Trung Quốc tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng sau "cú sốc" Evergrande
Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường bảo vệ hệ thống tài chính do Nhà nước kiểm soát, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, đồng thời có dấu hiệu suy giảm đà tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, 19 ngân hàng được mệnh danh là các ngân hàng quan trọng của Trung Quốc (D-SIB) sẽ được yêu cầu tăng vốn từ 0,25-1 điểm phần trăm. Các nhà phân tích cho biết, các quy định chặt chẽ hơn này sẽ tăng cường khả năng chống rủi ro của các ngân hàng đó, đồng thời giúp duy trì sự ổn định tài chính.
Còn các ngân hàng cấp trung bình đến cấp thấp hơn, sẽ phải đối mặt với những thay đổi chính sách lớn như phải bổ sung thêm các bộ đệm yêu cầu, khi Ngân hàng Trung ương tăng cường giám sát các tổ chức cho vay của Trung Quốc.
Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered nhận định, đó là dấu hiệu của việc tăng cường quy định và nó sẽ mở đường cho các ngân hàng giải quyết những vấn đề cụ thể của họ.
Quy định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/12 tới đây và được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về rủi ro tài chính có thể lan rộng trên các thị trường, đặc biệt khi nhà phát triển bất động sản như Evergrande đang quay cuồng với một cuộc khủng hoảng nợ lớn.
Các yêu cầu về vốn, tỷ lệ đòn bẩy và tuân thủ chặt chẽ hơn đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc đồng công bố. Các cơ quan quản lý cho biết tất cả 19 ngân hàng được chia thành bốn cấp dựa trên mức độ quan trọng và có 5 hạng, nhưng không có ngân hàng nào trong số này xuất hiện ở hạng thứ 5.
Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh “Big Four” bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc xuất hiện ở bậc thứ tư. Chỉ định đó có nghĩa là họ phải đối mặt với yêu cầu vốn bổ sung là 1 điểm phần trăm, điều này nhằm đảm bảo họ có nhiều tiền mặt hơn và cho vay ít hơn. Đồng thời tạo ra một vùng đệm lớn, để kiểm soát tác động của bất kỳ sự kiện “thiên nga đen” nào về tài chính có thể xảy ra.
Thực tế, 4 ngân hàng lớn này đã có vốn đệm từ 1-1,5 điểm phần trăm, vì vậy họ sẽ không phải thực hiện quá nhiều thay đổi. Riêng 15 ngân hàng còn lại, bao gồm 2 ngân hàng quốc doanh thuộc sở hữu Nhà nước, 9 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 ngân hàng thương mại thành phố phải đối mặt với yêu cầu vốn bổ sung dao động từ 0,25 -1 điểm phần trăm.
Citic Securities đã viết trong một lưu ý mới đây rằng, danh sách này phù hợp với kỳ vọng của thị trường và nó sẽ giúp duy trì sự ổn định tài chính trong trung và dài hạn.
Theo quy định mới, 19 ngân hàng này sẽ phải đệ trình các phương án thu hồi và xử lý dự phòng mới trong trường hợp hoạt động kinh doanh của họ rơi vào rắc rối tài chính, chẳng hạn như trong trường hợp hệ thống ngân hàng có nguy cơ sụp đổ. Các kế hoạch này sẽ được trình lên Ngân hàng Trung ương để xem xét phê duyệt và được cập nhật hàng năm theo các quy định mới.
Wen Bin, nhà phân tích trưởng tại Ngân hàng Minsheng Trung Quốc cho rằng: “Các D-SIB này sẽ nhận được sự giám sát chặt chẽ hơn và phải đối mặt với các yêu cầu cao hơn về kiểm soát rủi ro, tính bền vững trong kinh doanh và đặc biệt là vốn. Nhìn chung, một số ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với áp lực bổ sung vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của họ”.
Còn phía PBoC khẳng định, việc biên soạn danh sách này từ lâu đã nằm trong chương trình nghị sự của cơ quan quản lý, vì các tiêu chuẩn đánh giá của nó đã được công bố vào năm ngoái và được Ngân hàng Trung ương phê duyệt vào ngày 26/8, một tuần sau khi PBoC triệu tập các giám đốc điều hành của Evergrande để nhằm bảo vệ sự ổn định của ngành tài chính.
Như vậy, các nhà quản lý Trung Quốc đã tăng cường hành động để giảm bớt lo lắng của thị trường sau cuộc khủng hoảng nợ Evergrande, khi nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc gây ra cú sốc tâm lý trong cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PBoC cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ là do sự mở rộng kinh doanh "mù quáng" của nhà phát triển và gọi đây là một trường hợp cá biệt, đồng thời nhấn mạnh lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc nhìn chung vẫn lành mạnh.
Trong một cuộc họp trực tuyến, Thống đốc PBoC Yi Gang cho biết, rắc rối của Evergrande chỉ gây ra một chút lo ngại và các nhà chức trách hoàn toàn có thể ngăn chặn rủi ro từ bom nợ này.
Có thể bạn quan tâm
Evergrande đã tìm ra lối thoát "cửa tử"?
05:00, 05/10/2021
China Evergrande tuyên bố tái khởi động loạt dự án bất động sản
16:00, 04/10/2021
“Bom nợ” Evergrande có phát nổ?
13:00, 29/09/2021
Kiểm soát hoạt động kinh doanh bất động sản nhìn từ "cơn địa chấn” Evergrande
05:00, 29/09/2021
Evergrande và rủi ro tiềm ẩn từ trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam
06:00, 27/09/2021
Trung Quốc tăng tốc đầu tư trước mối lo “bom nợ” Evergrande
05:15, 25/09/2021