Bất ngờ với động thái bảo vệ tiền điện tử của IMF
Trong khi Chủ tịch ECB xem "tiền điện tử là rác", thì đại diện IMF cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý là phải có công cụ bảo vệ các nhà đầu tư tham gia thị trường tiền điện tử.
>>Đã đến lúc lập lại trật tự trong thế giới tiền điện tử?
“Mọi người không nên hoàn toàn xa lánh thế giới tiền điện tử sau sự sụp đổ gần đây của một loại stablecoin phổ biến”, đó là thông điệp của bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos mới đây.
"Bong bóng" stablecoin TerraUSD (UST) đã xì hơi vào đầu tháng này, tạo ra phản ứng dây chuyền khiến giá trị tổng thể của thị trường tiền điện tử giảm hàng trăm tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF lại đưa ra khuyến nghị, mọi người đừng vội vàng rút chân khỏi lĩnh vực có tầm quan trọng của thế giới này. Không nên phủ nhận, tiền điện tử đã cung cấp cho tất cả chúng ta dịch vụ nhanh hơn, chi phí thấp hơn và bao gồm nhiều thứ hơn. Lúc này, cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý trên toàn cầu, là tạo ra hành lang pháp lý và giáo dục tài chính để bảo vệ các nhà đầu tư.
“Có nhiều loại tài sản khác nhau, với các mức độ rủi ro liên quan khác nhau. Ví dụ, có sự khác biệt lớn giữa các stablecoin được hỗ trợ bằng tiền mặt và các tài sản khác và những loại tiền dựa vào thuật toán để duy trì giá trị của chúng, như Terra coin (LUNA). Stablecoin là một loại tiền điện tử được cho là duy trì giá trị 1-1 cho tài sản dự trữ như đô la Mỹ. Khi càng ít có sự ủng hộ thì càng nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối mặt với rủi ro. Nhưng không phải tất cả tiền kỹ thuật số đều rủi ro trong cùng một môi trường”, bà lưu ý.
Tuy nhiên, ở góc nhìn đối lập, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau đã bác bỏ quan điểm rằng, các Ngân hàng Trung ương đang dần đánh mất sự cạnh tranh, khi tiền điện tử và tài chính phi tập trung ngày càng phổ biến. “Ấn tượng của tôi là trong những tuần gần đây, người dân đã mất niềm tin vào tiền điện tử nhiều hơn là vào các ngân hàng trung ương", ông nói khi đề cập đến sự sụp đổ của Terra.
Ngay cả Changpeng Zhao, CEO sàn giao dịch tiền điện lớn nhất thế giới Binance cũng bị “thủng túi” gần 1,6 tỷ USD khi đầu tư vào LUNA. Theo chia sẻ của vị CEO, do không chốt lời, khối tài sản quy từ đồng tiền LUNA của Binance tụt giảm từ đỉnh cao 1,6 tỷ USD (ghi nhận trong tháng trước) xuống chỉ còn vỏn vẹn 3.000 USD thời điểm hiện tại.
>>Điểm yếu của thị trường tiền điện tử: Stablecoin nhưng lại không “Stable”
Mặc dù vậy, sàn giao dịch này vẫn duy trì niềm tin với tiền điện tử và nỗ lực phát triển mạng lưới ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, Binance đang chuẩn bị ra mắt các dịch vụ thanh toán và giao dịch của mình ở Dubai, khi họ tìm cách thiết lập trụ sở đầu tiên ở Trung Đông và xây dựng lại tính hợp pháp.
Richard Teng, người đứng đầu khu vực Trung Đông và Bắc Phi chia sẻ, sàn giao dịch đang tích cực làm việc với các ngân hàng địa phương, tuyển dụng các nhà quản lý cấp quốc gia và cán bộ tuân thủ ở Dubai, Bahrain, với dịch vụ dự kiến sẽ ra mắt vào đầu tháng 6 này. Binance đang lên kế hoạch cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho phép nó tham gia đầy đủ vào quá trình phát triển Web3 - phiên bản tiếp theo của web2 dựa trên phân quyền và blockchain.
"Thanh toán và các mã thông báo không thể thay thế (NFT) là những ví dụ về làn sóng đầu tiên của sự phát triển này đang bắt đầu hình thành ở Trung Đông. Các cơ quan quản lý ở khu vực Trung Đông thấy rằng, việc hỗ trợ phát triển tài sản tiền điện tử là rất quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái Web 3. Giao dịch tiền điện tử chỉ là một trong những lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi có thể triển khai trong khu vực và có rất nhiều cơ hội khác ngoài giao dịch”, ông nói.
Như vậy, sự xâm nhập của Binance vào Trung Đông đã đạt được động lực sau khi Richard Teng - cựu Giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Thị trường toàn cầu tại Abu Dhabi, được yêu cầu đứng đầu các hoạt động ở Trung Đông vào tháng 12 năm ngoái. Điều này diễn ra sau khi chi nhánh tại Singapore của Binance rút đơn đăng ký cấp phép vào tháng 9/2021, sau khi Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) yêu cầu sàn giao dịch ngừng cung cấp dịch vụ cho người dân địa phương.
Tại Dubai, giấy phép từ Cơ quan quản lý tài sản ảo, cơ quan quản lý dành riêng cho ngành ban đầu sẽ cho phép Binance cung cấp dịch vụ của mình cho các nhà đầu tư và tổ chức tài chính đủ điều kiện, sau đó dần dần mở rộng tới các nhà đầu tư cá nhân.
“Có sự khác biệt giữa rủi ro thị trường và rủi ro gian lận. Nơi mà các cơ quan quản lý nên tập trung là vấn đề lớn, điều này cũng xảy ra trong lĩnh vực tài chính thông thường. Rủi ro thị trường rất khó đề phòng, tốt nhất là các nhà đầu tư nên tự đưa ra quyết định sáng suốt”, Giám đốc điều hành Binance giải thích cách sàn giao dịch tiền điện tử đang vạch ra con đường trở thành một tổ chức tài chính chính thống.
Trong khi đó, cơ chế quản lý tiền điện tử được đề xuất ở Hồng Kông sẽ thông qua cơ quan lập pháp của thành phố vào mùa hè năm nay, nhưng có thể sẽ cấm các nhà đầu tư bán lẻ tham gia. Còn ở Singapore, các công ty tiền điện tử không được phép tiếp thị dịch vụ của họ cho nhà đầu tư cá nhân.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch ECB: "Tiền điện tử không đáng một xu"
04:30, 24/05/2022
Đã đến lúc lập lại trật tự trong thế giới tiền điện tử?
11:06, 23/05/2022
Kế hoạch Ponzi 1 tỷ USD trên thị trường tiền điện tử
04:30, 17/05/2022
Điểm yếu của thị trường tiền điện tử: Stablecoin nhưng lại không “Stable”
04:50, 14/05/2022