Fintech vẫn chờ đợi hành lang pháp lý cho riêng mình
Với các thuận lợi về mặt thị trường, công nghệ, cùng nhiều yếu tố khác, nhưng khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp Fintech hiện nay là khung pháp lý chưa được đầy đủ, rõ ràng.
>>Fintech: Làm gì để đáp ứng tài chính toàn diện?
Thị trường ngày càng sôi động...
Fintech trong giai đoạn hiện nay không hề trầm lắng mà đang phát triển rất mạnh mẽ. Có thể kể đến một số mảng trong lĩnh vực này như: Thứ nhất, là thanh toán điện tử đang trên đà tăng trưởng trong đó có các tổ chức lớn như Momo, VNpay, Shopeepay hay Zalopay, ngay cả Viettelpay cũng đang chuyển đổi sang Viettel Money để phù hợp với nhu cầu người dùng. Điều đó cho thấy thị trường trong giai đoạn này đang rất sôi nổi và người dân cũng dễ dàng sử dụng một ví điện tử nào đó cho thanh toán online, thanh toán trong các sinh hoạt, mua sắm hằng ngày.
Đặc biệt, giai đoạn hậu Covid-19, việc hạ tầng công nghệ đã được nâng cấp tốt hơn, giúp tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn, kết hợp với hành vi, thói quen của mọi người được chuyển đổi, thậm chí là bắt buộc phải sử dụng thanh toán điện tử như một giải pháp tất yếu.
Thêm nữa, các hoạt động về thương mại điện tử cũng bùng nổ trên Internet, khiến mọi người đã quá quen với việc mua hàng online, thanh toán online. Vì thế, đây là giai đoạn các đơn vị cung ứng dịch vụ đang cố gắng kéo người dùng về phía mình. Điển hình là các mã QR thanh toán, các chương trình truyền thông, khuyến mại qua ví điện tử tại các cửa hàng, siêu thị, cây xăng hiện nay rất nhiều.
Đáng chú ý, khi người dùng sử dụng quen một ví điện tử nào đó, thì tính trung thành sẽ rất cao. Do đó, thị trường thanh toán điện tử trong giai đoạn này đang phát triển tốt bởi vyếu tố đặc thù của thị trường gia tăng, nên các đơn vị lớn đang phải tìm mọi cách để kéo người dùng trở thành khách hàng trung thành của mình chứ không còn là câu chuyện tìm kiếm khách hàng mới.
Thứ hai, là mảng mua trước trả sau (Buy now – Pay later) bắt đầu nở rộ. Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi người bị ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, thu nhập, thì xu thế mua trước trả sau trở thành một trào lưu lan rộng ra các nước trên toàn thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Hàng loạt các công ty, quỹ đầu tư đã đẩy mạnh việc làm thị trường đối với hoạt động này.
Trong quá trình đó, họ sẽ tích hợp với các website, các cửa hàng, các môi trường bán hàng để khuyến khích người dùng mua trước trả sau. Tất nhiên, nó cũng có sự tác động từ đơn vị bán hàng nhằm thúc đẩy doanh số cao hơn, khi có một giải pháp mà người mua hàng chỉ phải trả trước 20 - 30% chi phí, còn sau đó có thể chia thành hai lần cho các khoản thanh toán còn lại ở chu kỳ tiếp theo, sẽ có tỷ lệ người dân hứng thú hơn đồng thời kích thích thanh toán điện tử phát triển.
Thứ ba, là mô hình đầu tư online vào các tài sản. Trong nhiều năm trước, nhiều người dân quen với hình thức đầu tư đa cấp truyền thống hay các loại hội, họ, phường,... theo các nhóm ở các mô hình khác nhau. Nhưng dần dần, những mô hình này bị phơi bày chân tướng lừa đảo thì không còn thu hút nhiều người tham gia nữa và chuyển sang mô hình đa cấp online. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, các sàn đầu tư online huy động vốn trả lãi cao hay giao dịch BO (quyền chọn nhị phân) rất sôi động lôi kéo mọi người tham gia, rồi các sàn liên quan đến Forex, sàn vàng, sàn đầu tư chứng khoán quốc tế,... tạo ra một tập người dùng luôn luôn đi tìm kiếm những kênh đầu tư như vậy.
