“Hạt sạn” trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước
Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước mang lại tích cực trong đổi mới, sắp xếp DNNN, song vẫn còn những “hạt sạn” lớn.
Trước những sai phạm cổ phần hóa Công ty Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã “lệnh” thu hồi đất và hoàn vốn mua cổ phần cho Vivaso, đơn vị duy nhất tham gia mua cổ phần và sở hữu 65% VFS. Nhưng vụ việc đến nay vẫn còn chưa kết thúc.
Hay như trường hợp tại Sabeco, đã bị lật ngược với hàng loạt sai phạm của Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm, lại cho thấy có những lỗ hổng mà thông qua các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân, kế đó là chuyển nhượng sai quy định, các nhà quản lý vốn Nhà nước đã gây thất thoát tới 2.700 tỷ đồng.
Lại cũng câu chuyện đất vàng, vị trí trọng yếu và gắn với tính lịch sử văn hóa của đất Tràng An thanh lịch, có 2 tình huống khá tiêu biểu: Một là thương hiệu có từ 1958- Kem Tràng Tiền rơi vào tay anh em nhà ông Hà Trọng Nam- Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương) qua cổ phần hóa bằng nguồn tiền vay. Hai là một trong những miếng đất vàng lên tới trên 8.000 m2 ở vị trí đắc địa quân Hoàn Kiếm, Cung Thiếu nhi Hà Nội, mà theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đang có nguy cơ trở thành đích nhắm của các nhà đầu tư tư nhân khi Hà Nội đã khởi công Cung Thiếu nhi ở vị trí nhưng lại chưa công bố rõ phương án sử dụng đất vàng này. Nếu không lên tiếng, Hội Kiến trúc sư lo ngại di sản kiến trúc đô thị trước đổi mới cũng sẽ biến mất...
Chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều dự án lịch sử mà vẫn được bảo tồn giá trị trong quản lý Nhà nước, nhưng nếu về tay tư nhân, có thể xóa sạch giá trị văn hóa, vai trò chứng nhân của một thời kỳ; đánh mất bản sắc của một vùng đất, thậm chí cả quốc gia. Và vẫn còn nhiều trường hợp khác mà sự nuối tiếc của hậu cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, là dai dẳng…
Có thể bạn quan tâm