Các gói hỗ trợ cần đúng lúc, đúng chỗ
Theo các chuyên gia, cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng.
Đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ khiến thu ngân sách Nhà nước sụt giảm, trong khi đó nhu cầu chi tiêu cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của bệnh dịch lại tăng cao.
Tránh rủi ro lạm phát
Tuy nhiên, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước lớn trên thế giới do chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá. Nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn có thể dẫn đến mất giá nội tệ, môi trường đầu tư trở nên rủi ro hơn và làm trì hoãn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trả lời phóng viên, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, lạm phát sẽ có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là bắt đầu từ tháng 4. Năm ngoái, xu hướng lạm phát giảm từ tháng 4 - 5 trở đi do phong tỏa, nên tiêu dùng sụt giảm dẫn tới giá cả tiêu dùng giảm. Năm nay thì khác, so với cùng kỳ năm ngoái sẽ tăng trở lại, xu hướng từ nay tới cuối năm giá cả sẽ tăng lên. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Chính phủ là tham vọng.
Nếu dùng các giải pháp kích thích tiền tệ tiếp tục như năm ngoái thì có thể giá cả tiêu dùng sẽ không đạt được mục tiêu dưới 4% vào cuối năm. Chính sách tiền tệ phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, chuyên gia cho biết.
Muốn đạt được các mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đã đề ra, có thể phải dùng các nỗ lực kích thích tài khóa về tiền tệ. Tuy nhiên, nới lỏng tiền tệ không giúp kích thích được đầu tư tư nhân trong bối cảnh hiện nay khi mà COVID-19 còn, thì mở rộng tín dụng, mở rộng tiền tệ có thể gây ra các rủi ro liên quan tới lạm phát và bong bóng giá tài sản.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Chuyên gia Tài chính Phan Lê Thành Long cũng đồng thuận quan điểm trên. "Việt Nam đã trải qua bài học ở giai đoạn những năm 2011- 2013 về nới lỏng tiền tệ và lạm phát. Từ đó, chính sách vĩ mô của Việt Nam có sự khác biệt rất lớn, Chính phủ nhất quán trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ “linh hoạt nhưng cẩn trọng”.
“Chính vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn nên được ưu tiên hàng đầu, phòng tránh lạm phát và xuất hiện bong bóng giá tài sản ở các thị trường như chứng khoán, bất động sản. Nếu giá bất động sản tăng quá cao, thì những người trẻ, người có thu nhập trung bình, thấp sẽ khó có cơ hội mua nhà, ổn định đời sống”, ông Long cho biết.
Giải pháp phù hợp
Theo báo cáo kiến nghị về đánh giá chính sách ứng phó với đại dịch của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổ chức JICA, Chính phủ nên giữ vững nguyên tắc khi đưa ra chính sách là phải ổn định kinh tế vĩ mô, bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
Cần giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch, nền kinh tế mới hồi phục nhanh chóng. Ngược lại sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, nền kinh tế sẽ đình trệ trong thời gian dài như giai đoạn hậu khủng hoảng 2007- 2008.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch COVID-19. Trong đó, những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, đó là: du lịch, vận tải, dệt may, da giày, bán lẻ, giáo dục – đào tạo. Về điều kiện, tiêu chí doanh nghiệp nhận hỗ trợ, Chính phủ có thể căn cứ vào một số tiêu chí chủ yếu như tính lan tỏa, tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác; lao động, tạo nhiều công ăn việc làm và có khả năng phục hồi sau đại dịch.
Ngoài ra, đầu tư công vẫn là bệ đỡ chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Trong khi cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính.
Song, cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực. Thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện.
Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn mang tính ứng phó với COVID-19, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp mang tính dài hạn để chuẩn bị những điều kiện cơ bản cho phát triển bền vững sau đại dịch.
Thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
Thứ hai, tận dụng và khai thác lợi thế của người đi sau, tăng cường sử dụng công nghệ cao thông qua trực tiếp nhập khẩu, mua bán bản quyền, thuê sản phẩm từ nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ FDI.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế, xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động thông qua cân bằng quyền lực trong bộ máy Nhà nước và giải quyết quan hệ lợi ích phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường.
Thứ tư, phát triển khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo, đảm bảo thể chế kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, phát triển năng lực theo hướng đa kỹ năng, tăng cường sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào giáo dục thông qua quan hệ đối tác công tư.
Có thể bạn quan tâm