Hiến kế giải pháp bổ sung hỗ trợ vượt COVID-19: Lo..."cái bụng" toàn dân trước!
Chính phủ hỗ trợ tiền mặt là giải pháp hay nhất, linh hoạt nhất, cần chứng tỏ rằng, Nhà nước sẽ chăm lo được nhu cầu thiết yếu cho người dân trong vòng 6 tháng để đối phó với dịch bệnh...
Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 5197/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về thực hiện một số giải pháp thu ngân sách Nhà nước trong năm 2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, hoàn thiện đề xuất hỗ trợ theo theo trình tự thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng trước ngày 10/8/2021 để xem xét, quyết định.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua, trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện... bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; lưu ý lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.
Trước đó, dựa trên tình hình thực tế các doanh nghiệp, người dân đang gặp nhiều khó khăn, do tác động từ làn sóng dịch COVID-19 quay trở lại, Bộ Tài chính đã nghiên cứu kỹ lưỡng, trước khi trình Chính phủ về gói hỗ trợ COVID-19 mới liên quan tới thuế, phí, ước khoảng 24.000 tỷ đồng.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, các địa phương áp dụng quy định nghiêm ngặt theo Chỉ thị của Chính phủ ban hành, nhưng vẫn có rất nhiều người đi ra đường, đơn giản vì họ còn phải lo sinh kế. Điều đó, phải chăng đang phản ánh chính sách của thành phố cũng như của cả nước dường như vẫn chưa đủ “đô”, hoặc vẫn chưa đủ bao phủ cho tất cả các nhóm đối tượng.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng đánh giá, gói 26.000 tỷ đồng mà Chính phủ mới ban hành ngày 29/6, trong đó có hai đối tượng được hưởng là người lao động mất việc và các doanh nghiệp muốn duy trì lực lượng lao động được vay với lãi suất bằng 0. Tuy nhiên, tại thời điểm này, sau 3 tuần triển khai, thì kết quả cụ thể như thế nào vẫn chưa rõ ràng.
Điểm đáng chú ý là gói hỗ trợ có yêu cầu các doanh nghiệp muốn được vay, thì phải là những doanh nghiệp không nằm trong nhóm nợ xấu của ngân hàng, tức là nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5. Vậy có thể hiểu, doanh nghiệp muốn vay tiền phải có điểm tín dụng tốt, còn đã thuộc nhóm nợ xấu thì không được tiếp cận, vì không có khả năng trả nợ. Nhưng thực chất, đối tượng được hưởng chính là người lao động, vì doanh nghiệp dùng tiền đó để trả lương và giữ chân người lao động, chứ doanh nghiệp không được hưởng.
“Mặc dù, với gói hỗ trợ này, các thủ tục hành chính đã được cắt giảm nhiều, thời gian xét đơn ngắn, chứng tỏ thiện chí của Chính phủ cũng như các địa phương đều rất cao trong công tác hỗ trợ. Song, nói là một chuyện, hành động mau chóng mới là điều cấp thiết, ngoài vấn đề về tiền, thì doanh nghiệp cũng không còn thì giờ để chờ đợi, trong khi người dân đang chật vật lo sinh kế từng ngày”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết, các gói hỗ trợ của Chính phủ đang gắn liền với hai chủ thể là doanh nghiệp và người lao động, sự gắn liền đó dẫn đến việc không an dân.
Nếu coi người dân bị thất thế trong sinh kế là quan trọng, thì phải hỗ trợ bằng bất cứ mọi giá mà không gắn với doanh nghiệp. Còn đối với các doanh nghiệp, có thể chưa sa thải người lao động ngay, nhưng vẫn phải để người lao động tạm nghỉ ở nhà và có hỗ trợ sau, thì đó là tầng hỗ trợ thứ hai từ doanh nghiệp. Nếu gắn hai việc này lại mà không khéo, sẽ sinh ra các thủ tục hành chính phiền hà.
Vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh đã làm rất tốt khi hỗ trợ người lao động tự do, nhưng danh mục này mới chỉ có 300.000 người, trong khi người dân ở đây có hàng triệu lao động nhập cư từ các địa phương khác và họ vẫn phải đi làm việc, hoặc phải chạy ngược về các tỉnh tránh dịch.
Thảo luận về giải pháp hỗ trợ, TS. Huỳnh Thế Du nhấn mạnh, trong kinh tế học, “tiền mặt là vua” và mang lại giá trị lớn nhất cho người thụ hưởng, nên trong trường hợp này, Chính phủ cứ hỗ trợ tiền mặt là giải pháp hay nhất, linh hoạt nhất. Cần chứng tỏ rằng, Nhà nước sẽ chăm lo được nhu cầu thiết yếu, nhu yếu phẩm cho người dân trong vòng 6 tháng đối phó với dịch bệnh. Vì vậy, phải tính toán một khoản hỗ trợ bằng tiền mặt, tương đương với 6 tháng nhu yếu phẩm, tương đương 567.000 đồng/tháng/người, khoảng 3,4 triệu đồng/6 tháng. Con số này nhân lên với dân số cả nước sẽ tương đương với 5% GDP của Việt Nam trong năm 2021, để đảm bảo người dân ở nhà, cho đến khi dịch bệnh được đẩy lui.
Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất, Việt Nam muốn thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế và chống dịch, nhưng sẽ không thể phát triển kinh tế nếu không kiểm soát được dịch bệnh. Vì vậy, cần ưu tiên chống dịch hơn cả
“Theo tôi, mỗi người dân phải được hỗ trợ ít nhất 1 triệu đồng/ tháng, trong thời gian 6 tháng, để mọi người yên tâm ở nhà. Vậy đối tượng nào được chọn lọc để hưởng ưu đãi, thì mỗi phường, quận phải có một hội đồng quản lý khu dân cư lên danh sách của những người mất công ăn việc làm, gặp khó khăn để hỗ trợ được thiết thực, sát sao.
Và tiền đâu để làm việc này? Chính phủ Việt Nam đã đến lúc phải in tiền, đây không phải là lúc lo về lạm phát, về chính sách tiền tệ, mà phải lo “cái bụng” của toàn dân trước”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Hóa giải điểm nghẽn
11:30, 31/07/2021
Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: “Chúng tôi cần tiêu chí cụ thể”
04:50, 31/07/2021
[Infographic] Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Sẵn sàng giải ngân gói 7.500 tỷ đồng
17:10, 29/07/2021