Giải cứu kinh tế kiểu Mỹ!

Lê Mỹ 19/05/2020 06:01

Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử đã thực hiện mua vào trái phiếu của các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs), trực tiếp can thiệp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Động thái chưa có tiền lệ

Không bàn tới các chương trình cứu trợ trực tiếp nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 mà các Chính phủ bao gồm chính quyền Trump đã tung ra như Mỹ hỗ trợ cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay phát thẳng tiền cho hộ gia đình tính trên đầu người lớn và trẻ nhỏ, tiền trực thăng (helicopter money) từ chính phủ Anh, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây trực tiếp mua vào trái phiếu ETFs cho thấy Mỹ thực sự quyết tâm nới lỏng định lượng không giới hạn và đang làm mọi cách để giữ cho thị trường không hoảng loạn.

Động thái này của FED thực tế đã được công bố trước khi Mỹ tung gói nới lỏng định lượng không giới hạn (QE) sau những trận đòn thảm khốc mà COVID -19 đánh vào nền kinh tế cường quốc này. Với gói QE, Mỹ đã dự tính mua một lượng trái phiếu không giới hạn để giữ chi phí vay thấp và thiết lập các chương trình để đảm bảo dòng tín dụng cho các tập đoàn và chính quyền địa phương.

Theo đó, FED sẽ mua trái phiếu Bộ Tài chính và chứng khoán đảm bảo bằng các khoản cho vay thế chấp (MBS) từ các tổ chức, nhằm hỗ trợ thị trường hoạt động trơn tru và truyền tải chính sách tiền tệ hiệu quả. Hàng trăm tỷ USD là giá trị trái phiếu mà FED dự tính mua vào.

Boeing đã phát hành được 25 tỷ USD trái phiếu ngay sau khi Mỹ triển khai chương trình mua trái phiếu giúp các doanh nghiệp không bị cạn nguồn tài chính

Boeing đã phát hành được 25 tỷ USD trái phiếu ngay sau khi Mỹ triển khai chương trình mua trái phiếu giúp các doanh nghiệp không bị cạn nguồn tài chính

Giới quan sát đánh giá điều này có thể nâng đỡ lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ không bị tiếp tục lao dốc, chấp nhận “nắn” ở mức phẳng và sẽ giảm bớt các tín hiệu về một cuộc khủng hoảng mới mà đường cong lợi suất trái phiếu đảo chiều xưa nay vẫn được xem là “điềm báo” khá chính xác.

Với việc lựa chọn can thiệp trực tiếp vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp – điều chưa có tiền lệ với FED, Mỹ đã thừa nhận khó khăn do COVID-19 đang tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, không trực tiếp bơm tiền, mà người Mỹ chọn “giải cứu kiểu Mỹ” để tránh nền kinh tế và các doanh nghiệp lớn không lâm cảnh kiệt quệ sau những khoảng thời gian đã gần như đã ngừng hoạt động với các nỗ lực ngăn chặn đại dịch.

Điều gì sẽ xảy ra?

Sở dĩ từ trước tới nay, FED chỉ chọn mua trái phiếu Chính phủ là chủ yếu, bởi trái phiếu Chính phủ là loại tài sản ít rủi ro. Nhưng thời điểm hiện nay với các khoảng trống rất hẹp mà FED phải tận dụng bằng hết, thì việc chấp nhận mua cả những tài sản rủi ro đồng nghĩa FED không còn lựa chọn nào khác ngoài góp sức tạo thanh khoản cho thị trường. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn cả việc bơm tiền cho các ông lớn, xét ở góc độ tâm lý. Minh chứng là ngay sau động thái những động thái nói trên của FED, hãng chế tạo máy bay Boeing – niềm kiêu hãnh của nước Mỹ mà nay đang có nguy cơ sát gần bờ vực phá sản, đã thay vì “ngửa tay xin tiền” Chính phủ, lập tức huy động được tới 25 tỷ USD để cầm cự và tiếp tục chờ đại dịch COVID-19 đi qua.

