Bổ sung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều khoản thuế giảm sâu
Ngoài đề xuất giảm 30% thuế TNDN, 50% thuế phải nộp đối với hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, báo cáo về giải pháp giảm tiền thuê đất cho năm 2021.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Việc ban hành các giải pháp hỗ trợ cần đạt được các mục tiêu, yêu cầu như: Đảm bảo các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng, trúng đối tượng nhằm giúp doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước; Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật về thuế; Đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã nêu ra 4 giải pháp theo nội dung dự thảo Nghị quyết đang được xây dựng, bao gồm:
Thứ nhất, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020.
Thứ hai, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Thứ ba, giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ.
Thứ tư, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVIID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
Về đề xuất các gói hỗ trợ và các chính sách, giãn, hoãn, miễn giảm thuế phí, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp lên tiếng. Theo trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, mặc dù rất khó để tạo được cân đối trong hệ thống y tế để kiểm soát dịch và duy trì hoạt động kinh tế. Nhưng Chính phủ cần đảm bảo được tính kháng chịu về mặt nguồn lực, đặc biệt là vấn đề tài chính.
“Nếu một doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không được hỗ trợ tài chính, thì chỉ có thể ngưng sản xuất, hoặc tiếp tục sản xuất mà lách các quy định phòng chống dịch sẽ gây nhiều rủi ro.
Trong khi, kết quả thu ngân sách của Việt Nam vẫn tăng, không chỉ tăng so với năm ngoái và còn vượt dự toán. 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đã đạt trên 58% cả năm, tăng 14% so với năm 2020. Với ngân sách như vậy có thể tính tới tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp, không chỉ hoãn nộp thuế mà có thể giảm. Về chi, cũng nên tăng các gói chi nhiều hơn”, ông Nguyễn Xuân Thành bày tỏ.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vừa qua, ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội cũng đã đề xuất, cần giảm thuế đất hằng năm phải nộp cho năm 2021 để bù đắp cho doanh nghiệp, vì các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngưng, thì sẽ không có hoạt động gì mà vẫn bị thu thuế.
Đối với việc thu thuế đất, Ông Nguyễn Quốc Hưng cũng cho biết: “Theo dự tính, việc thực hiện các giải pháp đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng, nhưng Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp giảm tiền thuê đất cho năm 2021”.
Như vậy, trước tình hình cấp bách của dịch bệnh đang diễn ra, Nhà nước đã tích cực ban hành các chính sách hỗ trợ và kiên định với mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mọi nguồn lực hỗ trợ hiện nay đều cần được triển khai nhanh, mạnh và quyết liệt để đảm bảo an dân và sớm phục hồi về mọi mặt.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ “Giải cứu” doanh nghiệp bằng việc chỉ giảm thuế: Liệu có đủ?
20:08, 18/04/2021
Miễn, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ
22:18, 15/01/2021
COVID-19: Không nên giảm thuế cho tất cả doanh nghiệp
05:00, 20/09/2020
Gói hỗ trợ lần 2: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thay vì giảm thuế thu nhập
11:00, 15/09/2020