Các gói hỗ trợ kinh tế của các quốc gia trong đợt COVID-19 mới
Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt dịch, tổng kinh phí hơn 26.000 tỷ đồng tương đương hơn 1,1 tỷ USD.
Trong năm thứ 2 của đại dịch COVID-19, những biến thể nguy hiểm hơn của virus đã dẫn đến sự bùng phát làn sóng dịch bệnh mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khiến các quốc gia phải đối mặt với những thách thức mới. Trước những diễn biến phức tạp và chủ trương giãn cách không thời hạn có khả năng phải áp dụng ở nhiều nước, các Chính phủ đã tiếp tục có chính sách “bơm” tiền hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch.
Tại Hàn Quốc, Chính phủ đã có kế hoạch tung ra đợt cứu trợ đại dịch mới, với 80% hộ gia đình sẽ được phát tiền mặt, với đề xuất chi 33.000 tỷ won (29,2 tỷ USD) từ nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ cho các hộ gia đình. Ngoài ra, một phần gói ngân sách cũng sẽ dùng để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn vì đại dịch. Đề xuất gói ngân sách trị giá 29,2 tỷ USD này sẽ được đệ trình lên quốc hội vào ngày 2/7 tới đây. Nếu được thông qua, nó sẽ là khoản ngân sách bổ sung thứ sáu của Hàn Quốc kể từ khi đại dịch xảy ra và là gói có quy mô lớn thứ hai trong số đó.
Tương tự ở Nhật Bản, nội các nước này đã quyết định sử dụng 500 tỷ Yên (4,6 tỷ USD) trong quỹ dự phòng của tài khóa 2021, bắt đầu từ ngày 1/4 để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại, do Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 vì dịch COVID-19. Trong ngân sách tài khoá 2021, Nhật Bản đã dành 5.000 tỷ Yên trong quỹ dự phòng để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và khoản chi 500 tỷ Yên nói trên sẽ đánh dấu khoản chi đầu tiên của quỹ dự phòng.
Ngoài khoản hỗ trợ tài chính sắp tới, Chính phủ Nhật Bản cũng chi 100.000 Yên mỗi ngày cho các nhà hàng và quán bar quy mô vừa, nhỏ và tối đa 200.000 Yên cho các đơn vị quy mô lớn để tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ về cắt giảm giờ hoạt động hoặc đóng cửa theo quy định.
Còn tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã công bố gói hỗ trợ hơn 36 tỉ USD cho người dân vào ngày 28/6 vừa qua với chủ trương: “Kể cả khi ngân sách rất hạn chế, chính quyền vẫn cam kết ưu tiên cho phúc lợi của nhân dân”. Theo đó, gói hỗ trợ này trị giá 150 tỉ Ringgit, tương đương 36,2 tỉ USD và được xem là hành động cần thiết trong bối cảnh Malaysia phong tỏa vì dịch COVID-19, do tình hình số ca nhiễm gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là gói hỗ trợ thứ tư của Thủ tướng Muhyiddin trong năm nay, khi Malaysia đối diện làn sóng lây nhiễm mới.
Riêng Việt Nam, ngày 29/6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối 2021 và đầu 2022.
Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp, khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành.
“Các địa phương chủ động xây dựng các phương án duy trì sản xuất kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát; phối hợp chặt chẽ các bộ, cơ quan trung ương triển khai tiêm vắc-xin; xây dựng phương án và bố trí chỗ ở, thực hiện cách ly, giãn cách phù hợp cho chuyên gia, người lao động để bảo vệ, duy trì sản xuất, kinh doanh”, Nghị quyết nêu.
Theo Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, dự thảo Nghị quyết hỗ trợ lần này sẽ bổ sung nội dung mới so với Nghị quyết 42/2020 (gói 62.000 tỷ đồng). Tổng kinh phí gói mới hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch COVId-19 là hơn 26.000 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD).
Trước đó, Ủy ban Kinh tế đã đánh giá các chính sách hỗ trợ của năm 2020 chưa thực sự chạm tới được người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương vì dịch. Vì vậy, Chính phủ cần có đánh giá toàn diện chính sách hỗ trợ thời gian vừa qua, từ đó đưa ra dự báo, kịch bản với những đề xuất phù hợp để hỗ trợ hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm
Đối tượng nào được hưởng gói hỗ trợ COVID-19 tại TP HCM?
13:15, 25/06/2021
Linh hoạt hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ
06:40, 16/06/2021
"2% doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ"
15:20, 15/06/2021
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”: TP HCM mở gói hỗ trợ lần 2
11:04, 06/06/2021
Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ III): “Hiệu đính” các gói hỗ trợ
11:30, 31/05/2021
115.000 tỷ đồng gói hỗ trợ lần hai: Ưu đãi thuế cần tránh cào bằng
04:00, 18/05/2021