Mở cửa giúp doanh nghiệp sớm ứng dụng Blockchain
Blockchain là công nghệ mới, nếu pháp lý của quốc gia chưa đủ độ mở thì sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai ứng dụng và tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn.
>>"Việt Nam sẽ trở thành cường quốc blockchain"
Thời gian qua, sự bùng nổ của Bitcoin nói riêng và các tài sản kỹ thuật số khác nói chung, nhất là trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đã khiến mối quan tâm về công nghệ Blockchain càng trở nên phổ biến.
Tiềm năng trong lĩnh vực tài chính
Đối với thị trường vốn, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp, dù ở quy mô nhỏ như doanh nghiệp khởi nghiệp hay lớn như tập đoàn kinh tế đều gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp phải đối diện với các quy định pháp lý ngày càng khắt khe, thời gian tiếp cận thị trường kéo dài, rủi ro lãi suất và thanh khoản. Đặc biệt là ở các quốc gia mới nổi, các hoạt động phát hành, thanh toán, bù trừ, giao dịch,... gặp nhiều khó khăn do quy định pháp lý còn hạn chế, cơ chế giám sát còn yếu.
Công nghệ Blockchain cung cấp một số lợi ích cho các hoạt động trên thị trường vốn, cụ thể: tiết kiệm chi phí và thời gian thanh toán; số hoá quy trình, giảm thiểu rủi ro hoạt động, rủi ro do lỗi của người thực hiện, rủi ro đối tác,...; mã hoá các tài sản hoặc công cụ tài chính, khiến chúng có thể dễ dàng lập trình, quản lý, giao dịch. Dưới dạng số hoá, các tài sản này có thể dễ dàng chia nhỏ quyền sở hữu, tăng tính thanh khoản và giảm chi phí vốn.
Với hoạt động quản lý tài sản, các công ty đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ bất động sản,... đối diện với nhu cầu cải thiện khả năng quản trị rủi ro, gia tăng tính linh hoạt cho cấu trúc ra quyết định, giải quyết các vấn đề pháp lý ngày càng phức tạp. Công nghệ Blockchain có thể hỗ trợ các quỹ này trong hoạt động quản lý tài sản và quan hệ với các bên liên quan. Nó cho phép tự động triển khai quỹ; số hoá danh mục đầu tư và tài sản nắm giữ để gia tăng thanh khoản, cũng như khả năng tiếp cận của nhà đầu tư; lập trình các quyền và nghĩa vụ của cổ đông gắn với tài sản mã hoá, giảm thiểu rủi ro do lỗi của người thực hiện; nâng cao tính minh bạch của hoạt động quản trị; quản lý quỹ tự động; tự động chuyển giao tài sản;...
Ở hoạt động thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới, hoạt động thanh toán và chuyển tiền trên toàn cầu được thực hiện bởi một số nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Thông thường, thời gian chuyển tiền là từ 2 - 7 ngày, với chi phí trung bình khoảng 6,3% cho 200 USD. Công nghệ Blockchain có thể được sử dụng như một giải pháp thanh toán và chuyển tiền xuyên biên giới, giúp tiết kiệm thời gian thanh toán và giảm chi phí một cách đáng kể. Ngoài ra, người chuyển tiền/thanh toán có nhiều lựa chọn phương tiện thanh toán trên Blockchain như: các đồng tiền pháp định được số hoá, các đồng tiền stablecoin (các đồng stablecoin này có giá trị tương đối ổn định, được neo giá với các tiền tệ mạnh như USD, EUR,...), các tài sản mã hoá khác.
Với dịch vụ ngân hàng, các dịch vụ lõi của ngân hàng như giao dịch, cho vay, thế chấp... thường phụ thuộc vào các quy trình có tính kế thừa. Ví dụ như xác minh thông tin, chấm điểm tín dụng, xử lý khoản vay, giải ngân,... Thời gian thực hiện các quy trình này thường kéo dài từ khoảng 30 - 60 ngày đối với cá nhân hay 60 - 90 ngày đối với các doanh nghiệp. Blockchain có thể hợp lý hoá quy trình huy động và cho vay, hạn chế rủi ro đối tác và giảm thời gian chờ giải ngân. Chẳng hạn, tự động thực hiện việc bảo lãnh, giải ngân, kiểm soát hoạt động thanh toán gốc và lãi vay; tạo điều kiện cho việc thế chấp tài sản bằng hoạt động số hoá các tài sản đảm bảo, giúp tăng cường khả năng theo dõi và kiểm soát.
Trong tài trợ thương mại quốc tế, các quy trình của thương mại quốc tế dựa trên tài liệu giấy dễ bị tấn công bởi các lỗ hổng bảo mật. Một giao dịch thương mại quốc tế có thể mất đến 90-120 ngày để xử lý thư tín dụng, xác minh tài liệu và thiết lập lòng tin giữa các bên liên quan. Blockchain có thể số hóa toàn bộ vòng đời tài trợ thương mại với tính bảo mật và hiệu quả cao hơn. Nó có thể cho phép quản trị kinh doanh minh bạch hơn, giảm thời gian xử lý, giảm yêu cầu vốn và giảm rủi ro gian lận, lỗi do con người và rủi ro đối tác.
