Blockchain “thẩm thấu” vào nền kinh tế
Theo tính toán của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, công nghệ blockchain đã hiện diện trong khoảng 50 lĩnh vực và hoạt động kinh tế.
>>>Kiến tạo và kết nối đầu tư công nghệ blockchain
Trao đổi với DĐDN, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, công nghệ chuỗi khối (blockchain) được ứng dụng và tạo nên những thay đổi lớn trong các lĩnh vực như tài chính, văn hoá, giáo dục, quản lý đất đai, bán lẻ…
- Thưa ông, mới đây blockchain được ứng dụng trong sản phẩm bảo hiểm cho cây lúa tại Việt Nam cho thấy blockchain đã bắt đầu thẩm thấu mạnh mẽ vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế?
Từ thời điểm bitcoin ra đời, blockchain bắt đầu hiện hữu. Đến nay, qua nhiều bước tiến, blockchain đã thay đổi nhiều giá trị quan trọng, trong đó nổi bật là đảm bảo tính trung thực, bảo mật của bản ghi dữ liệu và tạo ra sự tin cậy mà không cần đến bên thứ ba đáng tin cậy. Vì vậy, blockchain được xem là công nghệ nền tảng ứng dụng có thể đưa vào nhiều lĩnh vực khác nhau và nhiều loại hình doanh nghiệp.
Tài chính là ngành chấp nhận công nghệ, ứng dụng công nghệ nhanh và tác động vào lợi ích giá trị để dễ dàng cảm nhận được ngay. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi công nghệ blockchain được ứng dụng tiên phong từ thị trường tài chính với sản phẩm rõ ràng. Bản chất đây là sản phẩm B2B hỗ trợ ngân hàng quản trị nội bộ, từ lĩnh vực bảo hiểm, sàn giao dịch, kế toán. Trên thế giới, sàn giao dịch chứng khoán Singapore, sàn giao dịch nền tảng ở Mỹ hay công ty vay vốn đều ứng dụng blockchain trong hoạt động đảm bảo an toàn dữ liệu, xử lý tốc độ thanh toán.
Còn tại Việt Nam, từ 3-4 năm trước, một số ngân hàng lớn đã tiên phong ứng dụng thử nghiệm blockchain, đạt những kết quả bước đầu và đang tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ trong quản trị.
Từ tài chính, blockchain đã và đang dịch chuyển sang nhiều lĩnh vực khác. Theo tính toán, công nghệ này đã hiện diện trong khoảng 50 lĩnh vực và hoạt động kinh tế. Đại dịch COVID–19 đã tạo ra cú huých đẩy nhanh việc ứng dụng blockchain. Ngoài các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ, có thể thấy, rất nhiều công ty truyền thống nổi tiếng đã tiên phong ứng dụng blockchain như Microsoft, Amazone, Wallmart… nhằm khai thác ưu điểm của công nghệ mới.
Những hoạt động như KPI, quản trị nội bộ, quản lý khách hàng… được chuyển đổi từ nền tảng công nghệ hiện tại sang công nghệ blockchain, góp phần tối ưu hoá hoạt động, tiết kiệm ngân sách, giúp các tập đoàn này thích ứng, hoạt động tốt qua thời kỳ biến động của thế giới.
- Đến nay, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ blockchain đều là những tên tuổi lớn, có tiềm lực kinh tế tốt. Cuộc chơi với blockchain dường như chưa dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thưa ông?
Công nghệ blockchain không tự nhiên đi vào các doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới cần kinh phí. Kinh phí này phụ thuộc vào chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp. Với blockchain, doanh nghiệp có thể ứng dụng trong từng phạm vi, nhu cầu.
Phổ biến nhất hiện nay các doanh nghiệp khai thác ứng dụng này trong quản lý khách hàng và định danh. Công nghệ blockchain thực sự hữu ích bắt đầu từ lãnh đạo doanh nghiệp có cách nhìn tổng thể trong chuyển đổi số, dám mạnh dạn mạo hiểm với những thách thức mới và nguồn ngân sách vừa đủ.
Kinh phí đang là hạn chế của doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận công nghệ. Quan trọng hơn, blockchain có lẽ chưa thật cần thiết và chưa đem lại những giá trị cho doanh nghiệp SME với quy mô khách hàng nhỏ. Ứng dụng công nghệ này trong doanh nghiệp SME có thể chỉ làm đắt đỏ thêm trong khi hiệu quả nhận được không cao, dễ thất bại và lãng phí tài nguyên gây mất niềm tin. Với doanh nghiệp SME, cách tiếp cận hiệu quả nhất đến nay đã được chứng minh trên thế giới và tạ Việt Nam là thành lập các startup về blockchain như các ứng dụng về fintech, game hoặc sử dụng các nền tảng blockchain.
- Hệ thống pháp lý về blockchain vẫn chưa hoàn thiện. Đây có phải là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp vẫn còn nghe ngóng và dè dặt, thưa ông?
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đang thảo luận, xem xét góc độ pháp lý cho ứng dụng công nghệ này. Tại Mỹ, thị trường blockchain được điều chỉnh bởi các hệ thống luật của thị trường chứng khoán, thị trường hàng hoá phái sinh, luật thuế với tài sản số kết hợp với luật tiểu bang và liên bang.
Tại Hàn Quốc, thị trường này thiên về tài sản số và thị trường chứng khoán. Ở nước ta, vấn đề pháp lý đang được các cơ quan chức năng quan tâm, cho chủ trương nghiên cứu, xây dựng. Trong thời gian chờ đợi, Hiệp hội đang tăng cường hợp tác với các nước đã hình thành khung pháp lý cho thị trường blockchain phát triển để trao đổi các ứng dụng về luật pháp, tìm kiếm các giải pháp hạn chế rủi ro bởi với mô hình kinh tế mới nào, vấn đề ưu tiên nhất là quản lý rủi ro.
Trong sự hợp tác này, Hàn Quốc sẽ chuyển giao Hiệp hội giáo trình, bài giảng đào tạo về blockchain để chúng ta thống nhất giáo trình đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, tạo nguồn nhân sự cho ứng dụng công nghệ.
Mặc dù mới đây Hàn Quốc gặp một số sự cố lớn như trường hợp với đồng tiền số LUNA với ảnh hưởng công nghệ gần như toàn cầu nhưng cho đến nay, Hàn Quốc vẫn là nơi có thị trường blockchain phát triển, hệ thống luật pháp về blockchain tốt tại khu vực châu Á. Hàn Quốc có những tập đoàn lớn hỗ trợ nền tảng blockchain hiệu quả cho ngân hàng trung ương.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Kiến tạo và kết nối đầu tư công nghệ blockchain
03:40, 29/11/2022
Các startup Việt nhắm đến mảng ứng dụng công nghệ Blockchain
06:17, 10/11/2022
Vai trò của Blockchain trong thanh toán xuyên biên giới
12:00, 08/11/2022
Blockchain Summit 2022: Phát triển nguồn nhân lực blockchain tại Việt Nam
13:01, 20/10/2022