Nở rộ lừa đảo tài chính thông qua mạng xã hội

DIỄM NGỌC 02/04/2022 05:44

Mạo danh tài khoản mạng xã hội để lừa đảo thì không mới, nhưng kẻ gian ngày càng tinh vi hơn khi mạo danh nghệ sĩ nổi tiếng, giám đốc công ty, thậm chí là cả lãnh đạo Nhà nước để chiếm đoạt tài sản...

>>Cảnh giác đầu tư qua các nền tảng “mạo danh” người nổi tiếng

Nhiều người nổi tiếng bị mạo danh

Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao đang khiến dư luận bức xúc. Trong đó, chiêu trò giả mạo tài khoản mạng xã hội với tên, hình ảnh người khác để đi lừa mượn tiền người quen của họ, những kẻ gian đã tạo ra một thủ đoạn lừa đảo mới để tiếp tục giăng bẫy nhiều người.

những chiêu trò như thế này đang nở rộ trên không gian mạng, còn những người bị lừa thì rất khó lấy lại tài sản

Những chiêu trò mạo danh tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook đang nở rộ trên không gian mạng

Vẫn với chiều thức này, kẻ gian đã tinh vi hơn khi mạo danh các nghệ sĩ nổi tiếng, giám đốc công ty, thậm chí là cả lãnh đạo Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, bức xúc hơn chính là những chiêu trò như thế này đang nở rộ trên không gian mạng, còn những người bị lừa thì rất khó lấy lại tài sản.

Cụ thể mới đây, quản lý của NSND Tự Long vừa chia sẻ hình ảnh chụp màn hình tin nhắn lừa đảo của kẻ mạo danh nam nghệ sĩ. Theo đó, kẻ gian đã tự nhận mình là nghệ sĩ Tự Long, lấy lý do điện thoại bị hỏng, người này yêu cầu quản lý của nam nghệ sĩ phải chuyển cho hắn số tiền 12 triệu đồng đến một số tài khoản lạ. Tuy nhiên, sự việc đã bị phát giác ngay sau đó, song, việc truy tìm ra đối tượng lại như “mò kim đáy bể”...

Trước NSND Tự Long, nhiều sao Việt đã lên tiếng khi gặp phải tình trạng bị lừa đảo trên không gian mạng. Không chỉ mạo danh nhằm chiếm đoạt tiền, nhiều người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh để câu like, câu view cũng như kêu gọi từ thiện, quyên góp tiền trái phép. Trong đó, nữ ca sĩ Mỹ Tâm đã phải lên tiếng khi bị một trang Fanpage sử dụng tên tuổi và hình ảnh trái phép để đăng tải các chiến dịch từ thiện, kèm theo chiêu trò thu thập thông tin để tặng thẻ cào. “Hiện tại đang có trang này với những thông tin đăng tặng thẻ này nọ, tất cả đều là giả mạo. Các bạn nhớ report và xóa thông tin cá nhân nếu lỡ comment vào trang này nha”, Mỹ Tâm cảnh báo khán giả.

Như trường hợp của nữ diễn viên Diễm Hương, đã phải nhờ công an vào cuộc khi bị tài khoản bị giả mạo, nhắn tin mượn tiền bạn bè với lý do cần phẫu thuật sau tai nạn giao thông. Trong tin nhắn, kẻ gian đã nhắn bạn bè cô rằng cần khoản tiền lớn nhưng chưa kịp xoay sở vì chồng cô ở nước ngoài chưa gửi về. Sau đó công an đã xác minh ra tài khoản mạo danh là của một cô gái ở quận 7, TPHCM.

Hay vừa qua, công an thành phố Hội An cũng đã điều tra làm rõ một số đối tượng giả mạo tài khoản Zalo của lãnh đạo thành phố Hội An để kết bạn với các tài khoản Zalo khác, sau đó nhắn tin trò chuyện tạo lòng tin và hỏi mượn số tiền lớn, hoặc chuyển tiền để phục vụ công tác cơ quan. Với chiêu thức tinh vi này, nhiều người đã không đề phòng và sập bẫy kẻ lừa đảo.

Hiện tượng này xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, do đó gần đây công an một số tỉnh như Sóc Trăng, Kon Tum, Đắc Nông,... đã phát đi thông báo và đề nghị quần chúng nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phát hiện kẻ xấu mạo danh tài khoản mạng xã hội với phương thức, thủ đoạn nêu trên, đề nghị báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp bảo vệ tài khoản cá nhân, phòng tránh hậu quả, thiệt hại và phối hợp điều tra, xử lý đối tượng.

