Các ngân hàng nước ngoài tham gia thí điểm CBDC của Trung Quốc

DIỄM NGỌC 03/12/2023 04:43

Các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, Hang Seng và Fubon là những ngân hàng nước ngoài đầu tiên tham gia triển khai dịch vụ của mình trên ứng dụng e-CNY do PBoC phát triển.

>>IMF: CBDC có thể cải thiện khả năng tiếp cận tài chính toàn cầu

Theo SCMP đưa tin, bốn ngân hàng HSBC, Standard Chartered cùng với ngân hàng Hang Seng và ngân hàng Fubon đã tham gia vào cuộc đua tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) tại Trung Quốc, khi các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý nước này thúc đẩy mở rộng việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong thanh toán trong nước và xuyên biên giới.

Các ngân hàng nước ngoài đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng trong bối cảnh e-CNY chính là biên giới mới của đổi mới tài chính tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Các ngân hàng nước ngoài đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng trong bối cảnh e-CNY chính là biên giới mới của đổi mới tài chính tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Các chi nhánh tại Trung Quốc của bốn ngân hàng này đã trở thành những ngân hàng nước ngoài đầu tiên tham gia thí điểm CBDC của Trung Quốc, cùng với hơn 40 ngân hàng quốc doanh triển khai dịch vụ của họ trên ứng dụng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY), được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Khách hàng của các ngân hàng tham gia sẽ có thể gửi và nhận tiền bằng ứng dụng e-CNY, thực hiện thanh toán cả trực tuyến và ngoại tuyến, đồng thời nạp tiền vào ví kỹ thuật số bằng cách kết nối chúng với thẻ ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng di động hiện có.

Bày tỏ quan điểm khi tham gia chiến dịch này, ông Jerry Zhang, Phó Chủ tịch điều hành kiêm CEO của Standard Chartered Trung Quốc cho biết, là một cơ sở hạ tầng quan trọng cho nền kinh tế kỹ thuật số, e-CNY sẽ nâng cao trải nghiệm thanh toán và tiêu dùng, đồng thời tăng cường kết nối giữa Trung Quốc và thị trường tài chính quốc tế.

“Đồng e-CNY sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn trong tương lai ở các lĩnh vực như thanh toán thương mại, tài chính và tài trợ chuỗi cung ứng, đồng thời Standard Chartered sẽ cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp với mục tiêu tạo ra động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế thực”, vị CEO nhấn mạnh.

Còn theo đại diện ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, Hang Seng cam kết đẩy nhanh việc áp dụng e-CNY trong các dịch vụ bán lẻ, với mục tiêu hỗ trợ các nhà cung cấp và kích thích tiêu dùng.

>>Nhân dân tệ kỹ thuật số đã tiến bộ ra sao trong năm 2023?

Bà Li Ying, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tổ chức tài chính tại S&P Global Trung Quốc nhận xét: “So với các ngân hàng lớn của Trung Quốc, các ngân hàng nước ngoài thường có dòng sản phẩm kém đa dạng hơn ở quốc gia này. Xét về độ phức tạp của ngân hàng số thì các ngân hàng trong nước cũng đi trước ngân hàng nước ngoài”.

Bà cũng đánh giá, các ngân hàng nước ngoài đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng trong bối cảnh e-CNY chính là biên giới mới của đổi mới tài chính tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bằng cách tích cực tham gia chương trình thí điểm, các ngân hàng nước ngoài có cơ hội tốt hơn để tăng cường sự liên quan của họ trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Động thái hỗ trợ tiền kỹ thuật số cho thấy cam kết của các ngân hàng đối với thị trường Trung Quốc và có thể tạo tiền đề cho nhiều ngân hàng có vốn nước ngoài triển khai theo.

Ngoài việc theo kịp các ngân hàng nội địa của Trung Quốc, các ngân hàng có vốn nước ngoài cũng đang để mắt đến các cơ hội liên quan đến e-HKD, tiền kỹ thuật số của Hồng Kông.

Kể từ tháng 5 năm nay, HSBC và Standard Chartered đã tham gia vào cuộc thử nghiệm e-HKD do Cơ quan tiền tệ Hồng Kông dẫn đầu. Chương trình nhằm mục đích khám phá khả năng sử dụng tiềm năng của tiền kỹ thuật số trong sáu lĩnh vực, nổi bật là thanh toán ngoại tuyến và tiền gửi mã hóa. Tổng cộng có 16 ngân hàng và công ty thanh toán, bao gồm cả Alipay và Visa đang tham gia.

Bên cạnh việc thúc đẩy việc sử dụng e-CNY và e-HKD đối với thanh toán trong nước, các ngân hàng trung ương cũng kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn để thúc đẩy việc sử dụng tiền kỹ thuật số trong thanh toán xuyên biên giới.

Tại Lễ hội Fintech quốc tế Thâm Quyến 2023 diễn ra tuần này, ông Mu Changchun, Giám đốc Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của PBoC chia sẻ, một “cầu nối” đa phương kết nối trực tiếp ngân hàng trung ương của các quốc gia khác nhau có thể nâng cao đáng kể hiệu quả của các giao dịch xuyên biên giới và giảm chi phí, so với các hệ thống thanh toán xuyên biên giới hiện có.

Ông cho rằng, CBDC nên được thúc đẩy mạnh mẽ vì sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhân dân tệ kỹ thuật số được đưa vào số liệu tiền mặt chính thức

    16:00, 12/01/2023

  • Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể đã đạt đến “điểm nghẽn”

    05:53, 14/10/2022

  • Nhân dân tệ kỹ thuật số ngày càng tiến xa?

    12:30, 01/06/2022

  • Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cộng sinh với Alipay và WeChat Pay

    05:15, 19/02/2022

DIỄM NGỌC