[eMagazine] Sau 1 tháng phát tiền cho dân, xin đừng chậm trễ hơn nữa!

Bài: LÊ MỸ - Thiết kế: Thùy Linh 31/07/2021 18:31

Đến hôm nay 31/7, gói 26.000 tỷ đồng được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 68/NQ-CP từ ngày 1/7/2021, vừa đúng tròn 1 tháng.

Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (gói 26.000 tỷ đồng) chính thức đi vào triển khai thực tế tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện ngày 7/7, do đó, gói có 24 ngày đi vào đời sống.

Tuy nhiên, đến nay việc giải ngân gói này vẫn còn nhiều hạn chế từ phương án phát tiền cho đến triển khai minh bạch, rõ ràng, khiến còn chậm giải ngân.

Người dân TP HCM xếp hàng đi chợ thời giãn cách, áp dụng Chỉ thị 10

Người dân TP HCM, quận Bình Thạnh xếp hàng đi chợ giãn cách, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 10 (ảnh: Lê Mỹ)

Trước hết, hãy xem câu chuyện giải ngân một gói hỗ trợ khác cấp địa phương ở địa bàn dịch đang căng và kéo dài nhất chưa từng có 2 năm qua - TP HCM.

Vào cuối tháng 4/2021, HĐND TP.HCM đã thông qua một số chế độ chính sách đặc thù, phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 886 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách của TP.HCM. Đến ngày 22/7, TP HCM công bố sau gần 2 tuần triển khai, đã hoàn tất chi hỗ trợ 1,5 triệu đồng đến tay mỗi người lao động tự do theo gói. Tại thời điểm đó, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM thông tin, hơn 281.000 người lao động tự do (đạt 100%) đã nhận hỗ trợ với số tiền hơn 422 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ gần 50.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc (đạt 61%) với tổng số tiền 61 tỷ đồng. Gần 5.000 hộ kinh doanh (đạt 99%) nhận hỗ trợ gần 10 tỷ đồng và hơn 10.000 điểm kinh doanh tại chợ truyền thống (đạt 80%) nhận hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng.

Cách thức hỗ trợ cho lao động tự do mà TP HCM triển khai là sau phê duyệt, chuyển thẳng tiền đến tài khoản người lao động, ai không có tài khoản sẽ được phát tiền mặt. Người dân để được nhận hỗ trợ, sẽ có bản khai (mẫu kê khai này do khu phố cấp), sau đó gửi trưởng khu phố, tổ dân phố. Phía khu phố sẽ chuyển các bản khai lên chính quyền phường/xã để họp hội đồng xét. Sau đó chính quyền quận/huyện/TP.Thủ Đức sẽ thẩm định gửi chính quyền TP.HCM phê duyệt. Khi có quyết định phê duyệt, chính quyền phường/xã sẽ ra quyết định hỗ trợ và tiền được chuyển, phát tới tận nhà, tới mỗi người. Nếu tính từ cả việc lấy danh sách, ra quyết định, hoàn tất thủ tục và tiền đến tay, được biết, tính trong vòng khoảng 3 tuần hoặc hơn thời gian đó.

Theo đó, có thể thấy câu chuyện hình thức giải ngân chuyển khoản hay phát tiền mặt dường như không phải là vấn đề mấu chốt. Mà vấn đề có lẽ nằm ở chỗ hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn triển khai dưới chủ trương chính sách, ban hành, sau đó là các cấp triển khai, phê duyệt khác. Khoảng thời gian này dài hơn rất nhiều so với thời gian giải ngân cụ thể để tiền đến tay người dân. Công đoạn lấy danh sách đối tượng thụ hưởng và trình lên, rất nhanh, tương tự cũng như khâu các quản lí địa phương thấp nhất có thể thực hiện là phát tiền.

Một chuyên gia cho rằng trong thời gian tổng thể từ chính sách – hướng dẫn – triển khai -phê duyệt của quy trình này thì khâu lấy danh sách người dân từ cấp quản lý địa phương thấp nhất là tổ dân phố, khu phố, không chiếm nhiều thời gian và thậm chí còn thể rút ngắn, đẩy nhanh hơn nữa do đây là cấp nằm trong lòng dân, nắm rõ thực tế từng người, từng hộ gia đình, từng đối tượng khó khăn ra sao. Thậm chí với nhiều đối tượng lao động tự do như người nhặt ve chai, bán vé số cư ngụ trên địa bàn, như ông Tấn thông tin, được đơn giản thủ tục và các cấp quản lý khu phố do dân bầu cũng nắm rõ. Chưa kể, năm 2020 chúng ta cũng đã triển khai gói 62.000 tỷ, một phần cho các đối tượng khó khăn, thất nghiệp, mất việc, đối tượng chính sách… nên “data” đã có sẵn, gần như không thay đổi, chỉ có nhiều thêm người nghèo, người khó khăn chứ không thể ít hơn vì COVID-19 đã kéo dài tác động đến nhiều lao động, gia đình trong suốt 2 năm qua. Điều đó cũng giúp để việc khai, lấy danh sách triển khai rất nhanh. Vì vậy, khâu cần đẩy nhanh hơn nữa, rút ngắn thời gian hơn nữa vẫn là từ bàn giấy đến ví dân - tức là xét thủ tục và phê duyệt.

