Doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế như thế nào?
Theo VEPR, các hoạt động chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. Vậy cách thức chuyển giá của họ như thế nào?.
Nhiều ông lớn FDI bị truy thu thuế
Năm 2019, Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu 471 tỉ đồng tiền thuế của Coca-Cola Việt Nam gồm thuế GTGT hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.
Cục Thuế TP.HCM cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỉ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16/12/2019. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỉ đồng.
Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỉ đồng.
Đồng thời, qua thanh tra còn giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỉ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002-2006) không được chuyển lỗ hơn 202,3 tỉ đồng. Giảm thuế GTGT còn được khấu trừ (tháng 12/2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỉ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Coca-Cola Việt Nam cho rằng đã mắc phải những sai sót nhỏ mới dẫn đến việc bị truy thu thuế trên và công ty sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng-Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn- Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, kể từ khi bước chân vào Việt Nam từ năm 1995 cho đến nay, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Trong hơn 25 năm hoạt động của mình, doanh nghiệp này báo lỗ tới hơn 20 năm liên tục.
Việc doanh nghiệp báo lỗ tương ứng với việc không phải đóng các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đã khiến Coca-Cola Việt Nam từng bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm.
Ngoài Coca-Cola, Heineken cũng bị cơ quan thuế của Việt Nam truy thu 916 tỉ đồng. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp FDI như Metro, Pepsi Việt Nam, Adidas, Keangnam Vina lần lượt bị truy thu thuế.
Trốn thuế bằng cách nào?
Theo ông Phụng, “bí quyết” để các doanh nghiệp FDI có thể liên tục kê khai lỗ để trốn thuế, nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Theo tính toán của các chuyên viên thuế, chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80 - 85% giá vốn.
Trên thực tế, việc chứng minh doanh nghiệp FDI vi phạm pháp luật là rất khó, bởi không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, vì nguyên liệu thường do công ty mẹ độc quyền cung cấp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI còn trốn thuế bằng cách lợi dụng quy định cho trì hoãn thuế từ khoản lợi nhuận công ty con chuyển về công ty mẹ. Các chi nhánh công ty con của doanh nghiệp FDI, nếu có lợi nhuận, sẽ có hai lựa chọn, hoặc là chuyển về công ty mẹ dưới dạng chuyển cổ tức, hoặc là có thể giữ lại lợi nhuận này.
Có thể bạn quan tâm
VEPR: Chuyển giá của doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp
14:00, 28/04/2020
Chống chuyển giá ngay từ khâu đầu tư
09:09, 14/05/2019
Không khuyến khích thanh toán tiền mặt, chống chuyển giá
11:01, 13/05/2019
Đưa chống chuyển giá vào Luật Đầu tư
11:25, 10/05/2019
Xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết và chống chuyển giá (Kỳ II)
00:24, 13/02/2019
Luật hóa để chống chuyển giá
06:29, 01/10/2018
Nếu chọn hình thức chuyển về công ty mẹ sẽ rất tốn kém và công ty mẹ sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất cao hơn so với công ty con. Do đó, các công ty con thường giữ lại lợi nhuận này để chuyển sang tài sản thụ động, rồi cho công ty mẹ vay lại với lãi suất ưu đãi, sử dụng khoản lợi nhuận này tiếp tục đầu tư tại một nước khác có thuế suất cao hơn để hưởng khấu trừ thuế ở nước đó.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp FDI còn “chơi chiêu” đảo ngược công ty, chuyển trụ sở về công ty con ở nước có thuế suất thấp hơn, còn công ty con thì chuyển ngược về công ty mẹ để tránh được mức thuế suất cao của công ty mẹ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, để có biện pháp phòng chống trốn và tránh thuế, nhiều nước Châu Âu đang đặt ra quy tắc chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài nhằm hạn chế chuyển lợi nhuận từ quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia có thuế suất thấp.
Ngoài ra còn có các quy tắc như giảm thiểu dàn xếp chênh lệch về thuế ở các quốc gia, hạn chế chuyển nợ quốc tế, lợi nhuận từ nước này sang nước kia. Đồng thời cho phép đánh thuế vào các tài sản sở hữu trí tuệ trước khi chuyển sang các quốc gia và đưa ra mức trần về lãi vay mới được khấu trừ vào khoản thu nhập trước thuế, hạn chế các công ty có vốn mỏng vay nhiều, lợi dụng khấu trừ khoản lãi vay để trốn thuế…