Bước lùi của các quỹ phòng hộ với thị trường tiền điện tử

DIỄM NGỌC 13/07/2023 16:00

Các quỹ phòng hộ toàn cầu đã có bước lùi với tài sản tiền điện tử sau hàng loạt bê bối vào năm 2022, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều rủi ro và nguy cơ bị tấn công mạng gia tăng.

>>Mỹ siết các sàn giao dịch tiền điện tử, Bitcoin hưởng lợi

Sự cân nhắc từ các quỹ đầu tư

Theo một cuộc khảo sát mới của PwC cùng với Alternative Investment, các quỹ phòng hộ trên khắp thế giới đang lùi một bước khỏi các tài sản ảo, khi lĩnh vực tiền điện tử tiếp tục trồi sụt sau hàng loạt vụ sụp đổ vào năm ngoái, điển hình là sự sụp đổ của FTX và một cuộc trấn áp tại Mỹ.

Hoạt động của các quỹ phòng hộ ở Hồng Kông gần đây khá yên ắng giống như các nơi khác trên thế giới (ảnh: Shutter Stock)

Hoạt động của các quỹ phòng hộ ở Hồng Kông gần đây khá yên ắng giống như các nơi khác trên thế giới (ảnh: Shutter Stock)

Cụ thể, các quỹ phòng hộ truyền thống đã không tập trung vào tiền điện tử khi chỉ có 29% đầu tư vào tài sản ảo trong năm nay, giảm so với 37% vào năm ngoái. Những biến động nặng nề trong năm 2022, đã buộc các quỹ toàn cầu phải đánh giá lại vai trò của tài sản tiền điện tử trong danh mục đầu tư của họ.

Nhìn lại, ngành công nghiệp tiền điện tử bắt đầu lao dốc mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2022, đáng chú ý nhất là FTX - từng là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ hai thế giới. Đến đầu năm nay, tiền điện tử mới dần phục hồi trở lại, tuy nhiên nó vẫn phải đối mặt với những “cơn gió ngược” như lãi suất cao và cách tiếp cận quy định chặt chẽ hơn ở Mỹ.

“Gần 70% số người tham gia khảo sát cho biết, các sự kiện trong năm 2022 đã ảnh hưởng đến ý định triển khai thêm vốn của họ vào lĩnh vực này”, báo cáo lưu ý.

PwC cho biết thêm, tại Hồng Kông, nơi các cơ quan quản lý bao gồm Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) đã có những động thái nhằm nắm bắt lĩnh vực tiền điện tử, song các quỹ vẫn gặp khó khăn và tình hình chỉ mới được cải thiện gần đây.

Gaven Cheong, người đứng đầu quỹ đầu tư tại Tiang & Partners tại Hồng Kông nhận xét, mặc dù khung pháp lý của Hồng Kông dành cho các nhà quản lý quỹ tài sản ảo, được áp dụng từ năm 2018, ban đầu thu hút được sự quan tâm cao, nhưng sự không chắc chắn về cách các khoản tiền đó được đánh thuế trong thành phố và những hạn chế đi lại của Covid-19, cuối cùng đã thúc đẩy các quỹ tiền điện tử phải di dời đến các địa điểm khác như Dubai hay Thụy Sĩ.

“Sự bất ổn của thị trường xung quanh FTX và Three Arrows Capital, một quỹ phòng hộ tiền điện tử đã sụp đổ vào năm ngoái, cũng đặt ra những thách thức cho các quỹ, đặc biệt là những quỹ mới đang tìm cách huy động vốn. Đến nay, tình hình dường như đã có chiều hướng tốt hơn, khi các cải cách đang được thực hiện trên toàn ngành đối với rủi ro đối tác, rủi ro hệ thống và quy trình quản lý thanh khoản”, ông nói.

Còn theo Michael Bugel, Giám đốc điều hành và đồng giám đốc APAC tại AIMA cho rằng: “Hoạt động của các quỹ phòng hộ ở Hồng Kông gần đây khá yên ắng giống như các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên dự kiến sẽ có các hoạt động ra mắt và kéo dài mới trong quý 4/2023, điều này sẽ tạo ra một số động lực cho thị trường. Đồng thời sẽ liên quan đến việc ra mắt quỹ tiền điện tử và tiếp nhận các quỹ từ những nơi khác trên thế giới. Lộ trình đã được SFC và chính quyền Hồng Kông làm rõ về việc họ sẵn sàng nắm lấy lĩnh vực tài sản kỹ thuật số đến đâu”.

