TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Cơ chế pháp quy cho đóng góp xã hội của doanh nghiệp

AN ĐỊNH 02/10/2021 17:25

Việc Vingroup bị quy chụp “trục lợi" từ thầu nhập kit test COVID-19 giá cao, cho thấy vẫn còn khoảng trống cơ chế pháp quy để đảm bảo minh bạch và các giá trị đóng góp xã hội của doanh nghiệp.

Trong những ngày gần đây, dư luận xôn xao về thông tin Bộ Y tế chỉ định thầu cho Vingroup mua hàng chục triệu test COVID-19 với giá cao. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Quang (Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup) khẳng định Vingroup đã ứng tiền mua 15 triệu bộ test theo đề nghị từ Bộ Y tế, hoàn toàn không thu lợi bất cứ đồng nào, thậm chí còn bù đắp chi phí để cung ứng với giá tốt nhất thị trường.

30 máy xét nghiệm COVID-19 là một trong số các hiện vật, hiện kim

30 máy xét nghiệm COVID-19 là một trong số các hiện vật, hiện kim với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã được Vingroup trao tặng trong đại dịch

Theo ông Quang, vào thời điểm dịch bệnh leo thang cần khẩn cấp các bộ kit test, Bộ Y tế đã vận động các doanh nghiệp tự ứng kinh phí ra nhập khẩu về để chuyển giao lại cho Bộ với giá phi lợi nhuận, song song Bộ sẽ làm các thủ tục mua sắm đấu thầu để tiết kiệm thời gian. Có thể hiểu rõ ra là doanh nghiệp được vận động ứng trước tiền để hỗ trợ Bộ nhập sinh phẩm y tế, không có chuyện chỉ định thầu.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn cũng bộc bạch, với tinh thần lăn xả chống dịch ngay từ những ngày đầu, Vingroup đã từng chủ động mua hơn 20 triệu bộ test về tặng hoàn toàn miễn phí cho rất nhiều đơn vị, địa phương như Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, TP. HCM, Long An, Khánh Hòa, Kiên Giang… “Vì thế, khi Bộ vận động, Vingroup lập tức triển khai ngay không hề toan tính gì. Bộ xác định nhu cầu trước mắt cần tối thiểu 25 triệu bộ kit test, nhưng chúng tôi mới tìm mua được 15 triệu bộ với giá tốt nên mới chỉ ký được hợp đồng mua 15 triệu. Theo thỏa thuận ban đầu với Bộ Y tế giá cả mua sao chuyển giao vậy, chúng tôi không lấy lãi 1 đồng nào trong giao dịch này", ông nói.

Trên thực tế, nếu nhìn xuyên suốt cả quá trình chống dịch từ đầu 2020 đến nay, xâu chuỗi các nỗ lực của Vingroup cũng như các tập đoàn đi đầu đã xông xáo đồng hành cùng Chính phủ trong công tác chống dịch, có lẽ sẽ không quá khó để nhìn thấy được những đóng góp của Vingroup nói riêng và các Tập đoàn nói chung đối với xã hội và nền kinh tế. Có thể điểm sơ một số các đóng góp xã hội của Tập đoàn Vingroup như sau:

Tháng 2/ 2021, Vingroup trao tặng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế kinh phí là 20 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC. Đến giữa tháng 8/2021, Vaccine COVIVAC đã bước vào giai đoạn thử nghiệm 2 và theo các nhà khoa học, nếu đánh giá tốt, tháng 12 năm nay sẽ có kết quả ban đầu của giai đoạn 3. Vaccine chứng minh được độ an toàn, tính sinh miễn dịch cao, bước đầu thể hiện rõ hiệu quả thì có thể đề xuất Hội đồng Đạo đức xem xét cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.

Tháng 5/2021, Tập đoàn Vingroup đi đầu trao tặng 4 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19, trong bối cảnh vaccine về Việt Nam đang hết sức khan hiếm.

Tháng 6/2021, Vingroup trao tặng Bộ Y Tế 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test với tổng giá trị hơn 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD).

Tháng 8/2021, Vingroup , qua CTy Thành viên VinBioCarre, đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19. Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022, mang đến niềm hy vọng về vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA “made in Vietnam”.

