Nga - Trung hợp lực “phi USD hóa”
Liên minh Tài chính Nga - Trung chính thức đi vào hoạt động, mức giao dịch đồng USD của hai nước này đã tụt xuống dưới 50% trong quý I/2020.
Phi USD hoá đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Nga và Trung Quốc kể từ năm 2014 khi hai nước bắt đầu mở rộng hợp tác kinh tế sau khi Nga “thôn tính” Crimea và đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu.
“Tẩy chay” USD
Theo NHTW Nga và Cục Hải quan liên bang Nga, đồng bạc xanh chỉ chiếm 46% tổng giao dịch thương mại của Liên minh tài chính Nga-Trung. Trong khi đó tỷ trọng của đồng Rúp và Nhân dân tệ tăng lên 24%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Sở dĩ Nga- Trung hợp lực giảm sự phụ thuộc vào USD do Bắc Kinh và Moscow tìm thấy nhau ở điểm chung là đều chịu sự “ghẻ lạnh” của Washington. Hay nói cách khác, cả hai nước này đều xem Mỹ là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng bất ngờ là người ta chỉ nghĩ tới một liên minh quân sự, thương mại, chứ không phải là liên minh tài chính, ngân hàng.
Thương mại Nga- Trung tăng trưởng thần tốc những năm gần đây, kim ngạch hai chiều đạt trên 110 tỷ USD năm 2019, tăng trưởng bình quân gần 20%/năm. Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với EU trong hợp tác thương mại với Nga.
Cứ khoảng một thập kỷ một lần, khủng hoảng kinh tế ập tới lại xuất hiện phong trào đòi xóa bỏ vị thế độc tôn của USD. Chẳng ai muốn một ông vua tiền tệ quyền lực ngự mãi trên một đỉnh và có khả năng tác động đến an ninh tiền tệ- tài chính của phần còn lại.
Không dễ từ bỏ!
Dịch bệnh phá hoại nền kinh tế Mỹ, FED phải nới lỏng định lượng không giới hạn để giải cứu nền kinh tế nước này. Điều này có nguy cơ khiến USD mất giá khoảng 35% vào năm tới, theo một nghiên cứu từ đại học Yale; và đánh mất đặc quyền trong vai trò đồng tiền dự trữ chính của thế giới. Nhưng không chỉ Mỹ mới nới lỏng định lượng và tung ra các gói cứu trợ khủng.
Trên thực tế, USD vẫn quá mạnh để có thể bị thay thế. Hiện nay có tới 90% giao dịch thương mại quốc tế được thực hiện bằng USD; 50% dự trữ toàn cầu đặt niềm tin vào USD. Hiện Mỹ chiếm tới 1/3 nợ công toàn cầu nên đồng USD càng khó thay thế.
Đặt lên bàn cân, nền kinh tế Nga và Trung Quốc chưa đủ sức mạnh “mềm” để biến đồng tiền của họ thành phương tiện thanh toán quốc tế trên diện rộng, mặc dù IMF đã đưa CNY vào “rổ tiền tệ quốc tế”. Đặc biệt, vàng tăng giá phá kỷ lục mọi thời đại cũng phần nào củng cố thêm vị thế của USD, vì Mỹ là quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới (hơn 8.133 tấn tính đến cuối quý 2/2020).
Nhưng điều đáng sợ nhất vẫn là hệ thống “petrodollars” trứ danh do giới tinh hoa Mỹ thiết lập. Mỹ đã bắt tay với các nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới (OPEC) để đưa ra điều khoản, những nước này chỉ bán dầu cho ai dùng USD để mua. Trong khi đó không quốc gia nào không cần dầu lửa.
Do đó, dù Nga và Trung Quốc có nỗ lực đến mấy, cũng khó có thể làm lung lay vị thế bá chủ của USD trong ngắn hạn.
Có thể bạn quan tâm
Liên minh quân sự Nga - Trung có thể hình thành khi các hiệp ước vũ khí hạt nhân New Start sụp đổ?
21:51, 29/04/2020
Quan hệ Nga - Trung: Cái bắt tay rụt rè nhìn từ lĩnh vực công nghệ
11:30, 06/02/2020
[QUỐC TẾ TUẦN QUA] "Tam tấu" Mỹ- Nga - Trung
16:35, 19/01/2020
Nga - Trung tập trận, Mỹ sốt vó?
04:40, 01/09/2018