Giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Cách nào nhanh nhất?
Đơn giản tối đa mọi thủ tục và không đặt nặng yếu tố trục lợi chính sách vì có thể giám sát hậu kiểm sau, đây là cách thức phát tiền cho dân được mong đợi sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Gói hỗ trợ lần thứ 2 trị giá 26.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đã được mở rộng đối tượng thụ hưởng như: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng đồng; nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ 3,7 triệu đồng.
Các trường hợp người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi. Đối với người lao động bị nhiễm COVID- 19 hoặc phải cách ly y tế để phòng chống COVID- 19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn. Riêng trẻ em được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ trẻ em…
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68/NQ-CP cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Nhà nước sẽ giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phương để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh, sẽ triển khai sớm gói hỗ trợ, trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày là người dân có thể tiếp cận và được giải ngân. Cơ quan, địa phương nào chậm trễ là “có lỗi” với người dân.
Tuy nhiên, để thực sự đạt được mục tiêu này, về phía người lao động (NLĐ) và sử dụng lao động, chủ cơ sở cần lập danh sách người lao động kèm bản sao tạm hoãn hợp đồng; bản sao văn bản tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền; bản sao công chứng kèm bản gốc (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ tương ứng với nhóm thụ hưởng như: giấy xác nhận của cơ quan y tế cho người lao động đang mang thai, giấy khai sinh, chứng nhận nuôi con…
Với những người thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên và đang tham gia bảo hiểm xã hội, cần bản sao văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan có thẩm quyền, danh sách NLĐ có xác nhận của cơ quan BHXH. Đối với lao động đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, bổ sung thêm chứng minh nhân dân của NLĐ, giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ em, giấy chứng nhận nuôi con.
Các F0, F1, trẻ em dưới 16 tuổi nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng một ngày. Riêng trẻ em là F0, F1 nhận thêm một triệu đồng. Hồ sơ cần bản sao chứng minh thư hoặc căn cước, giấy khai sinh, riêng F0 cần thêm giấy ra vào viện điều trị nCoV.
Hộ kinh doanh có đăng ký thuế phải dừng hoạt động 15 ngày trở lên được nhận 3 triệu đồng. Chủ hộ làm giấy đề nghị hỗ trợ, gửi chính quyền cấp xã xác nhận. Danh sách các hộ sẽ được niêm yết công khai, sau đó chuyển lên cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt hỗ trợ.
Doanh nghiệp muốn được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Hồ sơ gồm giấy đề nghị vay vốn, danh sách lao động ngừng việc, bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ sau: chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư; danh sách lao động ngừng việc, có phương án phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, việc đơn giản thủ tục là để cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể. Việc trục lợi chính sách cũng được lưu ý nhưng sẽ được tập trung vào khâu hậu kiểm và giám sát. Quốc hội và Chính phủ cũng đã lưu ý vào việc kiểm tra, giám sát này.
Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết, mặc dù chính sách vừa được thông qua nhưng Ngân hàng Chính sách cũng đã có những chuẩn bị và sẵn sàng triển khai để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đã bàn và sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai với tất cả các địa phương bằng hình thức trực tuyến. Người sử dụng lao động cần vay vốn để trả lương ngừng việc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh có thể chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục vay sớm nhất. Chúng tôi đã sẵn sàng. Gói lần này Ngân hàng Nhà nước cho tái cấp vốn khoảng 7,5 nghìn tỷ, chúng tôi sẽ căn cứ vào việc bố trí vốn của Ngân hàng Nhà nước để tổ chức thực hiện”, ông Huỳnh Văn Thuận cho biết.
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội thành phố đánh giá thủ tục lần này rất đơn giản, đã giảm bớt những rườm rà, phiền phức cho người lao động, thể hiện trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội, chính quyền địa phương và chủ doanh nghiệp. Người lao động tự do chỉ cần tạm trú ở TPHCM là sẽ được nhận hỗ trợ, trong trường hợp người lao động không đủ điều kiện nhận hỗ trợ thì cơ quan bảo hiểm và địa phương phải thông báo và nêu rõ lý do cho người sử dụng lao động và người lao động biết.
"Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng không phải làm thủ tục gì hết, chỉ có người bị chấm dứt hợp đồng lao động thì phải làm giấy đề nghị", ông Tấn nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: 7 ngày để tiếp cận có khả thi?
15:15, 12/07/2021
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Thời gian giải quyết hồ sơ còn 5 -10 ngày
03:08, 08/07/2021
Triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sao cho hiệu quả?
05:55, 01/07/2021