[eMagazine] Áp lực mới trên đôi cánh Vietnam Airlines
NHNN sẽ tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho các TCTD cho vay Vietnam Airlines. Nguồn lực tiếp sức này cũng sẽ là áp lực khiến VNA phải tính toán "ăn đã vậy, múa gậy làm sao" nhằm cất cánh và trả nợ.
Chính phủ đã thông qua quy định về việc NHNN tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng cho vay Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (VNA) với tổng hạn mức 4.000 tỷ đồng. Đây là quy định cụ thể thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ cho phép VNA được vay 4.000 tỷ đồng đã phê duyệt trước đó.
Theo như quy định này, có một số điểm cần được làm rõ là:
Thứ nhất, khoản vay của Vietnam Airlines sẽ được vay với lãi suất ưu đãi thấp nhất theo cơ chế vay tái cấp vốn. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng (TCTD) khi cho vay Vietnam Airlines sẽ là 0%- khác với mức tái cấp vốn trên hồ sơ tín dụng mà NHNN áp dụng năm 2020 là 4%. Các TCTD khi cho Vietnam Airlines vay sẽ theo cơ chế suất “thỏa thuận”, dự kiến không cao quá trần lãi suất tái cấp vốn của Quyết định 1728/QĐ-NHNN. Ước trong 3 năm, Vietnam Airlines sẽ phải trả khoảng 480 tỷ đồng cho gói vay này.
Theo quy định, "các TCTD cho VNA vay có trách nhiệm xem xét và quyết định việc cho VNA vay theo Nghị quyết và quy định của pháp luật; theo dõi riêng khoản vay của VNA theo Nghị quyết; thỏa thuận với VNA về lãi suất, số tiền, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay..., phù hợp với khả năng tài chính của TCTD, tài sản bảo đảm của VNA và tình hình tài chính của VNA đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19; chịu trách nhiệm về quyết định cho vay đối với VNA” và có trách nhiệm trả nợ tái cấp vốn cho NHNN. Nói cách khác, khoản vay có thể có, hoặc không có tài sản đảm bảo, tùy thuộc thỏa thuận của TCTD với Vietnam Airlines và TCTD không phải hoàn toàn chỉ là trung gian đề xuất cho vay tái cấp vốn để được NHNN giải ngân. Như vậy, đây vẫn là khoản vay thương mại được hưởng cơ chế đặc biệt theo đúng tinh thần Quốc hội đề ra là “hỗ trợ chứ không phải cho không”.
Thứ hai, cơ chế để giám sát khoản vay đi đúng địa chỉ cũng quy định hết sức rõ ràng và NHNN sẽ giải ngân theo đề nghị của TCTD. TCTD chịu trách hoàn trả nếu dư nợ gốc khoản tái cấp vốn vượt quá dư nợ gốc khoản cho vay của TCTD theo Nghị quyết. Đồng thời NHNN sẽ “đóng sổ” giải ngân khoản tái cấp vốn ở cuối năm nay. Nghĩa là khó có đồng tiền nào "lọt cửa" ra khỏi địa chỉ vay và vượt số dư, đặc biệt khi các TCTD áp dụng theo nội dung mà VCCI kiến nghị trước đó là hoạt động giải ngân chỉ tính từ Quyết định, không phải từ các khoản vay trước gây chồng chéo.
Thứ ba, khoản vay có ý nghĩa bổ sung vốn cho Vietnam Airlines tiếp tục dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh và vượt khó khăn của COVID-19, phù hợp với đặc thù vị thế của Hãng bay quốc gia và Nhà nước đang nắm 86% vốn điều lệ.
Vấn đề còn lại là Vietnam Airlines sẽ sử dụng khoản vay này như thế nào để hiệu quả; cũng như làm thế nào để không xuất hiện tình trạng “ỷ lại” vào nguồn tiếp sức ngân sách, đối với các doanh nghiệp, Tập đoàn Nhà nước nói chung?
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Quốc hội và Chính phủ không có chủ trương chính sách ưu tiên tái cấp vốn cho trường hợp Tập đoàn, DNNN đặc biệt nào.
Trước đó, hàng loạt các quyết định tái cấp vốn đều được phê duyệt chủ trương trên cơ sở lợi ích của nền kinh tế, của hệ thống và đối tượng thụ hưởng là chung, không hoàn toàn thuộc một pháp nhân tổ chức nào riêng biệt. Điển hình như quyết định tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu cho các TCTD. Hay ngay như tái cấp vốn trên trái phiếu DATC để xử lý khoản nợ khủng Vinashin gây hệ lụy cho ngân hàng SHB, cũng đều trên nguyên lý chung. Các ngân hàng được tái cấp vốn theo đó, là nhằm để bảo đảm thanh khoản lẫn các chỉ tiêu hoạt động an toàn trong quá trình hoán chuyển, xử lý nợ xấu.
Dù vậy, trong trường hợp đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nói rằng bên cạnh mặt tích cực và hợp lý đối với các ngân hàng, cũng khó tránh tâm lý ỷ lại của các DNNN khác khi cứ hoạt động và vay nợ “bừa bãi”, tăng gánh nặng lên ngân sách mà không tính toán đến nghĩa vụ trả nợ.