Thực tế những chiêu thức lừa đảo như thế này không mới, nhưng tinh vi hơn là những kẻ gian giờ đây không chỉ nắm bắt thông tin của con mồi, rồi mạo danh bằng cách nhắn tin thăm hỏi, ngôn từ hoàn toàn giống với người bị mạo danh, mà còn sử dụng các sản phẩm được cắt ghép chỉnh sửa bằng công nghệ cao, nhằm tăng lòng tin để dễ dàng chiếm đoạt tài sản.

>>Vietcombank tiếp tục cảnh báo hiện tượng mạo danh tin nhắn thương hiệu

 Cảnh giác từ phía người dùng

Trao đổi với phóng viên, TS. Đoàn Trung Sơn, chuyên gia an ninh mạng cho biết, để phòng tránh tình trạng lừa đảo như đã nêu, mọi người cần hạn chế tối đa cung cấp thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, vì điều đó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro để tội phạm có thể lợi dụng thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.

Các đối tượng còn giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, Gmail của các cơ quan công an, tòa án để gọi điện gây sức ép với nạn nhân rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp

Các đối tượng còn giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, Gmail của các cơ quan công an, tòa án để gọi điện gây sức ép với nạn nhân rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp

Đồng thời, trước những giao dịch yêu cầu chuyển tiền trên các nền tảng mạng xã hội, thì cần hết sức thận trọng và cân nhắc. Đối tượng thường giả mạo là những người có tầm ảnh hưởng như lãnh đạo một công ty, tổ chức, thầy cô giáo trong trường học, người lớn tuổi trong gia đình,... khiến nạn nhân không thực hiện việc xác minh thông tin trước khi chuyển tiền. Do đó, người dùng phải xác minh lại thông tin, trao đổi thông qua các kênh chính thống như gặp gỡ trực tiếp, gọi điện thoại để xác minh nội dung có đúng hay không trước khi thực hiện giao dịch.

Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo tài khoản Facebook, Zalo, Gmail của các cơ quan công an, tòa án để gọi điện gây sức ép với nạn nhân rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn của các loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Điều này được gọi là “vì nỗi sợ mơ hỗ dẫn đến mất tiền thật”.

Không chỉ vậy, một số đối tượng còn sử dụng công nghệ cao để gửi tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng tới các chủ tài khoản để đánh cắp mã OTP, thực hiện ngầm giao dịch. Thông thường, các đối sẽ gửi tin nhắn SMS cho khách hàng với nội dung luôn kèm đường dẫn tới website giả mạo giống website chính thức của ngân hàng và làm nạn nhân mất cảnh giác, sau khi kiểm soát được các tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng, thì sẽ thực hiện các hành vi khác như chuyển khoản, mở thấu chi, trả góp thẻ tín dụng hoặc đăng ký vay online,... "Để ngăn chặn các tin nhắn lừa đảo này, cần phải có sự phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ cho người dân như ngân hàng và các nhà mạng”, TS. Đoàn Trung Sơn cho hay.

Ở góc độ pháp lý, TS. LS. Đặng Văn Cường, trưởng VP Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua mạng Internet có thể kể đến như: Thứ nhất, những người sử dụng nền tảng mạng xã hội, mạng Internet ngày càng nhiều; Thứ hai, là các giao dịch về tiền, về dân sự, về kinh tế,... diễn ra ngày càng nhiều trên không gian mạng; và Thứ ba, là không phải ai cũng có hiểu biết đầy đủ về pháp luật, cũng như có kỹ năng cần thiết để tham gia các hoạt động trên không gian mạng.

Theo vị Luật sư, những hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến mức tù chung thân, hoặc theo Điều 290 tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản với chế tài của tội lừa đảo, hình phạt cao nhất có thể đến 20 năm tù.

Các chuyên gia đều khuyến cáo rằng, nhiều chiêu lừa luôn được làm mới, nhưng nếu giữ nguyên tắc thì không thể mất tiền, đặc biệt nguyên tắc của mọi nguyên tắc là tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, mã OTP... cho bất kỳ ai để tránh rơi vào bẫy.

Có thể bạn quan tâm

  • VietCredit quyết liệt phối hợp công an chống tội phạm lừa đảo tài chính

    04:50, 16/06/2021

  • Lừa đảo tài chính ngày càng nhiều

    10:00, 19/08/2020

  • Mạo danh Tổng giám đốc VICEM, chiếm đoạt hơn 320 tỷ đồng

    20:42, 12/09/2021

  • Cảnh giác đầu tư qua các nền tảng “mạo danh” người nổi tiếng

    15:00, 23/07/2021

  • Phát hiện sàn tiền ảo mạo danh thương hiệu Tập đoàn T&T Group

    15:49, 13/07/2021

DIỄM NGỌC