Metaverse vẫn "giậm chân" trên thị trường GameFi
Theo đánh giá, Metaverse hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu cung cấp trải nghiệm mới cho thị trường GameFi, được hỗ trợ bởi Blockchain và mã thông báo không thể thay thế (NFT).
>>Việt Nam cần tận dụng lợi thế để dẫn đầu trong kỷ nguyên Web 3 và metaverse
Metaverse “ì ạch”
Khi thảo luận về Metaverse và Web3, chúng ta nghe nói rất nhiều về thực tế ảo (VR), tuy nhiên, thực tế tăng cường (AR) lại hiếm khi xuất hiện và cả hai thường bị nhầm lẫn là đồng nghĩa với nhau. Trong khi, sự khác biệt rõ ràng giữa hai công nghệ mới nổi này đều có ý nghĩa sâu rộng đối với tương lai của Metaverse.
Theo ông Diego Di Tommaso, Đồng sáng lập của OVER - một nền tảng AR mã nguồn mở được cung cấp bởi Ethereum Blockchain giải thích, VR cung cấp cho người dùng một môi trường 3D hoàn toàn nhân tạo, trong đó họ có thể tương tác bằng thiết bị đặc biệt như tai nghe VR. Còn AR là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số và môi trường vật lý của người dùng. Như vậy, người dùng AR trải nghiệm phương tiện hoàn toàn nhập vai với thông tin kỹ thuật số được phủ lên trên môi trường thế giới thực của họ.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, 54% các chuyên gia dự đoán rằng Metaverse sẽ trở thành một tính năng hoạt động đầy đủ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta vào năm 2040. Đặc biệt, người dùng sẽ thích một thế giới có các yếu tố của “ thực tế ” và các ứng dụng AR sẽ được sử dụng rộng rãi hơn VR vì lý do này.
Vừa qua, CEO của Apple – Tim Cook cũng đã có chuyến làm việc tại châu Âu và tham dự khá nhiều buổi phỏng vấn với nhiều trang tin trong khu vực, trong đó, AR là một trong những chủ đề xuyên suốt các cuộc nói chuyện của ông.
Tim Cook khẳng định sẽ không lâu nữa, chúng ta sẽ sống trong một thế giới nơi AR có tầm quan trọng đặc biệt. Ông nói rằng thực tế ảo VR cũng có công dụng, bởi quy mô to lớn của nó, nhưng VR lại không phải một thứ có thể thay thế cuộc sống thực.
Vị CEO của Apple cho rằng việc mọi người hiểu rõ về một sản phẩm là điều rất quan trọng. “Tôi thực sự không dám chắc là người bình thường có thể định nghĩa được Metaverse” - ông nhấn mạnh.
Thực tế hiện nay, Metaverse mới được biết đến nhiều hơn trong thế giới trò chơi điện tử. Thị trường này đã có bước phát triển vượt bậc thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, với tổng giá trị thị trường đạt gần 100 tỷ USD năm 2021 và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2022.
Về điều này, nhà đồng sáng lập của OVER cũng cho rằng, ngành mà Metaverse đang cung cấp những trải nghiệm mới, hấp dẫn là chơi game. Đáng chú ý, sự ra đời của Blockchain và mã thông báo không thể thay thế (NFT) cho phép người sáng tạo thiết kế và giao dịch tài sản số trong trò chơi. Bên cạnh khả năng tương tác, nó còn cho phép người chơi mang những tài sản từ trò chơi này sang trò chơi khác. Việc kết hợp AR vào sự kết hợp này tạo ra một lĩnh vực khả năng hoàn toàn mới bằng cách đặt người chơi vào môi trường thực tế.
Đơn cử, Pokemon GO là một trong những ví dụ đầu tiên về điều này, trò chơi đưa các game thủ ra môi trường bên ngoài và theo dõi hành trình của họ trong thời gian thực, thế giới thực. Với AR, người chơi trong Metaverse có thể kiểm tra tốt hơn môi trường mà nhân vật của họ đang ở trong đó, khi đưa ra các chiến lược để hoàn thành nhiệm vụ của mình”, ông cho biết.
