Nhân dân tệ kỹ thuật số đã tiến bộ ra sao trong năm 2023?
Tỷ lệ sử dụng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đang gia tăng trong năm 2023, với các giao dịch và tổng giá trị vượt xa mức của năm 2022, cùng nhiều ứng dụng được thử nghiệm, triển khai.
>>Nhân dân tệ kỹ thuật số được đưa vào số liệu tiền mặt chính thức
Năm 2019, Trung Quốc bắt đầu thí điểm loại tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), được gọi là e-CNY. Sau một khởi đầu chậm chạp, sự hấp thụ đã tăng tốc nhanh chóng.
Theo SCMP đưa tin, 26 thành phố đóng vai trò là nơi thử nghiệm và 5,6 triệu thương nhân đã đăng ký sử dụng loại tiền này trên toàn quốc tính đến năm 2022. Việc triển khai tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa vào năm 2023. Cựu thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Yi Gang cho biết vào tháng 7 rằng, tổng số giao dịch đã đạt 950 triệu với giá trị tích lũy là 1.800 tỷ Nhân dân tệ (249,9 tỷ USD) vào cuối tháng 6, tăng từ 100 tỷ Nhân dân tệ (13,9 tỷ USD) vào tháng 8/2022.
Cùng với 120 triệu ví được mở và tiện ích tiềm năng của e-CNY trong việc mở rộng việc sử dụng tiền Trung Quốc ở nước ngoài, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số dường như đã sẵn sàng để chứng kiến sự phát triển lớn hơn nữa trong những năm tới.
Trong năm 2023, Nhân dân tệ kỹ thuật số đã đạt được một số tiến bộ đáng chú ý như: Thứ nhất, người dùng ở nước ngoài có quyền truy cập vào ví điện tử Nhân dân tệ. Từ tháng 9, người nước ngoài ở Trung Quốc có thể đăng ký ví điện tử CNY bằng số điện thoại quốc tế của họ, nạp tiền bằng thẻ Visa hoặc Mastercard ở nước ngoài và chuyển số dư trong ví của họ trở lại tài khoản nước ngoài.
Đồng thời, người dùng ở nước ngoài có thể sử dụng ví tại các cửa hàng ngoại tuyến có bảng hiệu chấp nhận đồng Nhân dân tệ điện tử và trên các nền tảng phổ biến của Trung Quốc như Meituan và Ctrip.
Tại Giang Tô, một tỉnh ở miền Đông Trung Quốc đang quảng bá đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số bằng cách kết hợp nó vào việc trả lương cho công chức và những người làm việc cho các tổ chức công ở các thành phố lớn. Thành phố Từ Châu đã tiết lộ kế hoạch vào tháng 4 về việc kết hợp đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số vào hoạt động của các chuyến tàu chở hàng đi châu Âu, liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường, cho phép thanh toán các dịch vụ và phí lưu trữ liên quan đến hàng hóa vận chuyển.
Vào tháng 5, một địa phương khác là Túc Thiên đã đặt mục tiêu biến đồng Nhân dân tệ điện tử trở thành phương thức thanh toán chính cho các tổ chức công ở địa phương vào cuối năm 2025, với kế hoạch áp dụng ví nhân dân tệ kỹ thuật số cho các đơn vị ngân sách Chính phủ ở mọi cấp.
Thứ hai, giao dịch ngoại tuyến không cần Internet. Vào tháng 1, ứng dụng e-CNY của Trung Quốc đã giới thiệu một chức năng mới cho phép người dùng thực hiện thanh toán mà không cần sạc điện thoại hoặc kết nối Internet.
Theo đó, người dùng có thể đặt trước số lượng, giá trị thanh toán và hoàn tất giao dịch bằng cách chạm điện thoại của họ vào thiết bị thu ngân, ngay cả khi điện thoại bị thiếu tín hiệu. Bắt đầu từ tháng 7, người dùng có thể thực hiện thanh toán mà không cần mạng điện thoại hoặc nguồn điện, bằng cách sử dụng thẻ SIM làm phương tiện thanh toán.
>>Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?
Thứ ba, mBridge ngày càng được mở rộng. Viện nghiên cứu tiền kỹ thuật số của PBoC đã tham gia nền tảng đồng Nhân dân tệ điện tử với bốn Ngân hàng Trung ương khác vào năm 2021. Các thành viên khác của mBridge gồm Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ngân hàng Thái Lan, Trung tâm Đổi mới BIS và Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA).
mBridge được thiết kế để đẩy nhanh việc sử dụng đồng Nhân dân tệ điện tử trong thanh toán quốc tế, cắt giảm phí xử lý chuyển tiền xuyên biên giới và cung cấp cho các thị trường mới nổi một cổng vào mạng tài chính toàn cầu với giá cả phải chăng.
Vào tháng 6, năm đối tác đã thảo luận về giai đoạn hạ cánh và phát triển sản phẩm khả thi tối thiểu của nền tảng trong cuộc họp ở Bắc Kinh. Họ dự định tạo ra một nguyên mẫu thực tế có thể đánh giá hiệu quả tiềm năng của đồng Nhân dân tệ điện tử ở các thị trường chưa xác định với chi phí tối thiểu.
Giám đốc điều hành HKMA - Eddie Yue cho biết trong bài phát biểu vào tháng 9 tại Thượng Hải rằng, các thử nghiệm thí điểm gần đây đã cho thấy nền tảng này có thể tăng tốc thanh toán xuyên biên giới, đồng thời giảm chi phí và cải thiện tính minh bạch.
Cùng thời điểm, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã trở thành một trong những tổ chức tiên phong được chọn tham gia giai đoạn thử nghiệm của dự án mBridge.
Thứ tư, thanh toán của ASEAN với e-CNY. Trong hội chợ Trung Quốc-ASEAN vào tháng 9 được tổ chức tại Nam Ninh (Quảng Tây) vừa qua, nhiều ngân hàng đã thiết lập khu trải nghiệm đồng Nhân dân tệ điện tử tại các gian hàng trong phòng triển lãm, để giúp các khách hàng có thể làm quen với chức năng của nó.
Quảng Tây được coi là khu vực trọng điểm, để Trung Quốc triển khai thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trong thương mại song phương với đối tác thương mại lớn nhất là ASEAN gồm 10 thành viên.
Thứ năm, sự tham gia của Hồng Kông. Ngân hàng Bank of China Hong Kong (BOCHK) đang cho phép khách hàng đại lục mua hàng bằng đồng Nhân dân tệ điện tử tại hơn 200 địa điểm bán lẻ trong thành phố. Thời gian đủ điều kiện bắt đầu vào tháng 7 trong “lễ hội mua sắm xuyên biên giới” kéo dài đến ngày 31/10.
Từ tháng 2, BOCHK đã mời cư dân Hồng Kông đăng ký gói e-CNY để sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cho mua sắm ở Trung Quốc đại lục.
Theo báo cáo của Standard Chartered và PwC China, tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương có thể sẽ phá vỡ ngành ngân hàng, buộc những người cho vay truyền thống phải đổi mới và giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn tài chính thuận lợi hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nhân dân tệ kỹ thuật số được đưa vào số liệu tiền mặt chính thức
16:00, 12/01/2023
Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể đã đạt đến “điểm nghẽn”
05:53, 14/10/2022
Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?
12:30, 01/06/2022
Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cộng sinh với Alipay và WeChat Pay
05:15, 19/02/2022
Nhân dân tệ kỹ thuật số đang hiện diện tại Olympic Bắc Kinh 2022 ra sao?
05:00, 10/02/2022