Khi tổ chức phi tín dụng bị "siết" cấp vốn kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp

ĐÌNH ĐẠI 17/02/2021 05:45

Với Thông tư 23, các công ty tài chính sẽ không rộng cửa cấp vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng có công ty tài chính con cũng không còn dễ "san bớt" khoản tín dụng đầu tư này.

Các tổ chức phi tín dụng - công ty tài chính là đối tượng điều chỉnh của Thông tư 23 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2021. 

Thông tư 23 sẽ hạn chế vốn tín dụng cấp đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng

Thông tư 23 sẽ hạn chế vốn tín dụng cấp đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng

Theo đó, kể từ ngày 14/2/2021, Thông tư 23 quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN- bao gồm cả trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) không được vượt quá 5% vốn điều lệ của công ty tài chính

Cụ thể, NHNN quy định công ty tài chính chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 1 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh TPDN và khi cấp tín dụng phải đáp ứng các điều kiện gồm: Việc cấp tín dụng phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật; Có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Công ty tài chính không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh TPDN trong các trường hợp sau đây: Tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; Tài sản bảo đảm là trái phiếu của doanh nghiệp mà khách hàng vay để mua trái phiếu của doanh nghiệp đó; Để đầu tư trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM); Để đầu tư, kinh doanh TPDN của doanh nghiệp là công ty con của chính công ty tài chính đó; Khách hàng là công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng.

Tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh TPDN (bao gồm cả trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) không được vượt quá 5% vốn điều lệ của công ty tài chính.

Tổ chức tín dụng phi ngân hàng được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh so với tổng nợ phải trả bình quân của tháng liền kề trước đó theo tỷ lệ tối đa là 10%.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Theo đó, Công ty tài chính chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 1 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu và tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của công ty tài chính không được vượt quá 5% vốn điều lệ của công ty tài chính.

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong năm 2020 tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công là 368.000 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2019. Các TCTD và công ty bất động sản vẫn là 2 loại hình có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất, tương ứng khoảng 84.000 tỉ đồng và 71.000 tỉ đồng, chiếm lần lượt 34% và 29% tổng giá trị phát hành năm 2020. Năm 2020, ngoài nhóm các doanh nghiệp (DN) bất động sản, các DN còn lại nhìn chung đều có khối lượng trái phiếu huy động giảm so với 2019.

Như vậy với Thông tư 21, các công ty phi tín dụng - các công ty tài chính, sẽ không còn dễ dàng cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh TPDN, cổ phiếu như trước đây. Theo đó, bản thân các tổ chức tín dụng, các ngân hàng có công ty tài chính là công ty con, sân sau, cũng không dễ san bớt được khoản tín dụng đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa, giấy tờ có giá này.

Trước đó, NHNN cũng đã công bố Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 (Thông tư 22), Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 và bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các TCTD. Dự thảo Thông tư dự kiến hướng tới bảo đảm kiểm soát hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững; đồng thời, bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua TPDN giữa các TCTD và hoạt động bán TPDN của các TCTD để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán TPDN của các TCTD; qua đó quản lý các hoạt động này thống nhất với các hoạt động cấp tín dụng và hoạt động mua, bán nợ của TCTD. 

Những quy định  "siết chặt" đầu tư, cấp tín dụng và mua bán nợ qua trái phiếu doanh nghiệp đối với cả TCTD (dự kiến) và trước hết các Công ty tài chính của NHNN, đang cho thấy có sự lo ngại nhất định và cần kiểm soát rủi ro đối với hoạt động này.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Kiên định mục tiêu trong giai đoạn mới

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Kiên định mục tiêu trong giai đoạn mới

    06:34, 12/02/2021

  • TP.HCM kiến nghị khẩn với Ngân hàng Nhà nước

    TP.HCM kiến nghị khẩn với Ngân hàng Nhà nước

    11:10, 21/01/2021

  • Trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng lượng chào bán ra công chúng

    Trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng lượng chào bán ra công chúng

    06:30, 10/02/2021

  • Hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, quy định có thiết thực?

    Hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, quy định có thiết thực?

    06:10, 28/01/2021

ĐÌNH ĐẠI