[COVID-19] Gói tín dụng đề xuất riêng cho ngành du lịch có khả thi?
Gói tín dụng 150.000 tỷ đồng nếu được xem xét và có chủ trương ban hành, sẽ có giá trị bằng 1/4 đóng góp của ngành du lịch cho GDP năm 2019…
Trong dịp lễ 30/4-1/5, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương trong nhóm có nguy cơ thấp đã tiến hành mở cửa trở lại các hoạt động đón khách du lịch tham quan. Trong khi một số địa phương như Đà Lạt, biển Cửa Lò (Hà Tĩnh), biển Cửa Việt (Quảng Trị), biển Sầm Sơn (Thanh Hóa)…ghi nhận đông nghẹt do du khách, người dân từ các nơi đổ về tranh thủ dịp “giải khát” “vitamin sea” đầu hè cũng như giải phóng mong muốn đi lại vui chơi sau những ngày giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, hầu hết các điểm tham quan ở các địa phương vẫn còn khá vắng.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết với khả năng kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam, họ cũng đang kỳ vọng vào kích cầu du lịch nội địa trước khi các thị trường quốc tế và các tour ra nước ngoài (outbound) vốn mang lại nhiều doanh thu cho khối du lịch, lữ hành, mở cửa đón khách trở lại.
Có nghĩa hầu hết các doanh nghiệp lữ hành, du lịch kể cả vào dịp lễ và khi nền kinh tế bắt đầu có tín hiệu tái khởi động, cũng chưa thể sớm nhìn thấy triển vọng phục hồi thật sự.
Trước dịp lễ 30/4, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã gửi thư lên Thủ tướng Chính Phủ đề xuất hỗ trợ tài chính với tổng giá trị gói đề xuất 150.000 tỷ đồng, cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và mở cửa trở lại khi dịch COVID-19 đi qua.
Trích một khảo sát thực hiện tại 394 doanh nghiệp du lịch và lữ hành, TAB cho biết có hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người do Ban Phát triển Nghiên cứu Kinh tế tư nhân và Công ty Grant Thornton Việt Nam thực hiện, cho thấy 71% doanh nghiệp bị giảm hơn 30% doanh thu trong quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Gần 50% doanh nghiệp dự báo không có doanh thu trong quý II/2020.
Thư cũng nêu 78% doanh nghiệp cho biết đã cắt giảm tiền lương hoặc cắt giảm nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót trong đại dịch. Trong đó, 18% doanh nghiệp đã buộc phải cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên; 48% cho nghỉ việc hơn một nửa tổng số lao động công ty. Đáng chú ý, khoảng 9% doanh nghiệp chọn phương án cực đoan hơn là đóng cửa kinh doanh. Trong khi đó, mặc dù tạm thời đóng cửa kinh doanh, doanh nghiệp vẫn chịu chi phí thuê địa điểm, trả lương nhân viên, tiền thuê nhà, tiền lãi phát sinh, chi phí vệ sinh khử trùng... Chỉ một phần nhỏ 4% doanh nghiệp trong cuộc khảo sát không phát sinh thêm chi phí. 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số người lao động bị mất việc.
Năm 2019, ngành du lịch đóng góp 8,8% GDP, tương đương 536.000 tỉ đồng, với 4,9 triệu lao động, chiếm hơn 9% tổng số lao động cả nước. Trong bốn năm gần đây, trung bình cứ bốn việc làm mới được tạo ra trong xã hội thì có 1 việc làm trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.
TAB cũng cho rằng, ngoài cắt giảm chi phí trong nỗ lực duy trì hoạt động, gần 90% doanh nghiệp khảo sát quan tâm tới khả năng nhận được một khoản vay từ Chính phủ để phục hồi kinh doanh sau COVID-19. Trong đó, hơn 88% doanh nghiệp phản hồi rằng, họ mong muốn hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ, bởi trên thực tế doanh nghiệp lữ hành rất khó tiếp cận gói vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp trong gói hỗ trợ tín dụng được công bố 300.000 tỉ đồng. Theo TAB, hầu hết các ngân hàng lo ngại các doanh nghiệp du lịch không chứng minh được dòng tiền dương nên nhà băng từ chối hồ sơ vay vốn.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn cũng trao đổi với phóng viên DĐDN rằng, doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng do không có tài sản bảo đảm thế chấp khoản vay. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch kiêm CEO Vietravel, một trong những công ty lữ hành lớn nhất Việt Nam khẳng định với DĐDN là hầu hết các doanh nghiệp không có tài sản bất động sản lớn làm trụ sở như nhiều doanh nghiệp khác. Nếu có thì trị giá cũng không cao. Do đó, các ngân hàng đều lắc đầu với mong muốn tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan- Tổng Giám đốc HanoiRedtour, thì tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lư hành chính là con người -nhân lực. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp lúc này chính là giúp doanh nghiệp giữ tài sản nhân lực và có điều kiện hướng tới phục hồi khi đại dịch đi qua.