Đóng góp ủng hộ Quỹ mua vaccine COVID-19, tài trợ hơn 2.000 máy thở chức năng cao cấp, ngoài việc hỗ trợ về trang thiết bị y tế, Tập đoàn Vingroup còn có lực lượng giúp Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm PCR với toàn bộ đội ngũ y, bác sỹ; sinh phẩm, máy móc thiết bị do Bệnh viện Vinmec thực hiện, "chia lửa" cho Thành phố những ngày chống dịch căng thẳng nhất. 

Đầu tháng 8/2021, lô đầu tiên thuốc Remdesivir trong số 500.000 lọ mà tập đoàn Vingroup đặt mua để trao tặng cho Bộ Y tế nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19 đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất - TP Hồ Chí Minh. Đây là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ 22/10/2020. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Với uy tín, khả năng của mình, Vingroup đã thành công trong tiếp cận đàm phán, tiếp nhận thuốc để trao tặng, góp sức cho Việt Nam trong nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19. 

Tính đến hết tháng 8/2021, Vingroup đã chủ động mua và tặng cho các vùng dịch nặng hơn 20 triệu kit test như ông Quang đã nêu.  Đây có lẽ là con số kit tets lớn nhất, cũng là sự nối tiếp những loạt đóng góp trị giá lớn nhất mà một Tập đoàn đã trao tặng trong suốt giai đoạn vừa qua.

Đại diện Vingroup cũng cho biết ở thời điểm họ mua hàng chục triệu kit test để trao tặng này, có lúc giá cao hơn rất nhiều so với giá họ đang nhập về chào bán. Mức giá cụ thể trên hóa đơn, mua ở đơn vị phân phối nào trong nước, được Vingroup sẵn sàng thông tin công khai.

Chưa kể cũng là câu chuyện kit test, trong 15 triệu bộ nhập và đang chào bán cho các địa phương và đơn vị trong nước theo đúng quy định về đấu thầu, Vingroup đã phải bù lỗ cho các địa phương với giá mua 61.000 đồng, cung cấp ở mức giá 44.000 đồng/ kit test.

Một chuyên gia cho rằng việc các sinh phẩm y tế vật tư tiêu hao tại các nhà sản xuất, cung ứng quốc tế dao động và thay đổi giá cả ở những thời điểm khác nhau là chuyện hết sức bình thường mà hoàn toàn mang tính thị trường, cầu cao cung thấp thì giá có thể đẩy lên cao và ngược lại. Do đó tùy từng thời điểm đặt hàng mà mức giá mua có thể khác nhau, qua các nhà phân phối theo đó cũng là khác nhau. Khó có thể yêu cầu doanh nghiệp “đóng chết” trong một khung giá quy định hoàn toàn và vì vậy giá cả thay đổi hoặc có sự chênh lệch nhất định là hoàn toàn dễ hiểu.

Hợp tác của VinBioCare mở ra chương hy vọng Các nhà khoa học của Arcturus Therapeutics (Mỹ) nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm

Hợp tác của VinBioCare với Arcturus Therapeutics mở ra chương hy vọng về về vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA “made in Vietnam vào 2022 (ảnh: Các nhà khoa học của Arcturus Therapeutics (Mỹ) nghiên cứu vaccine trong phòng thí nghiệm)

Có thể thấy trên mặt trận phòng chống dịch, Vingroup đã luôn tiên phong đi đầu "xắn tay áo" tài trợ, hỗ trợ với mọi dự án, mọi hoạt động từ dự án sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy móc – hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch... Tạm thống kê số tiền lên tới trên 1.277 tỷ đồng trong năm 2020.

Trước đó, vào đầu năm 2020, thông qua Quỹ Đổi mới sáng tạo (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn), Tập đoàn Vingroup cũng đã tài trợ 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19). Chương trình nhằm đẩy mạnh các biện pháp khẩn cấp phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh báo sớm, hướng tới chăm sóc, điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 3 đơn vị nhận được tài trợ gồm: Công ty TNHH Một Thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng.

Riêng số tiền tài trợ, đóng góp cho xã hội cộng đồng trong 2021, Tập đoàn này chưa "tính đếm”.

