Trung Quốc tập trung vào trái phiếu địa phương để thúc đẩy kinh tế
Trung Quốc tăng tốc phát hành thêm 224 tỷ USD trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.
Nỗi lo phục hồi chững lại
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này dự định đẩy nhanh tốc độ phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, để thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách hỗ trợ sự phục hồi kinh tế có phần chững lại, vì tăng trưởng kinh tế trong quý 3 của Trung Quốc được đánh giá là chậm nhất trong năm, do tình trạng thiếu điện và sự chao đảo trong lĩnh vực bất động sản, điển hình sau sự cố “bom nợ” Evergrande diễn ra trên diện rộng.
Ông Li Dawei, một quan chức tại Bộ Tài chính Trung Quốc đã cho biết trong một cuộc họp báo rằng, các chính quyền địa phương đã phát hành ròng 2.220 tỷ Nhân dân tệ (347 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2021, chiếm 61% hạn ngạch hàng năm.
“Tốc độ phát hành đã tăng nhanh đáng kể kể từ tháng 8. Chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành hạn mức trái phiếu đặc biệt năm 2021 vào cuối tháng 11 năm nay, để tiếp tục phát huy vai trò tích cực của trái phiếu đặc biệt trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, ông nói.
Trong năm nay, Trung Quốc đã đặt hạn ngạch hàng năm là 3.650 tỷ Nhân dân tệ cho trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, vốn chủ yếu tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các số liệu cho thấy, chính quyền địa phương có thể phát hành trái phiếu đặc biệt trung bình hàng tháng là 717 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 112 tỷ USD) trong tháng 10 và tháng 11, tăng mạnh so với 9 tháng đầu năm.
“Khoảng một nửa số vốn huy động được từ trái phiếu đặc biệt trong tháng 1 đến tháng 9 dành cho giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị và khu công nghiệp, phần còn lại sẽ dành cho các lĩnh vực nhà ở giá rẻ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe”, Li cho biết thêm.
Còn theo ông Liu Jinyun, một quan chức khác của Bộ Tài chính Trung Quốc đánh giá rằng, doanh thu tài chính của nước này đã giảm 2,1% trong tháng 9 so với một năm trước đó, do tăng trưởng kinh tế chậm lại và ảnh hưởng của cơ sở thống kê.
“Tăng trưởng thu ngân sách có thể sẽ có xu hướng giảm trong vài tháng tới và Chính phủ vẫn đang đi đúng hướng để đạt được doanh thu kế hoạch trong năm nay, cũng như chi tiêu ngân sách sẽ được đảm bảo.
Doanh thu tài khóa tăng 16,3% trong 9 tháng đầu năm lên 16.400 tỷ Nhân dân tệ (2.600 tỷ USD), trong khi chi tiêu tài khóa tăng 2,3% so với một năm trước lên 17.900 tỷ Nhân dân tệ”, Liu công bố.
Chính sách từ Việt Nam
Tại Việt Nam, theo quan điểm của PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, ĐH Kinh tế Quốc dân, khả năng phát hành trái phiếu Chính phủ cũng rất lớn, vì thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, nguồn tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp có xu hướng tăng, ngoại trừ một số doanh nghiệp nhạy bén với thị trường, đã tranh thủ đầu tư tài chính. Có thể thấy rằng, lượng tiền gửi không kỳ hạn ở các ngân hàng là rất lớn hiện nay, thường là lượng tiền của doanh nghiệp nhiều, không chỉ của cá nhân.
Do dư địa chính sách tiền tệ đang hết sức hạn hẹp, Việt Nam không chỉ đối mặt với sức ép lạm phát, giá cả tiêu dùng tăng cao trong thời gian tới, mà bong bóng giá trên thị trường tài sản cũng hiện hữu. Cho nên, việc hỗ trợ cho nền kinh tế nếu có, sẽ đến từ chính sách tài khóa và phải đi vay. Tuy nhiên, nếu vay trong nước sẽ làm bùng lên câu chuyện tăng cung tiền, vì cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước thường sẽ mua lại các trái phiếu đó từ các tổ chức tín dụng qua những biện pháp nghiệp vụ.
“Đối với việc đi vay nước ngoài cũng cần cân nhắc, có một rủi ro là các tổ chức quốc tế vẫn bám vào chỉ số GDP cũ để tính toán các chỉ số tài chính công. Tuy nhiên bắt đầu từ năm nay, Việt Nam sử dụng thước đo GDP mới, nên gần đây các chỉ số tài chính công giảm rất mạnh, nợ công nợ Chính phủ giảm còn khoảng 40% GDP. Song, rủi ro đó là nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách đang tiến gần đến ngưỡng khoảng 25% thu ngân sách, chưa tính các khoản nợ mà Chính phủ vay về và cho vay lại”, PGS.TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia Tài chính cũng đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế, do lượng tiền trong dân còn nhiều, mặc dù vẫn có rất nhiều người khó khăn, không có tiền. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu còn phụ thuộc vào vấn đề lãi suất có thoả đáng hay không và huy động để làm gì là bài toán cần được giải đáp.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam không phải là nước giàu như các quốc gia phát triển, nên phải tính theo bài toán phù hợp với bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước. Nhìn từ câu chuyện các gói hỗ trợ của Chính phủ tới người dân và doanh nghiệp kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 để thấy rằng, tốc độ, khối lượng và hiệu quả giải ngân đều chưa cao.
“Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất mà theo tôi đó là phải tìm phương án hỗ trợ thế nào cho phù hợp và đảm bảo hiệu quả đầu tư, thì mới phát hành trái phiếu hay đi vay nợ. Việc sử dụng nguồn vốn vào đâu, cách thức sử dụng ra sao, có tiêu thụ được , giúp nền kinh tế hấp thu được hay không mới là then chốt và phải cân đối hài hoà”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Hạn chế rủi ro qua sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp
11:00, 21/10/2021
Trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp sẽ niêm yết trên HNX
11:18, 20/10/2021
Hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh cần 5 năm miễn giá dịch vụ đăng ký niêm yết
04:00, 18/10/2021
Trung Quốc chao đảo vì làn sóng vỡ nợ trái phiếu bất động sản
11:22, 11/10/2021
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Mừng - Lo trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 10/10/2021