực tế, mức lãi suất cho nhà đầu tư là 18%/năm nghe rất hấp dẫn so với gửi tiết kiệm, trái phiếu... nhưng rủi ro chắc chắn là cao hơn. Đặc biệt, người vay là người mang lại lợi nhuận cho công ty và lãi suất cho nhà đầu tư. Do dó, áp lực tồn tại của mô hình chính là chất lượng khách vay nhưng lãi và phí đổ lên vai người vay rất cao. Cho nên, khung pháp lý chuẩn, sớm áp dụng và cơ chế đánh giá, giám sát dòng tiền của các công ty P2P Lending sẽ có ý nghĩa quan trọng, củng cố sự minh bạch và an toàn cho các nhà đầu tư cũng như người vay.
Vốn dĩ, câu chuyện thể chế đã được nhắc rất nhiều. Cuối tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 5225/VPCP-ĐMDN về đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Thủ tướng có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai là nghiên cứu giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên các doanh nghiệp P2P Lending vẫn đang đợi việc sớm ban hành hoặc cấp phép thí điểm
Cá nhân tôi vẫn kỳ vọng và mong muốn, P2P Lending sẽ là giải pháp tốt cho người dùng để họ có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn nhanh, thuận tiện và nhà đầu tư có thêm một kênh đầu tư hiệu quả. Sẽ rất lý tưởng nếu thị trường có những “ông lớn” tham gia và nếu các tập đoàn lớn hay các nhà mạng cùng “tham chiến” sau khi Mobile Money đã được cấp phép, thì người dân sẽ thấy tin tưởng hơn khi vay/đầu tư vào các đơn vị lớn, thay vì các công ty tư nhân như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp xây dựng cơ chế tự điều chỉnh với P2P Lending
07:00, 10/12/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Fintech, P2P Lending “ngóng chờ” sandbox
05:10, 26/09/2021
Thị trường P2P Lending gặp khó vì đại dịch
14:00, 01/09/2021
Cơ chế cho Sandbox: Thử thách được mong đợi cho các doanh nghiệp P2P Lending
11:39, 03/08/2021