Giữ nguyên quyết định xử phạt Coca-Cola Việt Nam: Nghiêm minh chống chuyển giá

DIỄM NGỌC 22/02/2021 15:02

Dù đã có lịch sử hoạt động tại Việt Nam trong thời gian dài, nhưng Coca-Cola thường xuyên báo lỗ và lại vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một câu hỏi lớn...

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam(Coca-Cola Việt Nam), sau khi ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với doanh nghiệp này.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) không chấp thuận nội dung khiếu nại và giữ nguyên quyết định xử phạt với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã ký quyết định xử phạt hành chính hơn 821 tỉ đồng về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối Coca-Cola. Ngay sau đó, Coca-Cola Việt Nam đã nộp 471 tỉ đồng và bày tỏ quan điểm không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế. Cùng với đó, doanh nghiệp (DN) này cũng nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế về một số nội dung liên quan đến kết luận của cơ quan thuế.

Cụ thể, nội dung khiếu nại lần 1 của Coca-Cola tập trung vào một số vấn đề như cơ quan thuế không chấp nhận cho công ty này được đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai, trong đó có sản phẩm, vật phẩm khuyến mại; tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng; tài sản cố định như vỏ chai, két nhựa, tiền đặt cọc vỏ chai; một số chi phí mà công ty chưa cung cấp được tài liệu chứng từ...

Phản hồi về thông tin thanh tra thuế, Coca-Cola Việt Nam cho biết, từ tháng 3-2017 đến tháng 12-2019, Tổng Cục Thuế đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại DN này, thanh tra lượng hồ sơ trong suốt thời kỳ 9 năm hoạt động của công ty, từ năm 2007 - 2015. Coca-Cola Việt Nam đã tích cực hợp tác với Tổng Cục Thuế, cung cấp những thông tin được yêu cầu và các tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán.

Trong quá trình thanh tra, DN nhận ra đã mắc phải những sai sót nhỏ, và công ty đã thông báo với Tổng Cục Thuế sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu. Coca-Cola Việt Nam luôn cam kết bảo đảm tuân thủ đầy đủ mọi yêu cầu và nghĩa vụ thuế tại địa phương.

Coca-Cola Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng Cục Thuế, đồng thời giữ nguyên quan điểm của mình rằng hoạt động công ty luôn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình và tài liệu đã được nộp lên Tổng Cục Thuế theo định kỳ cũng như trong đợt thanh tra.

DN sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan Chính phủ có liên quan cho vấn đề này, để phù hợp với cam kết phát triển bền vững của công ty trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần minh bạch và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế đã xác minh các nội dung liên quan và có kết luận rõ ràng. Theo kết quả xác minh, từ năm 2007 - 2015, Coca-Cola Việt Nam đã dùng các sản phẩm do công ty sản xuất và vật phẩm mua ngoài để thực hiện các chương trình khuyến mãi.

Công ty có xuất hóa đơn thể hiện giá trị, số lượng các hàng hóa do Coca-Cola Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, công ty này không xuất hóa đơn cho khách hàng đối với các chương trình khuyến mãi bằng các vật phẩm mua ngoài, chỉ có phiếu xuất kho. Trong khi những vật phẩm và những sản phẩm do công ty mua ngoài được đặt tại các điểm bán hàng của nhà phân phối (dù, ghế...) và dùng để khuyến mãi được Coca-Cola Việt Nam hạch toán vào chi phí lên đến 744 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, công ty này thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi trong suốt những năm 2007 - 2015 và đây chính là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, Coca-Cola Việt Nam lại có rất ít thông báo khuyến mãi gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành nơi thực hiện khuyến mãi. Chính vì vậy, không đủ căn cứ để đối chiếu, rà soát, xác định chi phí khuyến mãi hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập DN. Do đó, cơ quan thuế đã loại các chi phí khuyến mãi mà Coca-Cola Việt Nam không thông báo với Sở Công Thương hoặc thông báo không hợp lệ.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đã kết luận một số nội dung liên quan đến việc Coca-Cola Việt Nam mua nhiều tủ lạnh để đặt tại các điểm bán hàng.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết đã gửi kết luận giải quyết khiếu nại đến Coca-Cola Việt Nam. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định này, Coca-Cola Việt Nam có quyền khiếu nại đến Bộ Tài chính hoặc khởi kiện ra tòa.

Trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc truy thu thuế đối với Coca-Cola Việt Nam được dư luận quan tâm từ lâu, cho đến khi Tổng cục Thuế có quyết định chính thức. Dù đã có lịch sử hoạt động tại Việt Nam trong thời gian dài, nhưng Coca-Cola thường xuyên báo lỗ. Tuy nhiên, DN này vẫn mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng là một câu hỏi lớn cần rộng đường dư luận.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng


Mặc dù các doanh nghiệp FDI có lợi thế là đã tham gia vào thị trường Việt Nam nhiều năm, có đủ kinh nghiệm để đối thoại cùng các cơ quan quản lý sở tại nhưng theo các chuyên gia, Việt Nam cần có sự linh hoạt, một mặt, không đẩy doanh nghiệp ra khỏi thị trường, mặt khác vẫn cần quyết liệt, không nhân nhượng, dung thứ cho những hành động mang tính bất quy tắc.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các nhóm doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá thường là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng điện tử, các hoạt động về thương mại, bán lẻ và xuất hiện nhiều ở các doanh nghiệp FDI. Lỗ hổng nằm ở khâu hạch toán chi phí đến từ các công ty mẹ như nguyên vật liệu, phí quản lý cao, phí này được đánh giá một cách chủ quan, thậm chí bắt các công ty con phải chịu.

Có tới 55% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước đã báo lỗ trong năm 2019, với doanh thu được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Những nhóm ngành 2 năm liền có số DN FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm. Nhiều DN lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng...(nguồn: BTC)

DIỄM NGỌC