Ngoài ra còn có lĩnh vực bảo hiểm, hoạt động đòi bồi thường bảo hiểm tài sản hoặc tai nạn dễ bị gian lận, việc đánh giá yêu cầu bồi thường có thể bị kéo dài. Công nghệ Blockchain có thể hỗ trợ xác minh dữ liệu, xử lý yêu cầu bồi thường, giải ngân một cách an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý. Các ứng dụng của Blockchain bao gồm: xác thực tài liệu và dữ liệu cá nhân, giảm nguy cơ gian lận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá yêu cầu bồi thường bảo hiểm; xử lý yêu cầu bồi thường tự động với ứng dụng của hợp đồng thông minh; tự động giải ngân các khoản thanh toán tiền bảo hiểm; số hoá các hợp đồng bảo hiểm, tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường tái bảo hiểm.
>>Khơi thông dòng vốn cho startup blockchain Việt
Mở đường cho Blockchain
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực đổi mới công nghệ là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) sử dụng rộng rãi các loại hình công nghệ, từ thanh toán trực tuyến đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Nhiều dự án và sản phẩm sử dụng công nghệ Blockchain do người Việt Nam sáng lập và trở thành những sản phẩm nổi bật trên thị trường toàn cầu.
Trong lĩnh vực ngân hàng, một số thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain có thể kể đến như: Tháng 7/2018, NAPAS đã phối hợp cùng ba ngân hàng VietinBank, VIB và TPBank, thực hiện thử nghiệm thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng bằng Blockchain sau 4 tuần triển khai; Từ tháng 9/2020 đến nay, đã có một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam thử nghiệm các giao dịch phát hành và thông báo L/C ứng dụng công nghệ blockchain như: HSBC, BIDV, HDBank, Vietinbank, MBBank, Vietcombank, VPBank.
Điều này cho thấy, ứng dụng công nghệ Blockchain ngày càng trở nên phổ biến và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng không nằm ngoài xu thế. Tuy nhiên, vì Blockchain là công nghệ mới, nếu pháp lý của quốc gia chưa đủ độ mở thì sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai ứng dụng và tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Về định hướng chiến lược và khuôn khổ pháp lý, Việt Nam cũng chủ trương tận dụng và hội nhập sâu rộng trong kỷ nguyên số. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain trong giai đoạn 2021 – 2023.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, NHNN đã đề xuất lựa chọn 6 giải pháp Fintech tại dự thảo Nghị định gồm: cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng; cho vay ngang hàng; ứng dụng công nghệ Blockchain, sổ cái phân tán trong hoạt động ngân hàng; ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu của cơ chế thử nghiệm.
Như vậy, khuôn khổ pháp lý đối với ứng dụng công nghệ tài chính nói chung và công nghệ Blockchain vào khu vực tài chính của Việt Nam, tuy khuyến khích các doanh nghiệp số, nhưng nhìn chung vẫn còn sơ khai và chưa nhiều quy định, hướng dẫn cụ thể. Điều này có thể sẽ là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển của các tổ chức đổi mới sáng tạo trong nước.
Để ứng dụng công nghệ Blockchain và lĩnh vực tài chính được thuận lợi và phát huy tối đa tiềm năng, cần có những giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý, sớm ban hành Nghị định quy định về về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Cơ chế thử nghiệm sẽ cho phép các sản phẩm công nghệ tài chính được hoạt động trong phạm vi và thời gian xác định; cùng với đó là xác lập các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn các rủi ro, không ảnh hưởng quá nhiều đến sự ổn định của hệ thống tài chính.
Thứ hai, tăng cường hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trên thế giới. Với một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Việt Nam, các tổ chức kinh tế, tài chính cần chú trọng tới hoạt động hợp tác, nghiên cứu, trao đổi với các tổ chức, cơ sở nghiên cứu, công ty, tập đoàn về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu.
Thứ ba, chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng vật lý, dữ liệu để phát triển, ứng dụng hợp đồng thông minh trong thời gian tới. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cần phải nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quản lý, tài chính của mình để áp dụng nhanh chóng các ứng dụng công nghệ tài chính mới.
Có thể bạn quan tâm
Khát nhân lực để tích hợp blockchain
04:00, 23/08/2022
Tiềm năng Blockchain và ứng dụng vào Smart City
00:30, 21/08/2022
"Việt Nam sẽ trở thành cường quốc blockchain"
03:00, 19/08/2022
Em trai tỷ phú SoftBank đầu tư vào một startup blockchain Việt Nam
16:00, 08/08/2022
Blockchain Global Day 2022: Tái định vị dự án Blockchain trong cộng đồng
03:32, 09/07/2022
Khơi thông dòng vốn cho startup blockchain Việt
00:41, 09/07/2022
Nhân lực blockchain: Lương ngàn đô nhưng vẫn khó tuyển
11:06, 05/07/2022