Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế GTGT dự án BOT ra sao?
Chính sách lãi vay bất cập và không được hoàn thuế GTGT với hoá đơn đầu vào sau ngày dự án đưa vào hoạt động, khiến nhà đầu tư dự án BOT thiếu hụt dòng tiền, không đảm bảo chi phí vận hành, hoạt động.
Khó khăn kéo dài
Theo thông tin mới nhất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), về vướng mắc chính sách lãi vay và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS. TS. Trần Chủng cho biết, vừa qua, một số doanh nghiệp đã có đề nghị Hiệp hội tổng hợp thông tin báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, nhằm giúp đỡ tháo gỡ vướng mắc, tại các dự án đầu tư hạ tầng giao thông BOT. Trong đó có hai vấn đề nổi cộm, bao gồm:
Thứ nhất, về chính sách phân bổ, hạch toán lãi vay đối với Dự án BOT gây bất lợi cho doanh nghiệp, do vốn đầu tư công trình lớn, trong khi chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Nhưng chi phí lãi vay trong các năm đầu khi dự án mới đưa vào vận hành cao do số dư tính lãi lớn, ngược lại doanh thu các năm sau mới tăng dần nhờ lưu lượng xe, tăng giá vé theo lộ trình,…
Thứ hai, về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Dự án đầu tư. Mặc dù đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả, nhưng dòng tiền vào dự án gặp vướng mắc, phát sinh từ việc không được hoàn thuế GTGT.
Cụ thể, các hóa đơn đầu vào phục vụ cho hoạt động đầu tư xây dựng dự án phát sinh sau ngày dự án đưa vào hoạt động thu phí, thì không được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, do công tác nghiệm thu thanh quyết toán kéo dài, nên sau khi dự án đưa vào sử dụng, khối lượng thi công các nhà thầu mới hoàn thiện hồ sơ và xuất hóa đơn được.
Vì vậy, chủ đầu tư dự án có nguy cơ phải thực hiện bù trừ trong thời gian dài nếu không được hoàn thuế. Điều đó dẫn đến thiếu hụt dòng tiền và phát sinh thêm lãi vay cho doanh nghiệp, không đảm bảo chi phí vận hành để duy trì hoạt động lưu thông.
Đến nay, cả nước có 107 trạm thu phí thuộc thẩm quyền Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, Đến nay, mới có 6/66 trạm thu phí được áp dụng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT.
Về doanh thu phí, ngoài một số dự án có mức tăng trưởng doanh thu tốt, đa số các dự án có doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.
Giải pháp nào gỡ vướng?
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT là do ngành ngân hàng tài trợ. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ lệ nợ xấu của dự án BOT, BT giao thông liên tục tăng nhanh.
Điều này khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi cho vay đầu tư các dự án BOT vì trần tín dụng cho lĩnh vực này sắp cạn. Chưa kể, nguồn vốn cho vay dự án BOT chủ yếu là ngắn hạn, theo quy định 40% nguồn vốn ngắn hạn ngân hàng được phép dùng cho vay dài hạn với BOT, nhưng trong vòng 3 năm tới, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 37%, 34% và 30%.
Có thể thấy, quy mô vốn cho vay dự án BOT giao thông và cao tốc rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, trong cơ cấu vốn, các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn mà phải cho vay trung dài hạn, mỗi dự án từ 10-15 năm như BOT thì cũng là một bài toán khó, đặt ra vấn đề về chỉ số an toàn vốn.
Trả lời trên báo chí, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng ADB cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư cần có quy trình nghiêm ngặt để đánh giá năng lực, khả năng triển khai dự án. Bên cạnh đó, phải bình đẳng giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư, để tăng độ hấp dẫn và thu hút các nguồn từ nước ngoài.
“Muốn thu hút đầu tư, phải tạo được môi trường thuận lợi, đặc biệt trong khối tư nhân. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn vay từ ngân hàng thì chưa đủ, vì nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là nguồn ngắn hạn, trong khi nguồn vốn của các dự án BOT lại là các nguồn dài hạn và nhu cầu rất lớn”, ông Đào Việt Dũng cho biết.
Để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, VARS đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài Chính quan tâm giải quyết một số nội dung, sớm ban hành thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, để Nhà đầu tư BOT được ghi nhận, phân bổ chi phí lãi vay các dự án BOT tránh kéo dài gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
PGS. TS. Trần Chủng nhấn mạnh: “Tại hợp đồng dự án được các bên ký đã thống nhất, phải đảm bảo lợi nhuận hằng năm theo tỷ suất sinh lời trong suốt vòng đời của dự án. Dù bất cập trên đã tồn tại từ lâu, Bộ Tài Chính cũng đã tiến hành lấy ý kiến các Bộ ,ngành từ năm 2018 để điều chỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Cần có biện pháp để phù hợp với bản chất của dự án BOT và chuẩn mực tài chính quốc tế, cũng là tạo động lực cho nhà đầu tư tiếp tục hoạt động”.
Bên cạnh đó, cần sớm giải quyết việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với những hóa đơn phát sinh cho doanh nghiệp BOT, sau thời điểm đưa dự án vào khai thác.
Trước những kiến nghị trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị của VARSI, đề xuất xử lý, tháo gỡ, hoàn thiện quy định pháp luật, có văn bản trả lời cho hiệp hội, doanh nghiệp được biết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 8/2021.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ dừng thu phí dự án BOT nếu để đường hư hỏng không sửa chữa
15:13, 10/06/2021
Dự án BOT tắc vốn bảo trì: Đường xuống cấp ai sửa?
11:00, 17/04/2021
Bộ GTVT “bêu tên” dự án BOT không báo cáo tiền thu phí
18:29, 27/01/2021
Không nên dùng ngân sách mua lại các dự án BOT
04:00, 15/10/2020