Ở góc độ làm ăn, sòng phẳng mà nói, bài toán tài chính của việc “nhập kit test giá cao trục lợi” trên tổng của giá trị một hợp đồng nhập kit test, theo đó không thể thực sự là món “lợi lộc” hấp dẫn gì so với những khoản tiền tươi thóc thật mà Tập đoàn đã bỏ ra cho công tác chống dịch. Hay nói cách khác là một Tập đoàn đã bỏ ra được hàng ngàn tỷ đồng để đóng góp cho xã hội, thì sẽ không đánh đổi danh tiếng của mình để trục lợi các khoản nhỏ nhặt như vậy. Hơn thế trong khi trên thực tế họ lại không hề được lợi gì, đang bù lỗ. Cũng như, trong nhiều năm qua, họ đã có các đóng góp xã hội xuyên suốt, bao gồm những hoạt động thầm lặng như quỹ Thiện Tâm ra đời năm 2006, đến nay đã có 10.210 tỷ đồng được chia sẻ tới cộng đồng.

Chúng tôi rất phẫn nộ trước những quy chụp cho rằng Vingroup trục lợi từ việc này. Đó là những quy chụp hồ đồ và thiếu lương tâm với tâm huyết chống dịch từ trước đến nay của chúng tôi cũng như của các doanh nghiệp khác”, ông Nguyễn Việt Quang bộc bạch và cũng không ngần ngại khẳng định Vingroup luôn minh bạch, “Khi hành động vì cộng đồng với tâm sáng, chúng tôi không thấy có sức ép nào cả”.

Có lẽ, câu chuyện bị quy chụp của Vingroup đâu đó, cũng đã và đang là hiện tượng trong xã hội khi không ít người cho rằng phía sau các hành động thiện nguyện của các Tập đoàn, doanh nghiệp, là có mục đích “nào đó”. Hiện tượng này, một phần nào cho thấy còn có khoảng trống trong cơ chế pháp quy đối với hoạt động đóng góp xã hội, thiện nguyện, phi lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật Thuế, khi hạch toán chi phí tài chính doanh nghiệp, các khoản chi cho hoạt động từ thiện (như giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai,...) thì được coi là chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Nhưng ngoài quy định đó để hạch toán chi phí cho doanh nghiệp, thì vẫn còn rất nhiều khoảng hở trong vận hành tương tác hệ thống giữa doanh nghiệp và các tổ chức, các nhân nhận tài trợ đóng góp. Và với những gì đã diễn ra trong dịch COVID-19 vừa qua, đã chứng minh vai trò của các doanh nghiệp, các Tập đoàn, tổ chức kinh tế, những thành phần đã đi đầu sẻ chia để cùng nền kinh tế vượt dịch, vai trò đó của họ trong công tác này hiện nay và tương lai chắc chắn vẫn vô cùng quan trọng.

Vì vậy, nhằm đảm bảo sự minh bạch và bảo vệ cho những đóng góp chính đáng của doanh nghiệp vào công tác này, rất cần có những quy định, cơ chế pháp quy rõ ràng, vừa để doanh nghiệp yên tâm khi thực thi trách nhiệm xã hội, không bị quy chụp, khiến “tụt nhiệt huyết” cống hiến của họ, cũng vừa để tránh khoảng mờ thông tin cho các dư luận tiêu cực tồn tại; trên hết là cần cả cơ chế khuyến khích để kích thích, nuôi dưỡng, tạo sự công bằng trong tiếp nhận cống hiến cho những tấm lòng Mạnh Thường Quân yêu nước. 

Có thể bạn quan tâm

  • Vingroup hợp tác Google Cloud về chuyển đổi số toàn diện

    Vingroup hợp tác Google Cloud về chuyển đổi số toàn diện

    16:15, 23/09/2021

  • Vingroup tài trợ 11 tỷ đồng học bổng cho Postdoc ngành Khoa học – Công nghệ

    Vingroup tài trợ 11 tỷ đồng học bổng cho Postdoc ngành Khoa học – Công nghệ

    11:50, 13/09/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine đến năm 2025

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine đến năm 2025

    18:30, 01/10/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung kinh phí mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bổ sung kinh phí mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19

    19:15, 29/09/2021

AN ĐỊNH