Từ vụ truy thu thuế Coca-Cola: Đã đến lúc chống chuyển giá, né thuế triệt để (Bài 3)
Chính sách thuế có thất thu hoặc gặp khó khăn trong truy thu, không loại trừ đến từ sự ưu đãi lớn lẫn phối hợp chưa chặt giữa các cơ quan hành pháp. Samsung, Sabeco… là những câu chuyện.
"Phạt hay không phạt phải theo luật"
Coca -Cola Việt Nam, như đã được phân tích ở 2 bài viết trước, có dấu hiệu chuyển giá và cơ quan quản lý thuế đã phải vất vả đặt trong tầm ngắm mới ban hành quyết định truy thu gần nghìn tỷ đồng. Quyết định này hiện đang gặp phản ứng khiếu nại từ Coca-Cola Việt Nam và công ty này thậm chí cho biết “không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng Cục Thuế, đồng thời giữ nguyên quan điểm của mình rằng hoạt động công ty luôn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam”. Công ty cũng kì vọng sau quá trình kháng nghị sẽ được hoàn trả khoản thuế tạm nộp.
Tương tự Coca-Cola Việt Nam đã khiếu nại quyết định truy thu thuế, là Unilever với khoản thuế cần thu vẫn bị treo sau quyết định thu được ban hành.
Xa hơn và dằng dai hơn nhưng phần thắng laị thuộc về doanh nghiệp, là trường hợp của Tổng Công ty Bia Rượu Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Tháng 12/2018, Cục Thuế TP.HCM thông báo truy thu 3.140 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính về thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền chậm nộp giai đoạn 2007-2015 với Sabeco theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Sau khi Sabeco không nộp số tiền thuế trên trong thời gian theo yêu cầu của Cục Thuế TP.HCM, cơ quan này quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp đăng ký với Sở Kế hoạch Đầu tư. Nhưng việc cưỡng chế không thành công khi tài khoản Sabeco không còn tiền. Sabeco khi đó, cho biết phản đối 5 quyết định cưỡng chế của Cục Thuế.
Đến tháng 1/2019, Cục Thuế TP.HCM quyết định dừng thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng của Sabeco theo công văn của Văn phòng Chính phủ. Tháng 1/2020, Sabeco cũng thông báo không phải nộp ngân sách 2.495 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến hết năm 2016 của Sabeco từng được Kiểm toán Nhà nước đề nghị nộp vào ngân sách nhưng đến cuối 2019, Kiểm toán Nhà nước đã bỏ kiến nghị này.
“Thắng lợi” của Sabeco, nhìn lại, có nguyên do từ sự bất nhất trong cơ sở pháp lý để ra quyết định truy thu thuế của cơ quan Thuế, khi triển khai thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó cùng các bên mổ xẻ vấn đề, đã nêu cần giải quyết mối quan hệ giữa việc thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với phán quyết của cơ quan thuế sao cho đúng với pháp luật, “Phạt hay không phạt phải theo luật. Có gì không đúng là phải qua con đường giải quyết vấn đề khiếu nại, tố cáo, thậm chí giải quyết tranh chấp ở tòa án”, Phó Thủ tướng nói vào năm 2019.
Rõ ràng, việc giải quyết được mối quan hệ này giữa "phạt theo luật", có đầy đủ cơ sở pháp lý, thậm chí sẵn sàng "ra tòa", là câu chuyện mà các cơ quan hành pháp phải ngồi lại, xử lý rốt ráo, và vẫn "theo luật". Thậm chí, sẵn sàng cùng doanh nghiệp, những ông lớn, đối thoại pháp luật. Nếu không làm được, trường hợp như Sabeco kể trên hẳn vẫn còn là tiền lệ để các ông lớn FDI trông vào và tiếp tục “dằng dai” trong việc chấp hành pháp luật thuế.
