Đô la Úc suy yếu giữa căng thẳng thương mại Úc - Trung?
Các nhà phân tích đang xem xét, liệu đồng đô la Úc (AUD) có bắt đầu suy yếu do căng thẳng với Trung Quốc và hàng hóa xuất khẩu của nước này sẽ trở nên hấp dẫn với người tiêu dùng nước ngoài...
Đô la Úc suy yếu...
Theo dữ liệu của Bloomberg, đồng đô la Úc bắt đầu có xu hướng suy yếu trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Úc không có dấu hiệu cải thiện. Đồng thời, đô la Úc cũng trở thành đồng tiền hoạt động kém nhất trong Nhóm 10 loại tiền tệ.
Nhìn chung, một đồng tiền suy yếu, sẽ kích thích xuất khẩu của nước đó khi làm cho hàng hoá có giá rẻ hơn. Đồng đô la Úc hiện đang giao dịch ở mức khoảng 0,77 đô la Mỹ, đã giảm từ mức 0,78% trong khoảng vài tháng nay. Nếu tranh chấp thương mại với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn và người tiêu dùng Trung Quốc ít mua hàng hóa của Úc hơn, điều này có thể đẩy giá trị của đồng đô la Úc xuống sâu hơn.
Sean Callow, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Westpac đặt ra câu hỏi: Liệu Úc có thể đa dạng hóa giỏ hàng xuất khẩu của mình trong thời gian dài, để nước này ít phụ thuộc hơn vào vận chuyển hay không? Hiện nay, quặng sắt đang là động lực lớn nhất của thương mại giữa các nước. “Chúng tôi đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy đồng đô la Úc hoạt động kém hiệu quả do căng thẳng từ Trung Quốc.”
Mối quan hệ song phương Trung Quốc - Úc xấu đi rõ rệt trong hơn 1 năm qua, sau lời kêu gọi của Chính phủ Úc vào năm ngoái về một cuộc điều tra quốc tế liên quan đến nguồn gốc của sự bùng phát COVID-19. Trung Quốc kể từ đó đã áp đặt các hạn chế thương mại khác nhau đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ nước này.
Thay đổi chiến lược xuất khẩu
Bernard Aw, nhà kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Coface cho biết, từ quan điểm chủ quyền, cả Trung Quốc và Úc đều khó có thể lùi bước. Diễn biến trong tương lai của tranh chấp Trung Quốc – Úc, sẽ được các nước châu Á bám sát chặt chẽ để biết rõ mức độ thiệt hại kinh tế có thể phải gánh chịu, nếu họ rơi vào tình huống tương tự. “Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc sẽ giữ lập trường cứng rắn và bắt đầu nhắm mục tiêu vào lĩnh vực du lịch và giáo dục của Úc khi các nền kinh tế mở lại biên giới cho du lịch quốc tế”, Aw nhận định.
Trung tâm Perth USAsia tại Đại học Tây Úc đã ước tính rằng, hoạt động xuất khẩu trị giá 28 tỷ USD của nước này, bao gồm du lịch (16,3 tỷ USD) và giáo dục (12,1 tỷ USD) chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, có nguy cơ tiếp tục bị trả đũa bởi Trung Quốc.
Mới đây, Thủ tướng Úc - Scott Morrison nói với Trung tâm Perth USAsia trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 ở Anh rằng, trật tự toàn cầu dựa trên các quy tắc đang bị căng thẳng nghiêm trọng. “Cách thiết thực nhất để giải quyết sự ép buộc kinh tế là khôi phục sự ràng buộc của cơ quan thương mại toàn cầu, thông qua hệ thống giải quyết tranh chấp. Ở những nơi không có hậu quả đối với hành vi cưỡng chế, thì có rất ít động cơ để kiềm chế", ông nói.
Các nhà phân tích lưu ý, rủi ro lớn nhất liên quan đến xung đột Trung Quốc -Úc là các hành động trả đũa của nước này có thể sẽ ảnh hưởng đến quặng sắt. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 60% quặng sắt từ Úc và sẽ rất khó để tìm các đối tác thay thế trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, về dài hạn, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ ít mua quặng sắt của Úc hơn và có dấu hiệu đầu tư vào các dự án khai thác lớn, chẳng hạn như ở Guinea, nơi có nguồn cung cấp quặng sắt cao cấp chưa được khai thác lớn nhất thế giới. Do xuất khẩu hàng hóa của Úc sang Trung Quốc chiếm khoảng 7% tổng sản phẩm quốc nội, nên sự sụt giảm đáng kể sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này.
Theo Silvia Dall'Angelo, nhà kinh tế cấp cao tại Federated Hermes nhận định, nền kinh tế Úc sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn trong tương lai. Đầu tiên, khi Trung Quốc phát triển thành một nền kinh tế tiên tiến hơn và ít thâm dụng vốn hơn, về cơ cấu, nó sẽ cần ít hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, quá trình khử carbon sẽ diễn ra trong vài thập kỷ tới trên toàn cầu, cũng có thể tác động lớn đối với nền kinh tế và tiền tệ của Úc.
Để chuẩn bị cho khả năng này, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để giữ chi phí đi vay ở mức thấp và tránh sự tăng giá không mong muốn của đồng đô la Úc. Bởi nếu đồng AUD tăng giá, sẽ có tác động bất lợi đối với các nhà xuất khẩu Úc. Trong khi đó theo một nghiên cứu của RBA, tỷ giá hối đoái thực của đồng đô la Úc nếu giảm 10%, có thể làm tăng khối lượng xuất khẩu tổng thể lên khoảng 3% sau 2 năm.
Tuy nhiên, nếu đồng AUD thực sự suy yếu, thì đây cũng không phải yếu tố duy nhất thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng Úc phải xây dựng mối quan hệ bền vững với các điểm đến xuất khẩu tiềm năng, cũng như cải thiện khả năng phục hồi trong những sản phẩm xuất khẩu của mình. Điều đó cần sự liên kết chặt chẽ với thị trường nước ngoài, cơ sở hạ tầng vật chất và chất lượng sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Fed đứng trước áp lực củng cố sức mạnh đồng đô la kỹ thuật số
05:30, 07/03/2021
Tháng 1/2021: Chỉ số giá vàng trong nước tăng, đồng đô la Mỹ tiếp tục giảm
05:30, 03/02/2021
Nguy cơ tăng tỷ giá
16:45, 22/05/2021
Sức ép tăng tỷ giá khi FED rút nới lỏng định lượng
16:20, 24/04/2021
Việt Nam thoát khỏi thao túng tiền tệ nhờ chính sách điều hành tiền tệ và tỷ giá linh hoạt của NHNN
05:30, 18/04/2021