Quản lý thuế sẽ kết nối với máy tính tiền các điểm bán lẻ 24/7
Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, kết nối máy tính tiền từ các điểm bán với cơ quan thuế 24/7, sẽ giúp mục tiêu quản lý thuế nhanh, gọn và chính xác hơn.
Mới đây, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Trong đó, có nội dung yêu cầu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền, có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, dự kiến áp dụng từ tháng 7/2022.
Số hoá quản lý thuế
Dự thảo Thông tư quy định như sau:
Thứ nhất, các tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử phải có ít nhất 5 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, có tối thiểu 10.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử hoặc dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử tính đến thời điểm gửi văn bản đề nghị ký hợp đồng Tổng cục Thuế, có tối thiểu 20 nhân sự trình độ Đại học chuyên ngành về CNTT, và có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng với giá trị trên 5 tỷ đồng.
Thứ hai, hệ thống cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử kết nối với Tổng cục Thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Thời gian dừng cung cấp dịch vụ không quá 24 giờ trong 1 năm.
Thứ ba, Cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để chỉ đạo, kiểm soát Chi cục Thuế trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thứ tư, Chi cục Thuế có trách nhiệm khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, được khởi tạo từ máy tính tiền, để kiểm soát việc kê khai doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đảm bảo phù hợp với các yếu tố chi phí trong kỳ khai thuế.
Về giải pháp, máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là thiết bị điện tử đồng bộ hay một hệ thống nhiều thiết bị điện tử được kết hợp với nhau bằng một phần mềm bán hàng có chức năng chung như: Tính tiền, lưu trữ các thao tác bán hàng, số liệu bán hàng, in hóa đơn, tra cứu giao dịch, báo cáo giao dịch và được kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo định dạng chuẩn bằng phương thức điện tử.
Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, được cấp mã của cơ quan thuế theo tiêu chuẩn hệ thống cấp mã của Tổng cục Thuế.
Về đối tượng áp dụng, là các tổ chức, cá nhân (không bao gồm hộ khoán) hoạt động trong lĩnh vực trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi - giải trí, đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng…
Riêng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trong trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để lập hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy do Cục Thuế đặt in trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.
Chống thất thu triệt để
Trước đó, quy định về việc khởi tạo hóa đơn điện tử bằng máy tính tiền, nếu máy tính tiền kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, đã được đề cập trong dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 năm 2019.
Trao đổi trên báo chí, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế ) đã cho biết, việc kết nối này nhằm kiểm soát tốt hơn doanh thu và số thuế phải nộp của các đơn vị kinh doanh. Đặc biệt, các đối tượng áp dụng như: trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi – giải trí, đại lý bán lẻ hàng tiêu dùng…, là những lĩnh vực kinh doanh liên quan đến cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. Những lĩnh vực kinh doanh này được đánh giá là có rủi ro trong quản lý doanh thu bán lẻ.
Hiện nay, với nền tảng công nghệ phát triển, Việt Nam cũng là quốc gia có mức độ chuyển đổi số nhanh và sâu rộng, các cơ sở kinh doanh phần lớn đã xây dựng cơ sở dữ liệu cho riêng mình, không chỉ tiện lợi cho việc bán hàng mà còn kiểm soát hàng hoá tốt hơn. Từ đó, các phần mềm trên hệ thống quét mã hàng sẽ lập tức cho biết chính xác loại hàng hoá bán ra, giá thành sản phẩm, mức thuế phải chịu... chính xác ở thời gian thực.
Từ những tiện ích sẵn có ở các cơ sở như vậy, cơ quan thuế sẽ dễ dàng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ và kết nối tới các điểm bán, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng..., để quản lý nhanh, gọn, chính xác hơn.
Theo vị đại diện Vụ Quản lý thuế, đã có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng phương pháp này hiệu quả, Việt Nam cũng cần triển khai để bộ máy vận hành sớm đạt hiệu quả, chuyên nghiệp, cũng như khắc phục các điểm yếu.
“Với phương pháp này, những người kinh doanh chân chính sẽ sẵn sàng kết nối vì tính minh bạch và rút gọn được thời gian khi làm việc với cơ quan thuế. Bởi chi phí thực tế về thuế không lớn so với các chi phí khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, họ muốn minh bạch chi phí về thuế mà không phải lo lắng gì về thuế nữa để có thời gian tập trung sản xuất kinh doanh”, vị đại diện cho biết.
Việc số hoá các nền tảng quản lý thuế đã được cơ quan thuế đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, tuy nhiên sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định, để thực hiện công tác này.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin...
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại rủi ro trong dự thảo Thông tư quản lý thuế
04:00, 08/04/2021
Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế: Một số quy định chưa phù hợp và thiếu thống nhất
04:00, 07/04/2021
Quản lý thuế đối với giao dịch “lan đột biến” như thế nào?
18:09, 26/03/2021
Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
03:30, 09/12/2020