Theo chuyên gia Tư vấn Đầu tư Phan Dũng Khánh, hành động của FED có ý  nghĩa chính là tạo thanh khoản cho thị trường, song tác động gián tiếp để được hưởng lợi sẽ là những tập đoàn không đủ tiền mặt, bị nợ nhiều, tóm lại gặp khó khăn, sẽ có đòn bẩy để tăng hút vốn, và giữ được nhà đầu tư ở lại. Ít nhất trong ngắn hạn điều này có giá trị với các doanh nghiệp lớn và thị trường chứng khoán Mỹ. “Tuy nhiên về lâu dài, ngoài góp sức tạo thanh khoản, chính quyền Mỹ vẫn cần phải đề ra được các phương án hiệu quả từ QE với mục tiêu giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tiền đi đúng chỗ chứ không phải chảy vào các tài sản đầu cơ. Chỉ khi đó kinh tế mới có cơ hội phục hồi, thất nghiệp mới được đẩy lùi. Hiệu quả của nới lỏng định lượng không giới hạn mới tỏ rõ”, ông Phan Dũng Khánh nhấn mạnh.

Chuyên gia Phan Dũng Khánh cũng cho rằng QE là gói giải cứu tổng và có thể sẽ còn nhiều hành động chưa có tiền lệ được thực hiện, bởi giới hạn của gói này chưa dừng ở đó. Chính quyền Trump đang nỗ lực mọi cách để vực dậy nền kinh tế. Song mặt trái của các giải pháp “tung tiền” không giới hạn này là nếu kinh tế hút tiền nhưng không phát triển được, thì khối nợ Chính phủ sẽ càng phình lên, và khi kinh tế Mỹ phục hồi kèm lạm phát thì thông qua các gói này, Mỹ có thể chuyển lạm phát và cả nợ “san sẻ” đi khắp thế giới.  “Còn ngược lại kinh tế vẫn đi xuống hoặc trì trệ thì thật không dám tưởng tượng vì giống như cái xe mất thắng lao về phía trước với mục tiêu vô định, rất dễ lao xuống vực thẳm”, ông Khánh nói.

Còn nhớ nước Mỹ những năm đầu hậu suy thoái kinh tế do hệ lụy khủng hoảng tài chính 2008, đã đối mặt với vực thẳm tài chính (Fiscal Cliff) và may mắn chính quyền Tổng thống đương nhiệm lúc đó là Barack Obama đã đạt được một thỏa thuận tài khóa và tránh được thảm họa kinh tế ở năm 2013. Tuy nhiên, chưa có gì có thể khẳng định được Mỹ sẽ không lần nữa đối mặt với vực thẳm này hoặc tiếp tục duy trì được quyền lực kinh tế của mình trên núi nợ ngày một cao.

Dẫn lời tỷ phú Warren Buffett, ông Khánh nói rất khó có thể nói trước điều gì về phía trước cũng như kết quả từ những hành động mà FED đã thực thi. Vị thủ lĩnh phố Wall về đầu tư giá trị nói rằng: “Chúng tôi vẫn chưa hành động vì chẳng thấy gì hấp dẫn”, “cuộc khủng hoảng lần này rất khác”, “FED không biết được. Tôi không biết và chẳng ai biết cả”... Ông cũng nói rằng “Có quá nhiều kịch bản khác nhau có thể diễn ra. Và theo một số kịch bản, chúng tôi sẽ chi ra rất nhiều tiền. Và trong các kịch bản khác, chúng tôi sẽ chẳng chi đồng nào cả”. Ngoài ra, Buffett còn nói rõ, Berkshire Hathaway không bao giờ sẵn lòng nhảy vào một doanh nghiệp đang thua lỗ. “Những doanh nghiệp vốn đã có vấn đề trước đây, nay lại càng khó khăn hơn nữa”, ông nói.

Mỹ, hay lựa chọn của đế chế Berkshire Hathaway phù hợp cho gợi ý với ứng xử của các Chính phủ trước các đại tập đoàn, các niềm tự hào thương hiệu quốc gia về kinh tế của các nước, đang lún sâu vào khó khăn và chờ được ứng cứu khỏi sự hủy hoại của COVID-19?

Cho dù là sự xem xét tùy thuộc vào từng vị trí, góc nhìn, thì tiền của cổ đông hay tiền của Chính phủ đều là tiền. Và câu trả lời luôn không hề dễ dàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bơm tiền nhiều nhưng vẫn thiếu tiền - Điều gì đang xảy ra?

    03:01, 05/05/2020

  • [TIẾP SỨC KINH TẾ] Các gói cứu trợ: Cần tăng quyết liệt, giảm tính "khéo"

    05:26, 20/04/2020

  • CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Nới tín dụng vào chứng khoán

    05:30, 16/05/2020

  • Ba quyết định đầu tư của Warren Buffett khi thị trường chứng khoán chao đảo vì COVID-19

    13:21, 17/04/2020

Lê Mỹ