Gần đây, nhiều kênh đầu tư online này cũng bắt đầu vỡ lở những vụ lừa đảo, khiến nhà đầu tư mất trắng tiền thì tâm lý thị trường bắt đầu có sự e sợ hơn. Tuy nhiên, khi làn sóng này giảm đi thì sẽ xuất hiện những làn sóng khác, bên cạnh thị trường về tiền số, tiền điện tử còn có thị trường về đầu tư tài sản số, bất động sản, NFT,... bao gồm cả lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng hình thành trong giai đoạn này và vẫn đang chờ hành lang pháp lý, cũng như tìm các cơ hội để phát triển.
Song thực tế là, thị trường đang bị lẫn lộn giữa những doanh nghiệp làm đúng và những doanh nghiệp làm chưa đúng. Đến hiện tại, sau 2 năm đại dịch, P2P Lending đang được điều chỉnh để tập trung vào cách tệp khách hàng chất lượng hơn, có chọn lọc hơn so với cách đây mấy năm. Điều đáng nói là, thị trường Fintech đang phát triển mạnh và luôn luôn có những xu hướng mới để đáp ứng nhu cầu người dùng và sự phát triển của kinh tế - xã hội.
>>“Nới cửa” cho Fintech vào Sandbox
Nhưng pháp lý chưa thông
Với các thuận lợi về mặt thị trường, công nghệ, cùng nhiều yếu tố khác, nhưng khó khăn lớn với các doanh nghiệp Fintech hiện nay là khung pháp lý chưa được đầy đủ, rõ ràng.
Ví dụ như đối với P2P Lending, những người cần vốn nhỏ vẫn lao vào vay bất kể khuôn khổ pháp luật trên thị trường ra sao. Vấn đề pháp lý mà chúng ta hay đề cập ở đây là “sự giới hạn các cơ hội phát triển của doanh nghiệp, giới hạn cơ hội hợp tác, nhận đầu tư hay phát triển quy mô tăng trưởng nhanh hơn”.
Một ví dụ nhỏ từ chính doanh nghiệp của chúng tôi như sau, khi chúng tôi đặt vấn đề hợp tác với một công ty chứng khoán lớn, về việc cung cấp các giải pháp, dịch vụ cho đối tác của mình. Xét trên các yếu tố dự án, con người, công nghệ, kỹ thuật, khả năng hợp tác,... đều rất triển vọng để đạt được thoả thuận. Tuy nhiên khi bộ phận pháp chế của đối tác đặt ra các trường hợp giả định rằng, nếu có thông tin bất lợi, hay chính sách pháp luật bất lợi đối với lĩnh vực này, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị công ty trên sàn chứng khoán. Sau nhiều cân nhắc, họ đã đưa ra quyết định là không cho phép đánh đổi và đó chính là sự thiệt thòi với Fintech nói chung và với P2P Lending nói riêng.
Ngoài ra, trong câu chuyện hành lang pháp lý, còn có vấn đề là giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp quốc tế cũng có sự cạnh tranh không lành mạnh. Trong bối cảnh doanh nghiệp nội địa có thể lường trước các yếu tố liên quan đến pháp luật và môi trường phát triển để có những bược đi thận trọng, chuẩn chỉ hơn, thì cũng có những đơn vị nước ngoài muốn tham gia thị trường Việt Nam bằng mọi giá. Với thế mạnh về tài chính, nhiều doanh nghiệp tín dụng đen “đội lốt” chấp nhận “đốt tiền” để hút người dùng, cho vay lãi suất cao, thu lợi bất chính và làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường Việt Nam.
Vừa qua, bản thân các cơ quan quản lý Nhà nước hay người dân đã đều nhìn thấy bức tranh thị trường đầy màu xám, khi bị trộn chung giữa các doanh nghiệp xấu và doanh nghiệp tốt mà không có sự sàng lọc rõ ràng. Vì vậy, là một trong những doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam, chúng tôi luôn mong muốn Chính phủ sẽ sớm có quyết sách hỗ để hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn và cũng là hỗ trợ thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Công ty khởi nghiệp fintech Shaype nhận đầu tư 21,4 triệu USD
02:26, 01/10/2022
Startup Fintech CredAble huy động thành công 9 triệu USD
05:11, 08/08/2022
Công ty khởi nghiệp Fintech Jai Kisan huy động thành công 50 triệu USD
05:23, 05/08/2022
Startup fintech SuperAtom gọi vốn 22 triệu USD trong vòng Series C
05:15, 30/07/2022
Fintech vừa mua lại một công ty chứng khoán có tiềm lực gì?
16:00, 07/06/2022