[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Tháo điểm nghẽn từ ngân hàng
Nếu tính tổng số gói hỗ trợ tín dụng mà các nhà băng tung ra để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong mùa dịch COVID-19, con số có lẽ đã đạt hơn trên 300.000 tỷ đồng...
Tiếp tục mạnh tay hỗ trợ lãi suất và tăng quy mô, cấp độ, diện rộng hỗ trợ từ gói tín dụng, ngành ngân hàng đã vào cuộc ứng cứu doanh nghiệp vượt dịch COVID-19 ráo riết hơn.
Ngân hàng tăng quy mô hỗ trợ
Sự tăng cấp từ giá trị gói hỗ trợ/ quy mô dư nợ đi cùng khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay của các ngân hàng đi đầu như Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank... thực sự không chỉ là "liều thuốc" lớn mà còn là "lực kéo" để các ngân hàng khác trên thị trường cũng đã, đang và phải tiếp tục hạ tiếp lãi suất cho vay, tăng tốc "bơm thêm vốn" cứu doanh nghiệp - cứu chính mình.
Trong tuần qua, đáng chú ý là thông tin VPBank hạ tiếp lãi suất lần thứ 2 ở mức 2% so với lãi suất liền kề để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, tổng mức hạ lãi suất ở cả đợt hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch của VPBank lên tới 3,5%. Đối với khách hàng cá nhân, VPBank áp dụng mức giảm tối đa 3% với thời gian hỗ trợ ban đầu từ 3- 6 tháng tùy theo các gói vay. Ở mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit cũng triển khai gói hỗ trợ khách hàng, miễn trừ tới 10% tổng lãi trả góp hàng tháng hay miễn giảm một phần lãi cho khách hàng thuộc nhóm nợ từ 2 đến 5.
HDBank cũng công bố hạ lãi suất 2-4,5% không cần yêu cầu hay chứng minh thiệt hại do COVID-19. Song song với đó là cấp tiếp gói Swif SME 5.000 tỷ đồng hỗ trợ nhanh các khách hàng doanh nghiệp để có dòng vốn ổn định sản xuất kinh doanh và gói 5.000 tỷ đồng cho vay chi lương cán bộ nhân viên (CBNV). Theo đó, doanh nghiệp khó khăn về tài chính nhưng nếu không thuộc nhóm xem xét để được ưu tiên vay không cần tài sản thế chấp và hưởng chính sách 0% từ Ngân hàng Chính sách từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ động, có thêm lựa chọn và phương án để chăm sóc CBNV, "cấp cứu" quỹ lương trong mùa dịch. Đây cũng chính là nguồn hỗ trợ để doanh nghiệp giữ được tư liệu sản xuất, nghĩ được xa hơn, về hậu dịch COVID-19.
Một thông tin đáng chú ý nữa là Techcombank, vốn tưởng im hơi lặng tiếng khi không có chương trình hỗ trợ cụ thể nào, đã công bố gói hỗ trợ hỗn hợp 30.000 tỷ đồng bao gồm miễn giảm lãi vay, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, áp dụng lãi suất hỗ trợ, giãn nợ, gia hạn nợ với thời hạn phù hợp dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19. Techcombank đã tăng trưởng dư nợ lớn trong những năm gần đây và sự vào cuộc của ngân hàng này mang đến hy vọng giảm lãi suất cho vay tối đa 2% cho cả nhóm doanh nghiệp có nhu cầu tái cấu trúc nợ lẫn các hộ kinh doanh, cá nhân vay tiêu dùng thế chấp BĐS, cá nhân vay mua và xây sửa nhà…
Tháo điểm nghẽn, đẩy mạnh xem xét tái cấp vốn
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết tín dụng những tháng đầu năm đã tăng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng dư nợ tính đến 30/3/2020 đã tăng 1,3% so với cuối 2019. Thống đốc cũng dự kiến tín dụng cả năm tăng 11-14%. "Trong bất kỳ tình huống nào, NHNN cũng sẽ điều hành hệ thống ngân hàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế”, Thống đốc khẳng định.