Chốt kiểm dịch tại Xô Viết Nghệ Tĩnh - một trong những cung đường huyết mạch của TP HCM (ảnh: Lê Mỹ)

Chốt kiểm dịch tại Xô Viết Nghệ Tĩnh - một trong những cung đường huyết mạch của TP HCM (ảnh: Lê Mỹ)

Cũng vẫn câu chuyện ở TP Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất nước và nơi có nhiều người lao động tự do nhất cả nước; Vì sao TP HCM triển khai tiền mặt, song song chuyển khoản mà không là sử dụng phương thức nào khác?

 TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã nêu nhận định với báo chí rằng: "Nhiều người nghèo chưa có tài khoản ngân hàng nên phương án chuyển khoản sẽ chỉ khả thi với một bộ phận. Song, nhiều người trong số họ có điện thoại và điện thoại thông minh. Các phương tiện này giúp họ dễ dàng tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, app và đặc biệt là ứng dụng chuyển tiền qua điện thoại di động - mobile banking hoặc mobile money".

Điều này là hoàn toàn đúng, song với vai trò là một người dân thực tế TP Hồ Chí Minh, có lẽ vẫn cần bổ sung thêm rằng: Nhiều người nghèo, nhiều lao động tự do ở TP Hồ CHí Minh chưa sử dụng điện thoại di động thông minh, họ chỉ dùng các “cục gạch” có tính năng cơ bản nghe-gọi -nhắn tin, và các dòng các điện thoại này thì không cho phép tải các app ứng dụng chuyển tiền qua điện thoại di động, mobile banking, chưa biết có cho cài đặt / sử dụng mobile money thuận tiện được hay không. Riêng với mobile money, phải nói thêm hiện cũng mới chỉ được 3 Tập đoàn viễn thông lớn nhất nước nộp hồ sơ xin cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, theo Ngân hàng Nhà nước thông tin vào 15/7, tức chưa triển khai.

Bên cạnh đó, nếu không kể TP Hồ Chí Minh được xem đô thị phát triển và gần với công nghệ 4.0 nhất nhì nước, thì ở vùng quê, nhiều người dân cũng còn xa lạ với nhiều phương thức thanh toán điện tử, các ứng dụng chuyển -nhận tiền. Chị tôi, một cán bộ công chức ở một tỉnh miền Trung vừa nhắn tin hỏi thăm hôm nay: “Momo là gì? Chị thấy có tin nhắn hiển thị rút tiền từ Momo trên điện thoại con trai”. Momo là ví điện tử lớn nhất nước, công bố có 20 triệu người dùng vào quý 3/2020. Nhưng tôi biết đã và sẽ còn rất nhiều người chưa tiếp cận được Momo hay các loại ví khác. Bởi ví điện tử như được biết muốn kết nối, lại phải có tài khoản ngân hàng. Hẳn là nếu không khó khăn về tiếp cận công nghệ thanh toán, giao dịch tài chính như vậy, thì tín dụng đen, tín dụng trên các app cho vay không được cấp phép, các hội nhóm bốc hụi… đã không có điều kiện phát triển nhiều ở các vùng quê như thời gian qua.

Năm 2021, Merchant Machine công bố, Việt Nam xếp thứ hai trên toàn thế giới với 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. World Bank cũng đánh gía mức độ tiếp cận dịch vụ tài chính của Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung của các nước. Chính phủ Việt Nam năm 2020 cũng đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhưng ngay tại lúc này, dù thanh toán điện tử có bùng nổ, nhận thức, hành vi của người dân về sử dụng công nghệ trong thanh toán đã tăng lên cấp số nhân trong đại dịch, nhưng việc không phát tiền mặt cho dân mà chọn cách nào khác e rằng vẫn sẽ bất khả thi, nhất là để tiếp cận và hỗ trợ cho những đối tượng nghèo, khó khăn, cho khu vực lao động phi chính thức.

Cuộc

Cuộc "đào thoát" chưa từng có khỏi TP Hồ Chí Minh của hàng trăm người dân miền Trung trên phương tiện xe máy trong đại dịch COVID-19 (Trong ảnh: Người dân đói, khát tạm dừng trên đỉnh đèo Hải Vân -nguồn: Lực lượng CSGT cung cấp)

Theo các chuyên gia, quy mô gói hỗ trợ hiện nay là chưa đủ. TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nói với báo chí, kết quả thu ngân sách của Việt Nam năm vừa rồi vẫn tăng, không chỉ tăng so với năm ngoái và còn vượt dự toán. 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đã đạt trên 58% cả năm, tăng 14% so với năm ngoái. Với ngân sách như vậy có thể tính tới tăng hỗ trợ, cũng nên tăng các gói chi nhiều hơn.

