Những ngành hưởng lợi từ nguy cơ tăng giá hàng hóa

NGUYỄN LONG 24/05/2021 05:32

Chủ yếu các ngành sản xuất nguyên vật liệu đầu vào sẽ hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào tăng; nhưng các ngành sản xuất thành phẩm sẽ thiệt hại...

Giá hàng hóa tăng mạnh, dẫn đến nhiều lo ngại nguy cơ diễn ra siêu chu kỳ tăng giá.

Giá hàng hóa tăng mạnh, dẫn đến nhiều lo ngại nguy cơ diễn ra siêu chu kỳ tăng giá.

Nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá?

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa thường chỉ xảy ra khi một nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc đẩy nhanh công nghiệp, hiện đại hóa.

Giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng giảm trong 15 năm gần đây cùng với trạng thái bão hòa quy mô từ kinh tế Trung Quốc - Các chuyên gia kinh tế nhận định không có điều kiện tương tự ở giai đoạn hiện tại.

Theo BSC, nhiều hàng hóa chủ chốt tăng mạnh trong năm 2020 do một số nguyên nhân: Thứ nhất, Trung Quốc sớm kiểm soát dịch COVID-19 khiến nền kinh tế hồi phục nhanh hơn so với các nước khác, nhu cầu về nguyên liệu hàng hóa nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh tăng cao.

Thứ hai, các thử nghiệm vaccine COVID-19 diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 tạo ra kỳ vọng về sự hồi phục của kinh tế thế giới.

Thứ ba, nguồn cung tiền của thế giới gia tăng do chính sách tiền tệ nới lỏng từ các Ngân hàng TW của nhiều quốc gia dẫn đầu kinh tế toàn cầu.

Thứ tư, công nghệ đang phát triển nhanh chóng và ngành năng lượng mới đang nổi lên thúc đẩy nhu cầu hàng hóa lớn trên thị trường thế giới.

Trong bối cảnh lạm phát thấp trong giai đoạn trước COVID-19, các gói tài khóa lớn được ban hành tại phần lớn các quốc gia phát triển Mỹ, Đức, Nhật với lần lượt tương đương quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 19,1%, 38,8%, và 44%. Tại các quốc gia đang phát triển của ASEAN, tổng các gói tài khóa cũng dao động 3,4-12,2% GDP.

Lượng giải ngân của các gói này tương đối lớn, không chỉ chảy vào ngành chăm sóc sức khỏe, mà còn tìm đến các khu vực khác, mục tiêu trợ giúp vĩ mô, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, góp phần tăng cầu hàng hóa, để phục vụ sản xuất, xây dựng.

Với biến động hàng hóa có nguy cơ tác động lên lạm phát của Việt Nam, BSC cho rằng, xu hướng vận động của giá dầu Brent sẽ có tác động mạnh nhất lên chỉ số vĩ mô này. Nhóm giá hàng hóa cà phê có ảnh hưởng nhỏ lên lạm phát. Nếu đúng theo kịch bản đề ra, xu hướng vận động của nhóm hàng hóa thế giới có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tăng thêm 1,63% vào cuối năm. Với mức tăng như vậy, CPI vẫn đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng dưới 4% của Chính phủ.

Nếu diễn biến giá hàng hóa xảy ra đúng như dự báo, BSC nâng mức dự báo lạm phát năm 2021 từ 2,7-3% lên 3,3%-3,6% vào cuối năm 2021. Lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát giúp cho NHNN tiếp tục duy trì thanh khoản dồi dào nhằm hỗ trợ nền kinh tế hạn chế ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Giá hàng hóa tăng, ngành nào hưởng lợi?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, giá hàng hóa thời gian qua tăng nóng phản ánh cung không kịp cầu cho doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại và cầu tăng quá nhanh. Cung không kịp do một phần việc khởi động lại sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau dịch COVID-19 cũng gặp nhiều khó khăn.

Giá hàng hóa tăng nóng có khả năng sẽ khiến nguồn cung dầu tăng trước, dù rằng thị trường dầu sắp chạm chu kỳ hạ nhiệt. Vì theo thống kê thông thường từ 12-14 tháng sẽ kết thúc chu kỳ thâm hụt nguồn cung dầu; tức là nhiều khả năng trong tháng 5 OPEC sẽ tăng sản lượng trở lại. Khi đó, cung dầu trên thế giới cân bằng, sẽ hãm chậm dần đà phục hồi giá dầu. Trong tháng 5, giá dầu thực tế đã đi ngang.

Theo dự báo của tôi, sau đợt dịch COVID-19, các nước đang phát triển hoặc nước sản xuất lớn trên thế giới như Trung Quốc sẽ sản xuất trở lại để cân bằng cung – cầu. Giá hàng hóa được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt dần từ tháng 5, tháng 6. Kéo theo đó lạm phát sẽ hạ nhiệt" – ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Cũng theo Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam, chủ yếu các ngành sản xuất nguyên vật liệu đầu vào sẽ hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào tăng. Và giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh lại khiến các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm sẽ thiệt hại nặng. Tuy nhiên, thời gian qua một số doanh nghiệp có lượng tích trữ hàng tồn kho lớn trước đó, nên họ sẽ hưởng lợi chênh lệch về giá bán ra cao hơn thời điểm tích hàng. Nếu giá hàng hóa tiếp tục neo cao thì thời gian tới các doanh nghiệp sản xuất thành phẩm sẽ chịu thiệt hại hơn nữa.

Chỉ có những doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cơ bản như Hòa Phát có thép cán nóng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất thép. Các ngành liên quan nguyên vật liệu cơ bản như nông sản, khoáng sản... cũng sẽ hưởng lợi", ông Nguyễn Thế Minh nhận định. 

Có thể bạn quan tâm

  • Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa tác động lên lạm phát Việt Nam như thế nào?

    Siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa tác động lên lạm phát Việt Nam như thế nào?

    05:00, 23/05/2021

  • Nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá, ngành nào sẽ gặp khó?

    Nguy cơ siêu chu kỳ tăng giá hàng hoá, ngành nào sẽ gặp khó?

    11:00, 21/05/2021

  • Không lo tăng giá, loạn giá hàng hóa phục vụ Tết

    Không lo tăng giá, loạn giá hàng hóa phục vụ Tết

    05:00, 14/12/2020

NGUYỄN LONG