Dù bối cảnh ảm đạm hơn, những vẫn còn nhiều quỹ truyền thống vẫn tiếp tục đầu tư vào tiền điện tử và có ý định duy trì mức vốn triển khai. Cuộc khảo sát của PwC cho thấy 46% cho biết, họ sẽ triển khai thêm vốn vào tài sản ảo trong năm nay, thấp hơn so với mức 67% vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, sự hỗn loạn trên thị trường cũng dẫn đến sự thay đổi chiến lược của các quỹ đầu tư vào tiền điện tử. Ví dụ, nhu cầu đối với các dịch vụ giám sát của bên thứ ba đặc biệt mạnh mẽ hơn, PwC lưu ý, với 80% quỹ phòng hộ tiền điện tử và quỹ phòng hộ truyền thống sử dụng dịch vụ này trong lưu ký chính của họ.

>>Giải mã bối cảnh toàn cầu về việc chấp nhận tiền điện tử

Đề phòng những vụ tấn công mạng

Theo một báo cáo gần đây của công ty dữ liệu chuỗi khối Chainalysis, các vụ lừa đảo tiền điện tử đã giảm 77% từ 3,3 tỷ USD xuống còn 1,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các cuộc tấn công đòi tiền chuộc đang có xu hướng quay trở lại.

Dòng vốn vào các đối tượng bất hợp pháp đã giảm khoảng 65% trong 6 tháng đầu năm

Trên thị trường tiền điện tử, dòng tiền rơi vào các đối tượng bất hợp pháp đã giảm khoảng 65% trong 6 tháng đầu năm

Ngày 12/7, Chainalysis đã công bố báo cáo “Tội phạm tiền điện tử” giữa năm, lưu ý rằng đây là năm thứ hai liên tiếp số tiền lừa đảo có xu hướng giảm. Công ty đã quan sát thấy, trong lịch sử, doanh thu lừa đảo tăng lên ở các thị trường giá tăng, nhưng điều đó đã không xảy ra cho đến năm 2023. “Thông thường, biến động giá tích cực dẫn đến việc lừa đảo nhiều hơn, có thể là do sự hưng phấn của thị trường giá tăng và tâm lý FOMO khiến nạn nhân dễ bị lừa hơn. Nhưng sự suy giảm lừa đảo mạnh mẽ của năm 2023 đã phá vỡ xu hướng có tính lịch sử đó”.

Dòng vốn rơi vào các đối tượng bất hợp pháp đã giảm khoảng 65% trong 6 tháng đầu năm so với cùng khung thời gian năm ngoái. Đồng thời dòng vốn vào các thực thể rủi ro như máy trộn tiền điện tử và sàn giao dịch rủi ro cao cũng giảm 42%.

Kim Grauer, Giám đốc nghiên cứu tại Chainalysis trả lời phỏng vấn trên Cointelegraph rằng, các nạn nhân lừa đảo trong quá khứ có thể đã trở nên “cẩn thận” hơn với các quyết định đầu tư của họ. Do đó, họ không còn mắc bẫy của những kẻ lừa đảo nữa. Điều này cũng góp phần làm giảm số tiền bị lừa đảo.

“Ngoài ra, các chiến dịch nâng cao nhận thức của Chính phủ và ngành, cũng như báo cáo của các phương tiện truyền thông, đã giúp giáo dục mọi người về những rủi ro lừa đảo”, vị chuyên gia nhận định.

Song, Chainalysis cũng cảnh báo người dùng rằng, các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể ngày càng được sử dụng để thúc đẩy các vụ lừa đảo thông qua việc sử dụng Deepfakes (tạo ra âm thanh, hình ảnh giả).

Mặc dù các vụ “hack” giảm đáng kể, nhưng không có nghĩa là mọi thứ đều được cải thiện trên diện rộng. Đặc biệt, số tiền từ phần mềm tống tiền đã tăng 62,4% lên 449,1 triệu USD trong nửa đầu năm nay. Theo Chainalysis, lý do là những kẻ tấn công hiện đang “săn lùng con mồi lớn” là các tổ chức quy mô lớn, với hầu bao rủng rỉnh, để đòi tiền chuộc nhiều nhất có thể nếu họ sẵn sàng trả tiền.

Vào tháng 10/2021, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Phòng chống Ma túy và Tội phạm đã phát hiện ra, cứ 11 giây lại có một vụ đòi tiền chuộc trên khắp thế giới, dẫn đến tổng chi phí thiệt hại là 20 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2021.

Còn theo Cybersecurity Ventures dự đoán vào tháng 6 này rằng, các kẻ tấn công mạng sẽ tiêu tốn của các nạn nhân 265 tỷ USD hàng năm vào năm 2031.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán toàn cầu và tiền điện tử trở lại xu hướng tích cực

    05:00, 18/06/2023

  • Mỹ siết các sàn giao dịch tiền điện tử, Bitcoin hưởng lợi

    04:00, 09/06/2023

  • Giải mã bối cảnh toàn cầu về việc chấp nhận tiền điện tử

    05:00, 31/05/2023

  • Trung Quốc cho phép xử lý các khoản nợ bằng tiền điện tử

    12:00, 08/05/2023

DIỄM NGỌC