Còn theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, gói cứu trợ nên được cấp với 3,4 triệu đồng/người. Gói này tương đương 5% GDP năm 2021, áp dụng cho cả nước trong bối cảnh phải áp dụng Chỉ thị 16 để chống dịch.

Không ít chuyên gia, doanh nghiệp, người dẫn đều đồng thuận cho rằng gói 26.000 tỷ đồng quy mô còn nhỏ, chưa thể đáp ứng và hỗ trợ được khó khăn của người dân trong cả nước, vốn đã bị suy yếu vô cùng bởi dịch lần thứ tư quá nặng nề, quá kéo dài, đánh úp cả tâm lý lẫn sức khỏe tài chính chỉ vừa mới gượng lại sau ba đợt dịch trước của nhiều cá nhân, nhiều tư doanh. Tin vui là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại kỳ họp Quốc hội mới đây đã cho biết, đang trình Chính phủ gói 24.000 tỷ đồng hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp.

Có thêm gói hỗ trợ thuế, phí thì quá tốt, quá mừng. Nhưng chúng tôi vẫn mong được hỗ trợ tiền tươi, tiếp sức đến tay doanh nghiệp, người lao động. Chúng tôi không mong Chính phủ sẽ được giải ngân kiểu tiền “helicopter money” (tiền trực thăng) như nước khác hay trong một đêm là…ting ting có tiền vào tài khoản, vì đất nước mình còn khó khăn, nguồn lực còn yếu, còn phải nhìn tương lai xa, phải cân đối năng lực giữ vững, ổn định giữa các biến số kinh tế, về trả nợ công, về cơ hội hồi phục… nhưng chúng tôi đề bạt là các cơ quan chức năng nên xem xét đã xét được gói nào, thì hãy giải ngân hết, hiệu quả gói đó, không khó khăn cho doanh nghiệp, đừng chậm trễ cho dân. Ví dụ như ngoài gói 26.000 tỷ đồng, thì gói 7.500 tỷ cho vay trả lương người lao động, hãy giải ngân sớm nhất và đơn giản thủ tục tối đa!”, một doanh nghiệp chia sẻ với DĐDN.

Cuối cùng, quay lại với câu chuyện gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TP HCM, trong đó đã giải quyết được 1 phần cho những người lao động tự do và các đối tượng khác; Gói hỗ trợ theo ngân sách địa phương này đã phần nào được cập nhật. Còn gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành cho cả nước, TP HCM có kế hoạch giải ngân song song, thì hiện tại ngay trên vùng đô thị mà trước thời dịch có 300.000 doanh nghiệp hoạt động với hàng trăm ngàn người lao động chính thức lẫn tự do, vẫn chưa có nhiều thông tin công bố đã giải ngân tỷ lệ bao nhiêu, bao nhiêu đối tượng nhận được tiền, nhận được bao nhiêu. Trong khi đó, để tiếp tế cho một Thành phố phồn hoa bậc nhất trước đây, hàng ngàn tấm lòng tử tế vẫn đang miệt mài “Đong gạo yêu thương”, đóng góp những “Hạt vừng” trân quý trên mạng xã hội để quyên thêm máy oxy, thêm bữa cơm, thêm túi rau… đến các địa chỉ “vùng đỏ” trên khắp 22 quận huyện TP Hồ Chí Minh. Buồn hơn, đau đớn hơn, dòng người rời khỏi TP HCM bằng mọi phương tiện mà họ có thể tự lo để mong tìm về nương tựa chốn quê, mong tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh, nỗi lo đứt bữa, tiền trọ nhà thuê… vẫn đang tiếp tục dài ra, bất chấp hiểm nguy, đói khát trên đường di chuyển.

Ngoài TP HCM, đến lúc này đây, nhiều tỉnh thành phía Nam trên cả nước hay Thủ đô cũng đã  áp dụng Chỉ thị 15, 16. Nhiều nẻo đường trong nội đô, ngoại thành ở các địa phương đã im vắng qua bao ngày. Những con đường im vắng nhưng lòng dân không hoang vắng. Dân vẫn mong nhiều lắm về gói hỗ trợ lớn, phù hợp năng lực chia sẻ và cân đối tài chính của quốc gia trên cơ sở ưu tiên tính mạng, an toàn cho dân, không để dân đứt bữa. Càng mong tiền được phát đến tận tay mỗi người đang khó khăn, tiếp oxy cho mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, nhanh nhất có thể!

Bài: LÊ MỸ - Thiết kế: Thùy Linh