Có thể bạn quan tâm
[TIẾP SỨC KINH TẾ] Các gói cứu trợ: Cần tăng quyết liệt, giảm tính "khéo"
05:26, 20/04/2020
Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
11:00, 23/04/2020
[eMagazine] Doanh nghiệp “kêu trời” vì không với tới gói 300.000 tỷ đồng
21:36, 17/04/2020
Thủ tướng ban hành Quyết định thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng
00:04, 26/04/2020
Từ thực tế vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên, TAB đề xuất Chính phủ xem xét cho triển khai gói bảo lãnh áp dụng cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành có vốn điều lệ tối thiểu 3 tỉ đồng, 10 lao động, thực hiện các nghĩa vụ thuế đầy đủ có thể vay tối đa tương đương tổng số thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp đó đã nộp trong năm 2019, với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay là 0,5%/năm.
TAB cho rằng cấu trúc như vậy sẽ đơn giản để các ngân hàng thực hiện và giúp được các doanh nghiệp duy trì kinh doanh hợp pháp và chuyên nghiệp. TAB tin rằng, đa số doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay.
Khảo sát các doanh nghiệp du lịch lữ hành khi được hỏi về khả năng phục hồi, gần 83% doanh nghiệp nhận định hoạt động kinh doanh khó trở lại bình thường vào trước quý IV/2020. Thậm chí hơn 40% cho rằng phải đến năm sau mới có thể phục hồi.
Đánh giá sơ bộ về gói tín dụng theo đề xuất của TAB, một chuyên gia cho biết du lịch lữ hành, cùng với hàng không hiện đang là 2 ngành bị sụt giảm mạnh nhất và trực tiếp nhất bởi dịch COVID-19. "Ngay cả như vậy, gói tín dụng 150.000 tỷ đồng cũng sẽ có những điều bất cập mà trước hết, nằm chính ở đề xuất của giá trị gói khi toàn thể các ngành kinh tế cũng đều đang có lý do để "kêu cứu", và cũng đang cần được hỗ trợ, đang phải vật vã tìm cơ hội tiếp cận vốn, nhưng chỉ được xem xét tất cả các biện pháp khoanh, giãn nợ, miễn giảm lãi và hỗ trợ vay mới trong tổng gói chính thức 300.000 tỷ đồng", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này thì việc hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, du lịch có vốn điều lệ như đề xuất 3 tỉ đồng, 10 lao động, có thể hiểu là hỗ trợ để "giữ" được lõi cơ bản cho doanh nghiệp vì đa phần khối đơn vị này có quy mô vốn nhỏ, lực lượng lao động chính thức không lớn, đa phần là hợp đồng, hợp đồng thời vụ và cộng tác viên. Xét theo đó, vốn xem xét giải ngân nếu có/ khoản vay/ doanh nghiệp cũng không thể lớn. Và số vốn đó, nếu có, cũng không góp phần "giải quyết" được vấn đề đóng cửa, đóng băng doanh thu hay sống còn của doanh nghiệp trong từ nay đến cuối năm 2020.
"Vấn đề của doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành hiện nay, từ trong đại dịch, cho thấy để doanh nghiệp đón được con sóng phục hồi của kinh tế toàn cầu và nhu cầu đi lại, du lịch nghỉ dưỡng thường tăng tốc sau khủng hoảng, không phải chỉ là chuyện cầm cự với số vốn liếng hay nguồn lực hỗ trợ nhỏ giọt mà là khả năng tự thích nghi để xoay chuyển hành vi kinh doanh phù hợp hành vi tiêu dùng của thị trường. Trong ngắn hạn, phát triển mảng trực tuyến và đa dạng hóa thị trường sẽ không phải là chuyện các doanh nghiệp có thể làm được và hiệu quả tốt ngay. Nhưng mặt khác cũng ngay từ lúc này, xoay chuyển qua kênh trực tuyến, tận dụng thời cơ thị trường nội địa và lựa chọn đích đến các thị trường ngách ngay sân nhà thay vì cứ chờ đợi tour quốc tế, mới chính là cơ hội để doanh nghiệp tồn tại. Đơn vị nào chưa tính và thích ứng, chủ động với điều này thì sẽ rất chậm hướng đến có nguồn thu. Mọi cơ hội bảo lãnh theo đó đều rất khó", vị chuyên gia nói.