Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch (Bài 2): Cần linh hoạt cách tiếp cận ngân sách
Dự thảo kinh phí cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là tin vui đối với các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư phát triển du lịch. Nhưng triển khai và tiếp cận kinh phí thế nào, vẫn còn những băn khoăn...
Đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đó không chỉ là mục tiêu ưu tiên của các doanh nghiệp trong thời dịch hay hậu COVID-19 mà còn ở mọi thời kỳ phát triển khác nhau. Hạng mục này được nằm trong danh mục ưu tiên tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, theo dự thảo kinh phí cho Quỹ này.
Khi được hỏi về vấn đề Dự thảo kinh phí cho Quỹ, nhiều chuyên gia du lịch đều công nhận, đây là một trong những sự quan tâm cần với du lịch. Chưa lúc nào ngành du lịch lại nhận được sự quan tâm lớn như bây giờ. Ngoài tác động khách quan vì dịch bệnh thì hoạt động xúc tiến, quảng bá của du lịch Việt Nam thực tế còn thieeus tính chuyên nghiệp, chưa nhiều kinh nghiệm, nguồn nhân lực yếu và kinh phí thấp. Việc thành lập và sớm triển khai Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vì vậy là điểm sáng đối với ngành. Tuy nhiên, xoay quanh đó, từ lúc được thành lập cho đến nay đã gần 3 năm, một thực tế là Quỹ vẫn chưa nhiều...hoạt động thực tế. Trong khi đó, xúc tiến, quảng bá du lịch của doanh nghiệp của ngành thì vẫn phải làm.
Theo đại diện công ty du lịch Trans Viet, hiện nay, ngân sách dành cho hoạt động xúc tiến, quảng bá còn khá khiêm tốn, chỉ tầm 2 triệu USD trong khi các nước tại khu vực cũng đã dành ra cả hơn 100 triệu USD. Mà chi tiêu lại phân tán, chưa tập trung.
Tại dự thảo ngân sách cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Nhà nước sẽ bố trí vốn cho Quỹ khoảng 300 tỷ và huy động các nguồn lực khác. Chưa nói tới nguồn kinh phí này ít nhiều, phân bổ ra sao, mà câu hỏi đặt ra là việc tiêu tiền sẽ được quản lý như thế nào cho hiệu quả? Các doanh nghiệp trong ngành mong muốn thấy một chiến lược tổng thể, bài bản, để hình dung ra bức tranh toàn cảnh cho phát triển du lịch trong giai đoạn tới bao gồm cả vai trò của Quỹ, kế hoạch "tiêu tiền" cụ thể của Quỹ trong bức tranh đó.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của một quốc gia cần có đề án rất cụ thể về cách thức thành lập và sử dụng quỹ. Trong đó, cần có sự đóng góp ý kiến từ cơ quan quản lý, chuyên gia du lịch cũng như bản thân doanh nghiệp - những người có trách nhiệm đóng quỹ và hưởng lợi ích từ quỹ này.
“Ngoài ra, đây là Quỹ của quốc gia, do vậy đơn vị quản lý và vận hành đương nhiên phải do cơ quan quản lý Nhà nước đảm trách, nhưng cần có sự tham gia giám sát của cơ quan khác. Khi triển khai một cách bài bản, cụ thể, rõ ràng thì cũng không khó khăn gì trong việc triển khai công tác xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam”, ông Thắng nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng thời nêu quan điểm rằng, việc ban hành dự thảo về ngân sách Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của Bộ Tài chính là rất kịp thời, trong bối cảnh đây là ngành đang rất cần nhiều trợ lực.
Theo TS. Lê Văn Minh, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách và môi trường Du lịch, Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, trong đại dịch, các ngành dịch vụ nói chung và đặc biệt là ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề nhất. Trong nhiều tháng, không có khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa bị hạn chế, các doanh nghiệp hầu như không hoạt động kinh doanh, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày càng tăng. Hướng dẫn viên và nhân viên khách sạn, lữ hành phải chuyển sang làm việc ở nhiều ngành, nghề khác, đó là một thực trạng đáng buồn.
“Trong lúc này, Nhà nước nên có những chính sách thiết thực hỗ trợ về việc làm, tạo thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động trước tiên. Có thể nhiều doanh nghiệp du lịch sẽ có những thay đổi hướng kinh doanh, trong đó không ngoại trừ hướng tư vấn và đào tạo nghiệp vụ du lịch. Với hướng đi này, Nhà nước cần ủng hộ và có chính sách phù hợp như tạo điều kiện cấp phép mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới cho các doanh nghiệp”, TS. Lê Văn Minh đề xuất.
Bà Lê Thị Thương, đại diện công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển du lịch Việt Nam cũng cho rằng, trong dự thảo của Bộ Tài chính nêu sẽ hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho các công tác về nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch... “Nhưng cụ thể về việc hỗ trợ này thế nào và doanh nghiệp cần làm gì để được hỗ trợ thì doanh nghiệp hiện chưa nắm được. Hơn nữa, trong giai đoạn khó khăn, việc mở tour, bán tour, liên kết các điểm du lịch, khách sạn rất ngặt ngèo, thậm chí rủi ro về nhiều mặt. Doanh nghiệp tập trung mạnh vào việc đào tạo nguồn nhân lực để tạo nền tảng vững mạnh hơn khi mọi thứ phục hồi, vậy những hoạt động này, doanh nghiệp du lịch có nhận được hỗ trợ không?”, bà Thương băn khoăn.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho biết, Dự thảo vừa mới được ban hành, hiện nay Quỹ mới bắt tay vào giai đoạn sắp xếp các cơ cấu tổ chức, cách thức vận hành tài chính, cơ chế phối hợp và các định hướng khác. Chính vì vậy, sau khi đi vào ổn định, Quỹ sẽ có những thông tin chính thức và sâu rộng hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo kinh phí cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, doanh nghiệp mong đợi gì?
15:00, 26/05/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã hoạt động không vì lợi nhuận
20:12, 01/04/2021
ADB đang xem xét khởi động Gói quỹ hỗ trợ khẩn cấp 3 triệu USD cho miền Trung
15:50, 27/10/2020
SABECO gây quỹ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19
10:44, 18/10/2020