Thuế và các định lượng khác về FDI
Trong khi đó, ở một vị thế khác, Samsung Electronics Vietnam (SEV) với tổ hợp 4 Công ty tại Việt Nam tuy được xem là ông lớn top 10 nộp thuế lớn, song thực tế, tỷ lệ thuế đã nộp so với doanh thu họ đạt được và các ưu đãi hiện hữu, vẫn còn chưa thấm tháp. Tại cuối 2019, tổng doanh thu 4 công ty của Samsung năm 2019 đạt 1,53 triệu tỷ đồng, lợi nhuận là 100.000 tỷ đồng tương đương 26% GDP của Việt Nam. Doanh thu và lợi nhuận của tổ hợp này chủ yếu đến từ Samsung Thái Nguyên và Samsung Bắc Ninh. Trong khi Samsung Display Việt Nam và Samsung Electronics HCMC CE Complex vẫn báo lỗ năm hoặc quý. Theo số liệu từ Bộ Tài Chính, 2 công ty lãi chính của tổ hợp đã thực nộp ngân sách lần lượt 2.858 tỷ đồng và 2.079 tỷ đồng trên lãi trước thuế lần lượt là 48.554 tỷ đồng và 37.364 tỷ đồng. Có nghĩa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp SEV Thái Nguyên đóng vào khoảng là 5,1%, SEV Bắc Ninh đóng khoảng 6,25%, tương đương cứ lãi 100 đồng, họ chỉ phải đóng thuế từ 5 - 6 đồng, bằng 1/4 so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp thông thường là 20 đồng. Đây là mức thuế siêu ưu đãi so với mức Samsung Tập đoàn phải đóng tại Hàn, ước khoảng gấp 5 -6 lần.
Không thể phủ nhận Samsung hiện là doanh nghiệp có vai trò lớn đối với kinh tế Việt Nam xét ở nhiều góc độ và đang mang đến các tác động lan tỏa lớn hơn con số thuế hiện hữu nhìn thấy được. Chỉ nói riêng Samsung Thái Nguyên, 99% kim ngạch xuất khẩu của địa phương này đến từ Samsung, đã cho thấy sức chi phối lớn của Công ty thành viên tổ hợp.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, bên cạnh việc Samsung mang đến sự thay đổi gần như hoàn toàn cấu trúc và tăng trưởng của nền kinh tế cụ thể với Thái Nguyên, thì ngược lại, sự lệ thuộc lớn của địa phương này vào Samsung và nhóm các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng của Samsung cũng là một rủi ro lớn. TS Vũ Thành Tự Anh, Chủ nhiệm đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thái Nguyên và vai trò của Samsung”, nêu những số liệu: Trong cấu trúc giá trị gia tăng của Samsung Thái Nguyên thực hiện năm 2018, 100 đồng giá trị gia tăng có tới 45,52 đồng thuộc về Samsung, 30 đồng tiếp theo cũng thuộc về Samsung thông qua lợi vốn, gần 16 đồng thuộc về các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng (đa số là doanh nghiệp của Hàn Quốc). Thái Nguyên chỉ được hưởng thông qua các loại thuế, nhưng nếu trừ đi các khoản hỗ trợ như đất và chi phí, thuế thì chỉ còn âm và lao động Việt Nam là 8,4 đồng. Tính bình quân trong 100 đồng giá trị gia tăng của Samsung xuất khẩu, Việt Nam chỉ đóng góp 2,14 đồng.
Như vậy, đằng sau những con số cơ bản cho thấy vai trò của Samsung với địa phương, điều quan trọng vẫn là định lượng tổng/ dự án và từ đó, nhìn rõ những con số thực chất khác mà không phải để lo ngại, là để xây các kiến giải làm thế nào để đưa Samsung trở thành đòn bẩy cho kinh tế tỉnh và quốc gia. Đây cũng cần thiết là cách nhìn với các ông lớn FDI khác thay cho chỉ áp dụng quan điểm một chiều "thả con săn sắt"...
Trở lại với chuyện thuế, việc yêu cầu các doanh nghiệp FDI chấp hành pháp luật thuế hẳn mới chỉ là một phần của câu chuyện ứng xử với các doanh nghiệp FDI và kiến tạo, xây dựng môi trường kinh doanh bao gồm môi trường pháp luật chung của nền kinh tế. Làm thế nào để các ông lớn FDI đến Việt Nam bắt tay đầu tư, tiếp tục đầu tư trong tâm thế “win-win”, đã và sẽ tiếp tục là bài toán lớn của các nhà quản lý quốc gia trong năm mới cũng như ở giai đoạn thu hút nguồn vốn mới.
Chúng ta đã có những tiền lệ trong ưu đãi thu hút đầu tư ở giai đoạn đầu tiên. Nhưng sẽ không có chính sách nào ở một giai đoạn phải bắt buộc cố định cho mãi mãi. Các cam kết thì cần được thực hiện; cũng như các tiền lệ cần được xem không như là tiền lệ pháp.
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 31/1-6/2/2021: Vàng và Bitcoin cùng trồi sụt, đại gia ngoại dính truy thu thuế
05:00, 07/02/2021
Đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất
11:00, 05/02/2021
55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Có hay không hành vi chuyển giá, trốn thuế?
04:30, 31/01/2021
ĐỐI THOẠI DAVOS: Đánh thuế kỹ thuật số liệu có khả thi?
15:45, 26/01/2021
55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Cần xem xét lại chính sách ưu đãi thuế
11:00, 26/01/2021