Visa vẫn theo đuổi tham vọng với tiền điện tử
Theo Cointelegraph, “gã khổng lồ” thanh toán toàn cầu Visa tiếp tục khám phá những lợi ích của ngành công nghiệp tiền điện tử, với một sáng kiến mới tập trung vào thanh toán bằng stablecoin.
>>Cú “sốc” thanh khoản mới trên thị trường tiền điện tử
Visa không ngừng đầu tư
Người đứng đầu bộ phận tiền điện tử tại Visa - Cuy Sheffield đã lên Twitter vào ngày 24/4 để thông báo về một dự án mới liên quan đến tiền điện tử do công ty phát triển. Ông lưu ý, sản phẩm tiền điện tử sắp tới của Visa được thiết kế để thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi các mạng chuỗi khối công khai và thanh toán bằng stablecoin.
“Đồng thời đặc biệt quan tâm đến trải nghiệm sử dụng Github Copilot (công cụ trí tuệ nhân tạo dựa trên đám mây) và các công cụ kỹ thuật hỗ trợ AI khác để viết và gỡ lỗi hợp đồng thông minh”, Sheffield viết.
Trước đó, một tin tuyển dụng của Visa được công bố vào ngày 20/4 cho thấy, bộ phận tiền điện tử của công ty đang xây dựng “thế hệ sản phẩm tiếp theo” để tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày. Và để phát triển sản phẩm, Visa đang tìm cách thuê các kỹ sư phần mềm tập trung vào lập trình, hệ thống phụ trợ công nghệ Web3.
Trong số các tiêu chuẩn được ưu tiên của ứng viên, Visa đã liệt kê sự hiểu biết tốt về các giải pháp lớp 1 và lớp 2 cùng với kinh nghiệm viết hợp đồng thông minh bằng ngôn ngữ lập trình Solidity. Được giới thiệu riêng cho Mạng Ethereum, Solidity được sử dụng để tạo hợp đồng thông minh trên nền tảng chuỗi khối và tạo chuỗi bản ghi giao dịch trong hệ thống chuỗi khối. Vị trí này cũng đòi hỏi sự hiểu biết tốt về các mạng sổ cái phân tán công khai, các giao thức bảo mật, quyền lưu trữ khóa riêng cũng như các cải tiến Ethereum mới...
Là một trong những công ty thanh toán lớn nhất thế giới, Visa đã có một bước tiến lớn vào ngành công nghiệp tiền điện tử vào năm 2020, khi hợp tác với công ty blockchain Circle để hỗ trợ USD Coin (USDC) trên một số thẻ tín dụng. Công ty đã dần dần mở rộng việc cung cấp tiền điện tử, nhưng đã tạm dừng một số quan hệ đối tác mới trong ngành do thị trường tiền điện tử lao dốc vào năm 2022 và sự sụp đổ của ngành công nghiệp lớn như Celsius và FTX.
>>Các sàn giao dịch tiền điện tử "thúc giục" về một quy định rõ ràng
Tiền ổn định "kém ổn định"
Dữ liệu từ Kaiko phân tích, thời gian vừa qua những sự vụ lùm xùm liên quan đến ngành công nghiệp non trẻ này, cùng làn sóng quy tắc nhằm trấn áp stablecoin đã khiến thị trường biến động mạnh. Dữ liệu biến động vốn hóa của Top 4 stablecoin bao gồm USDT, USDC, BUSD, DAI cho thấy thay đổi đáng chú ý.
Cụ thể: Thứ nhất, là sự suy giảm tổng vốn hóa các stablecoin kể từ khi Terra sụp đổ cho đến nay, từ 161 tỷ USD giảm còn 124 tỷ USD. Và đồng USDT đang được xem như một nơi tiền đổ về trú ẩn. Tổng vốn hóa stablecoin là dữ liệu đo lường sự sẵn sàng mua của nhà đầu tư. Vậy nên, khi dữ liệu này giảm thì tinh thần sẵn mua cũng giảm đi.
Sang tháng 4/2023, có sự đột phá về dữ liệu thị phần. Trong khi USDT lấy lại ngôi “vua” với vốn hóa trở lại mức cao 81 tỷ USDm thì các stablecoin khác đang bị rút cạn. Điển hình là USDC đang mất dần niềm tin khi giảm mạnh trong tháng 4 chỉ còn 31 tỷ USD. BUSD cũng biến mất theo đúng nghĩa đen, hiện chỉ còn 6,7 tỷ USD. DAI còn ít hơn thế, chỉ hơn 5 tỷ USD một chút. Đây không phải là tín hiệu tốt cho thị trường. Stablecoin đang tự cơ cấu lại thị phần chứ không có tiền mới chảy vào.
Thứ hai, dấu hiệu cho thấy stablecoin bị rút mạnh trong năm 2023 và dữ liệu từ Kaiko đã một lần nữa xác nhận điều này. Với trung bình mức suy giảm vốn hóa stablecoin mỗi quý là 8 tỷ USD, nó không chỉ giới hạn đà tăng giá của các đồng coin mà khiến cho giá các đồng coin trở nên thiếu bền vững. Với cường độ giảm này, dự đoán quý 2/2023, lực gom stablecoin vẫn chưa thể tạo dòng chảy mạnh trở lại.
Thứ ba, Dự thảo luật về stablecoin của Hoa Kỳ xuất hiện trong quý 1/2023. Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã phát hành dự thảo luật về stablecoin (chưa hoàn thiện và thông qua), hé lộ quan điểm quản lý của cơ quan thẩm quyền Hoa Kỳ đối với stablecoin. Từ đây, các nhà đầu tư có thể bắt đầu dự đoán tương lai của stablecoin: Các stablecoin không được bảo chứng bởi Fiat (hoặc tương đương) có thể bị “thanh trừng”. Các stablecoin phi ngân hàng (như của Tether và Circle) có khả năng phải chịu giám sát và kiểm soát dưới quyền của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nghĩa là khi muốn điều chỉnh nguồn cung cần có sự thông qua của Fed.
Có thể thấy, stablecoin đã trải qua một đợt sóng gió lớn cùng với thị trường tiền điện tử nói chung. Đồng tiền vốn được giới đầu tư tiền điện tử tin tưởng là đồng tiền ổn định đã có những lúc “bất ổn định” đầy bất ngờ. Đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm với các nhà đầu tư đang tham gia thị trường nhiều rủi ro, biến động này.
Có thể bạn quan tâm
Cú “sốc” thanh khoản mới trên thị trường tiền điện tử
05:05, 14/03/2023
Tránh rủi ro trên thị trường tiền điện tử lây lan sang ngân hàng
04:50, 26/02/2023
Các sàn giao dịch tiền điện tử "thúc giục" về một quy định rõ ràng
20:40, 19/02/2023
Bitcoin trồi sụt, tiền điện tử AI nổi sóng trong “cơn sốt” ChatGPT
17:02, 13/02/2023