Số liệu tăng trưởng tín dụng cho thấy, dù khó khăn do dịch bệnh, nhưng doanh nghiệp và các thành phần của nền kinh tế vẫn hấp thu vốn mới, dù mức độ hấp thu thấp hoặc chậm hơn.
Có thể bạn quan tâm
Các ngân hàng hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 được giãn nộp thuế
21:25, 09/04/2020
[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Đảm bảo ổn định tỷ giá, tiếp tục giảm lãi suất cho vay
12:00, 10/04/2020
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Nhà băng cứu doanh nghiệp chính là cứu mình!
05:10, 04/04/2020
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà băng nỗ lực "vượt qua chính mình"
05:15, 28/03/2020
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Cơ cấu nợ, giảm lãi vay- Giải bớt nỗi lo mùa dịch
05:30, 14/03/2020
Một số liệu rất cần lưu tâm khác là theo đánh giá sơ bộ, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. NHNN cho rằng với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.
Như vậy, bên cạnh việc hấp thụ tín dụng, đặc biệt từ các gói hỗ trợ mới chậm hơn so với cùng kỳ, thì rủi ro nợ xấu tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng khi vào cuộc ứng cứu doanh nghiệp và các khách hàng trong nền kinh tế, dù đã được áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, là có thật.
Trong một chia sẻ, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam bình luận về gói hỗ trợ 285.000 tỷ (theo số đăng ký cũ) rằng trong thời điểm dịch bệnh, bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Chính phủ đều rất có giá trị với doanh nghiệp.
"Chúng tôi đã và đang nhận thấy những ảnh hưởng rất lớn từ các hỗ trợ này, trong đó có gói hỗ trợ đến từ cam kết các ngân hàng dành cho các khoản vay mới, chưa bàn đến khoản vay hiện hữu, và dành cho các ngành, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch. Song đến nay vẫn còn đâu đó 2 câu hỏi đặt ra: Hỗ trợ như thế nào, cam kết ra sao, ngành nào được hưởng hỗ trợ...? - và còn bỏ ngỏ. Theo quan sát chúng tôi, sự hỗ trợ này đang xuất phát từ từng ngân hàng, và chúng tôi hoan hỉ đón chờ nhưng cần thời gian để xem xét tác động đối với doanh nghiệp. Và rất cần Chính phủ có ban giám sát, theo dõi cam kết này. Ngoài ra, cam kết từ phía ngân hàng có bị ảnh hưởng tới kinh doanh của họ không? Họ thực hiện xong lại bị ảnh hưởng thì đó là vòng luẩn quẩn. Ngân hàng là ngành kinh tế thiết yếu nên nếu họ ảnh hưởng sẽ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng", bà Dung nói.
Được biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các TCTD để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp. Trường hợp TCTD khó khăn về thanh khoản hoặc có nhu cầu để cho vay các lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ xem xét tái cấp vốn cho TCTD.
Nhiều tổ chức tín dụng chia sẻ, năm 2019, ngành ngân hàng nói chung và bản thân nhà băng đã có một mùa kinh doanh tích cực với tăng trưởng tổng tài sản và lợi nhuận tốt, thanh khoản dồi dào và hầu hết đều rất lạc quan với mùa kinh doanh 2020, trước khi dịch bệnh xảy ra. Nền tảng của năm trước nay đang được các nhà băng tận dụng tối đa, đi cùng là một số tổ chức tín dụng đã triển khai giảm lương, cắt thưởng CBNV, lên kế hoạch tạm không chia cổ tức, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ khách hàng, tái cấu trúc khoản nợ một cách nhanh chóng, đảm trách nhiệm vụ ứng cứu tích cực, xa hơn là thúc đẩy các doanh nghiệp và nền kinh bật dậy theo đà "nén lò xo" hậu dịch COVID-19.
Dù vậy, để cho lực đẩy này thực sự mạnh mẽ mà không chỉ là "đếm" dựa trên các con số, thông tin các gói tín dụng được đưa ra, vẫn cần tháo những điểm nghẽn, tạo những cú hích điều hành tăng dư địa sao cho biên độ giảm lãi suất được rộng hơn, ngân hàng cũng có điều kiện để tăng tốc tiếp vốn cũ, mới hiệu quả hơn.