>>Những “gã khổng lồ” công nghệ rót hàng tỷ USD vào Metaverse
Khi NFT cũng suy yếu...
Trong báo cáo kinh tế số năm 2022 của Statista, công ty nghiên cứu thị trường và dữ liệu người dùng tại Đức cho thấy, thời gian qua, NFT nhận được sự quan tâm lớn tại nhiều quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Việt Nam cũng từng lọt Top những quốc gia có người dùng NFT nhiều nhất trên thế giới vào năm 2021.
Sự bùng nổ này xuất phát từ nhiều lý do, bao gồm sự phổ biến của các trò chơi kiếm tiền như Axie Infinity của công ty Việt Nam Sky Mavis, hay số lượng nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm của họ trên các nền tảng mạng xã hội như Discord và Twitter ngày càng tăng.
Nếu như Metaverse đang ở giai đoạn đầu tìm đường đi với tương lai được dự báo rộng rãi, thì NFT cũng đang hạ nhiệt. Giao dịch tài sản số NFT trên sàn OpenSea - một trong những sàn NFT lớn nhất thế giới có thời điểm đã giảm mạnh và đến tháng 9/2022 đã giảm hơn 90%, còn chưa tới 10 triệu USD. Câu hỏi đặt ra là, liệu có phải đã tới lúc thoái trào của cơn sốt tài sản số NFT?
Một vị đại diện của Hiệp hội Blockchain Việt Nam đánh giá: "Chúng ta thấy rằng đâu đó nhu cầu trên thị trường đã giảm, nhưng tác động giá giảm rất sâu, nó thể hiện rằng có thể ở giai đoạn trước đây người ta đã kỳ vọng quá lớn, quá FOMO vào giá của các sản phẩm này mới dẫn tới tình trạng như vậy”.
Hiện mức độ quan tâm, lượng giao dịch NFT ở thị trường Việt Nam chỉ còn chưa tới 50% so với trước. Những người đầu tư ngắn hạn với kỳ vọng làm giàu dường như đã rời khỏi cuộc chơi.
Ngoài ra, dữ liệu từ StockApps.com cho thấy, sự quan tâm đến NFT giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, ở mức 14/100 điểm. Điều này trái ngược với sức nóng của NFT vào đầu năm nay, đạt đến đỉnh 100 điểm vào tuần cuối của tháng 1.
NFT hiện chủ yếu chạy trên nền tảng blockchain Ethereum và sử dụng tiền số này cho các giao dịch. Điều này đồng nghĩa giá NFT sẽ giảm nếu thị trường Ethereum giảm mạnh. Việc Ethereum biến động giá là một trong những lý do đằng sau sự tụt dốc của NFT.
Chuyên gia Edith Reads từ StockApps cho biết: “NFT là chủ đề được bàn tán nhiều hàng đầu của giới đầu tư trong vài tháng qua. Tuy nhiên, có vẻ như sự quan tâm đến trào lưu này giảm đáng kể. Cuộc khủng hoảng tiền điện tử có thể là một lý do, vì nhiều người mất tiền cùng sự sụp đổ của thị trường, hoặc sự mới mẻ của NFT đã mất dần”.
Có thể đây là giai đoạn mà bất cứ thị trường nào cũng chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của kinh tế thế giới; và bản thân NFT cũng đang ở giai đoạn điều chỉnh để tập trung về những ứng dụng thực tiễn hơn.
Có thể bạn quan tâm
Công nghệ metaverse thay đổi bức tranh bán lẻ
05:05, 06/10/2022
Việt Nam cần tận dụng lợi thế để dẫn đầu trong kỷ nguyên Web 3 và metaverse
15:00, 18/09/2022
Những “gã khổng lồ” công nghệ rót hàng tỷ USD vào Metaverse
05:30, 06/09/2022
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với Metaverse
22:07, 28/08/2022