Hoãn Thông tư 40, sàn thương mại điện tử cần thêm thời gian

DIỄM NGỌC 27/07/2021 15:30

Các nền tảng thương mại điện tử cần thêm thời gian để làm việc, hướng dẫn và đạt thỏa thuận với các đối tác thương hiệu, cũng như người bán trước khi Thông tư 40/2021/TT-BTC đi vào thực hiện.

Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, trong đó, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 8 quy định, các sàn thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,…) phải có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn, theo yêu cầu của cơ quan thuế, trong đó có doanh thu kinh doanh. Thời gian tới, khi có lộ trình của cơ quan thuế, các sàn giao dịch thương mại điện tử này sẽ thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân bán hàng trên nền tảng của mình.

Bộ cũng đang trình với Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế cho đến ngày 1/1/2022 sẽ thực hiện

Bộ Tài chính đang trình với Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế cho đến ngày 1/1/2022 sẽ thực hiện

Thông tư này đã khiến nhiều sàn thương mại điện tử khá lúng túng và đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng đã gửi kiến nghị tới Chính phủ để xem xét, hỗ trợ các thành viên Hiệp hội.

Trong phiên thảo luận kinh tế xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin, Bộ cũng đang trình với Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế cho đến ngày 1/1/2022 sẽ thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính cho rằng, việc nâng cao trách nhiệm quản lý thuế và làm thế nào để thu thuế đúng, đủ, nhanh chóng, chuẩn xác cho cơ quan thuế, là một trong những vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Trong thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã có nhiều chính sách, biện pháp để có thể quản lý các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là lĩnh vực mới như thương mại điện tử, hay các hoạt động kinh doanh mới khác. Tuy nhiên, việc sàn thương mại điện tử phải đóng thuế thay cho các chủ thể kinh doanh chưa thực sự phù hợp với yêu cầu quản lý thuế, cũng như phù hợp với thực trạng của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, sàn thương mại điện tử chỉ là một cơ quan trung gian cho người mua và người bán gặp nhau, tự kinh doanh, mua bán và hợp đồng do các bên tự thỏa thuận. Do vậy, các sàn thương mại điện tử sẽ khó lòng nắm được tất cả các chủ thể tham gia giao dịch trên sàn của mình, trong khi, có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn chủ thể kinh doanh, để có thể đứng ra đóng thuế thay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính

Khi nói đến tác động của quy định này, rõ ràng nó sẽ làm cho các sàn thương mại điện tử thêm một số công việc và trách nhiệm của họ trở nên nặng nề hơn. Cụ thể như:

Thứ nhất, các sàn thương mại điện tử phải thường xuyên quản lý, giám sát những chủ thể kinh doanh trên sàn, để xem những giao dịch của họ có phát sinh hay không.

Thứ hai, họ phải là người tiếp nhận các thông báo kê khai từ các chủ thể kinh doanh trên sàn để từ đó có được số liệu và tính toán nộp thuế thay cho các chủ thể này. Vô hình chung, với một sàn thương mại điện tử ngoài trách nhiệm chính là tạo ra môi trường cho người mua, người bán gặp nhau và hỗ trợ kinh doanh hiệu quả, trơn tru, thì lại bị chi phối và ảnh hưởng bởi công tác rà soát các vấn đề về thuế.

Đó là điều mà các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, để từ đó giúp các sàn thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình và họ phải tính toán nộp thuế trên các dịch vụ họ cho thuê. Đồng thời, có trách nhiệm với tất cả những chất lượng cũng như hiệu quả dịch vụ của họ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề nghị.

Việc thu thuế trên nền tảng thương mại điện tử cũng là vấn đề đau đầu ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam. Theo kinh nghiệm quốc tế, tại Đức, một dự luật được thông qua năm 2018 quy định các nền tảng thương mại điện tử như eBay, Amazon phải chịu trách nhiệm pháp lý về thuế giá trị gia tăng (VAT) chưa thanh toán của người bán. Các nhà khai thác phải thực hiện thu hồi khoản lỗ, hoặc tự chịu trách nhiệm về các khoản thanh toán theo hóa đơn. Trong khi đó tại Anh, từ năm 2016, các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử phải có trách nhiệm đảm bảo khách hàng từ nước ngoài của họ đã đăng ký VAT tại Vương quốc Anh. Các công ty không tuân thủ sẽ phải đối mặt với án phạt khoảng 10.000 bảng Anh, thậm chí bị kết án hình sự.

Còn tại Trung Quốc, ngoài việc thu hộ, nộp thuế hộ cho người bán hàng, cơ quan thuế nước này còn yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử phải xuất hóa đơn cho khách hàng, đồng thời khai báo thông tin về hoạt động mua bán, các thông tin về thuế có liên quan đến các giao dịch cho cơ quan thuế và lưu trữ các thông tin này trong tối thiểu ba năm.

Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki chia sẻ, họ đang chờ cơ quan chức năng đưa ra chi tiết các bước thực hiện, thời gian thực hiện từng giai đoạn và các văn bản cụ thể về phương pháp tính, hình thức kê khai thuế. “Các nền tảng thương mại điện tử đúng là cũng cần thời gian để làm việc, hướng dẫn và đạt thỏa thuận với các đối tác thương hiệu, cũng như người bán", đại diện đơn vị nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cải cách, hiện đại hóa triệt để hệ thống thuế

    01:12, 18/07/2021

  • Thất thu thuế từ nền tảng xuyên biên giới: Vào cuộc bịt… “lỗ hổng”

    15:00, 13/07/2021

  • Ngành thuế tăng cường thanh kiểm tra

    17:40, 15/07/2021

DIỄM NGỌC