Coinbase thu hẹp quy mô, ngậm ngùi chia tay nhân sự
CEO sàn giao dịch Coinbase thừa nhận, sau khi đánh giá triển vọng của năm 2023, sàn phải “thắt lưng buộc bụng” để gia tăng khả năng sinh tồn và không còn cách nào khác ngoài việc chia tay nhân sự.
>>Con đường tiến đến “mùa hè tiền điện tử” năm 2023
Theo một tuyên bố gần đây của ông Nana Murugesa, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh và quốc tế của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất Hoa Kỳ - Coinbase, sàn giao dịch này sẽ thu hẹp quy mô hầu hết các hoạt động của mình tại Nhật Bản.
Murugesan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông vào ngày 11/1 rằng: “Chúng tôi đã quyết định kết thúc phần lớn các hoạt động của mình tại Nhật Bản, điều này dẫn đến việc loại bỏ hầu hết các vai trò trong đơn vị Nhật Bản của Coinbase”. Ông cũng từ chối bình luận về hoạt động mua bán, sáp nhập liên quan đến các thực thể ở Nhật Bản.
Sàn giao dịch Coinbase được niêm yết trên Nasdaq và được cấp phép phục vụ khách hàng Nhật Bản vào ngày 18/6/2022, sau khi đăng ký với Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) - cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của đất nước.
Mặc dù không đưa ra các thông tin chi tiết về việc có bao nhiêu nhân viên Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi thông báo này, nhưng ông Nana Murugesa nói rằng vẫn có một nhóm nhỏ cam kết đảm bảo an toàn cho tài sản của khách hàng tại đất nước mặt trời mọc.
Murugesan nhấn mạnh rằng Coinbase Japan đang trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi các cuộc đàm phán với FSA của Nhật Bản kết thúc. Giám đốc điều hành của tổ chức Nao Kitazawa đang thúc đẩy các cuộc đàm phán và sẽ thông báo bước tiếp theo của mình sau đó.
Năm 2022, thị trường tiền điện tử đã đón nhận nhiều vụ sụp đổ gây sốc cho khách hàng và những người đam mê lĩnh vực này, do đó, quy định và chính sách được xem là yếu tố định hình ngành công nghiệp tiền điện tử một cách có ý nghĩa nhất trong vài năm tới.
Từ trước đến nay, Coinbase vẫn luôn là một tổ chức nhận được nhiều sự chú ý. Tuần trước, công ty đã đồng ý thanh toán khoản tiền 100 triệu USD với Cơ quan Dịch vụ Tài chính New York về các vấn đề liên quan đến chương trình tuân thủ của công ty.
Cơ quan này tuyên bố họ đã tìm thấy “những lỗi nghiêm trọng” trong chương trình tuân thủ của Coinbase về vi phạm Luật Ngân hàng New York và các quy định của tiểu bang về tiền ảo, chuyển tiền, giám sát giao dịch, an ninh mạng.
Chưa hết, vào ngày 10/1 vừa qua, Coinbase cũng đã công bố một đợt sa thải lớn khác khiến 950 nhân viên mất việc trong quá trình thu hẹp quy mô hoạt động. Điều này xảy ra 7 tháng sau khi một đợt thu hẹp quy mô trước đó đã sa thải 1.100 nhân viên (khoảng 18% lực lượng lao động) vào thời điểm đó.
Có thể thấy, sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase gần đây đã công bố nhiều đợt sa thải sâu rộng hơn, với lý do các điều kiện bất lợi của thị trường diễn ra ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế tiền điện tử.
>>Vốn hóa Coinbase “bốc hơi” từ 85 tỷ USD xuống dưới 10 tỷ USD
CEO Coinbase, Brian Armstrong thừa nhận rằng, sau khi đánh giá triển vọng của năm 2023, sàn phải “thắt lưng buộc bụng” để gia tăng khả năng sinh tồn trong mọi kịch bản. Ông cũng khẳng định không còn cách nào khác để làm điều này ngoài việc chia tay các nhân sự.
Những lý do khác được vị CEO đưa ra còn có một năm 2022 đầy các biến cố đối với thị trường crypto, từ sự sụp đổ dây chuyền của nhiều ông lớn cho đến tác động kinh tế vĩ mô từ các lần nâng lãi suất của Mỹ.
Ngay lập tức sau đó, vào ngày 11/1, công ty xếp hạng tín nhiệm S&P Global đã hạ xếp hạng tín dụng của Coinbase từ “BBB” xuống “BB-” và chuyển từ “cấp độ đầu tư” sang “cấp độ đầu cơ”. S&P cũng chỉ ra khối lượng giao dịch suy yếu tại sàn giao dịch này và mức độ chú ý của cơ quan quản lý tăng lên sau sự sụp đổ nổi tiếng của FTX vào tháng 11/2022.
Nhà đầu tư tiền điện tử William Quigley hy vọng sau cú sốc vừa qua, thị trường tiền kỹ thuật số sẽ phục hồi trong thời gian tới. Còn theo chuyên gia Jayendra Jog của Sei Labs đánh giá, trong ngắn hạn, cú sốc vừa qua sẽ rất tồi tệ nhưng không có nghĩa là ngày tận thế của ngành công nghiệp mới nổi này đã đến. Ông Jog tin rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy sự quan tâm đến hoạt động kinh doanh các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số phi tập trung minh bạch hơn.
Như vậy, cho dù có tiếp tục diễn biến xấu, suy thoái hay phục hồi và phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai thì cuộc khủng hoảng tiền kỹ thuật số năm vừa qua đã phơi bày các sai sót và bất cập của ngành, như một hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư và công chúng về sự cần thiết phải có các chế tài và quy định tài chính chặt chẽ.
Các lập luận cho rằng tiền kỹ thuật số thực sự minh bạch bởi tất cả các giao dịch trên Blockchain đều có thể được theo dõi và các nhà đầu tư không cần các tổ chức tập trung như ngân hàng bởi có sổ cái kỹ thuật để tra cứu và tham chiếu giờ đây không còn đủ thuyết phục khi trải qua cú sốc vừa qua. Để tiền kỹ thuật số thực sự trở thành tương lai của ngành tài chính, các cơ quan quản lý phải tham gia tích cực hơn nữa vào lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm
Vốn hóa Coinbase “bốc hơi” từ 85 tỷ USD xuống dưới 10 tỷ USD
05:00, 23/11/2022
Startup Coin98 Việt Nam niêm yết trên sàn Coinbase của Mỹ
04:10, 13/06/2022
Câu chuyện thành công của “cha đẻ” Coinbase
04:00, 28/10/2021
Coinbase bị hack 6.000 tài khoản, Bitcoin vẫn phi mã
05:00, 03/10/2021