Năm 2020, những khoản cho vay các doanh nghiệp chi lương với lãi suất 0%, cũng được NHNN áp dụng công cụ tái cấp vốn cho ngân hàng Chính sách Xã hội. Trường hợp này được soi xét giải ngân khá chặt chẽ qua nhiều cấp khiến gói 16.000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa đánh giá đã phát huy được hết giá trị lan tỏa.
Quay lại với việc được phê duyệt vay qua nguồn tái cấp vốn của Vietnam Airlines, rõ ràng tâm lý có tiền lệ sẽ có tiếp sau, đã được các doanh nghiệp hàng không “ứng dụng” triệt để. Ngay sau khi Vietnam Airlines được thông qua kế hoạch vay ưu đãi cùng kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn với SCIC, hai hãng hàng không tư nhân, Vietjet Air cũng đề xuất vay vốn 4.000 tỷ đồng trong 3 năm lãi suất 4%; Bamboo Airways đề xuất vay vốn 5.000 tỷ đồng lãi suất 0% theo hình thức tái cấp vốn.
Đây cũng là hai doanh nghiệp lớn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch và cũng đang có những đóng góp lớn cho nền kinh tế và ngành hàng không. Song, điểm khác, đây không phải là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Lợi nhuận mà các doanh nghiệp này thu được sẽ chia cho cổ đông thay cho trường hợp của Vietnam Airlines, lợi tức sẽ chia về chủ yếu cho vốn chủ sở hữu chính ở đây là Chính phủ. Dù rằng, cũng có quan điểm rằng ngân sách Nhà nước là từ thuế của dân và việc hỗ trợ không hẳn chỉ nên ưu tiên cho DNNN mà còn phải là DN tư nhân, có đóng thuế cho ngân sách. Nhưng trong bối cảnh mà ngân sách hạn hẹp thì những ưu tiên dĩ nhiên vẫn sẽ phải chọn lọc.
Về mặt nguyên lý đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế, bên cạnh đó, cũng cần nhớ rằng vay nợ không phải lúc nào cũng xấu. Trường hợp của Vietnam Airlines, được hỗ trợ nhưng bản chất vẫn là vay nợ. Vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ và còn hơn thế, là “trả nợ kì vọng".
Donald Lambert, Chuyên gia chính của ADB về Phát triển khu vực tư nhân, trong một nguyên cứu về cải cách DNNN của Việt Nam từng cho rằng, mặc dù Việt Nam chắc chắn có một số DNNN có đòn bẩy nợ cao, song tình trạng mắc nợ quá nhiều không phải là phổ biến và nghịch lý là vay nợ quá ít có thể lại là một vấn đề. Với tiền mặt được dùng để trả lãi, sẽ có ít sự cám dỗ hơn khi ưu tiên cho các khoản chi tiêu tùy ý.“Nợ nhiều hơn làm gia tăng rủi ro tài chính, nhưng cũng làm tăng lợi nhuận của Chính phủ trên vốn chủ sở hữu đã đầu tư. Hơn nữa, nợ có thể mang lại kỷ luật. Chúng tôi nhận thấy, khá nhiều DNNN có thể chấp nhận tỷ lệ nợ cao hơn, từ đó có thể giải phóng dòng tiền cho các khoản đầu tư mới, hoặc chia lợi tức cho Chính phủ”. Hi vọng trường hợp này sẽ ứng đúng với Vietnam Airlines trên đôi cánh cõng nợ mà đã được Quốc hội và Chính phủ nâng đỡ, để bay qua vùng nhiễu của COVID-19 và tiếp tục là hãng bay có giải phóng dòng tiền đầu tư mới và lợi tức hiệu quả. Càng hi vọng sẽ là hãng bay không kéo các TCTD đã đứng ra đề xuất các khoản vay ưu đãi với NHNN và chịu trách nhiệm hoàn trả khoản được tái cấp vốn, vào vòng nợ xấu tương lai.
Cần lưu ý rằng cũng Donald Lambert, đã nhắc đến những nguyên lý ưu tiên khác để các DNNN nói chung của Việt Nam có vị thế tốt, vay nợ hiệu quả. Trong đó, ưu tiên 1 là cơ cấu nợ hợp lý với việc không dựa vào nợ với lãi suất thả nổi, thường có kỳ hạn ngắn hơn so với vòng đời kinh tế của các tài sản được tài trợ và chịu rủi ro lãi suất lẫn rủi ro tái cấp vốn. “Thị trường trái phiếu đem lại cho các DNNN cơ hội tốt nhất để bảo đảm nguồn tài trợ được cơ cấu tốt hơn”. Đây có lẽ là một gợi ý rất đáng chú ý trong bối cảnh Việt Nam vừa được nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc tế và các DNNN nếu được Chính phủ bảo lãnh hoặc không nhưng vẫn ngầm định gắn bó với thương hiệu quốc gia được "bảo lãnh", chắc chắn sẽ có cơ hội phát hành trái phiếu quốc tế tốt hơn.
Trong trường hợp mà Vietnam Airlines không phát hành được trái phiếu quốc tế, giả định do lo ngại của nhà đầu tư đối với khó khăn riêng của ngành hàng không, thì chuyện Fed mua vào một lượng lớn trái phiếu tư nhân năm đại dịch trước, qua đó cứu vãn thanh khoản cho Boeing, cũng là một tình huống để khảo cứu - không chỉ VNA nói riêng mà còn cho các doanh nghiệp đáng được "giải cứu" khác.