Giảm chi phí giúp doanh nghiệp phục hồi

NGỌC DIỄM 31/10/2021 11:00

Hiểu đúng, thực hiện cách ly và phong toả đúng, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ về mặt tài khóa và tiền tệ sẽ giúp giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

 Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp.

Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Tuấn

Đây là những vấn đề đã được các chuyên gia thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh” do Tạp chí DĐDN tổ chức ngày 27/10 vừa qua tại Hà Nội.

Chống dịch sao cho đúng?

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay trên toàn quốc vẫn chưa có những hiểu đúng về dịch COVID-19. Trên thực tế, virus SARS-COV-2 không thể bay từ phân xưởng này sang phân xưởng kia, để phải phong toả cả nhà máy. “Đây là quan điểm để các đơn vị, địa phương tiến hành cách ly, phong tỏa cho đúng, tránh gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp”, ông Phu nhấn mạnh.

Diễn biến dịch tại phía Nam đã tạo sức ép lớn cho nền kinh tế, khiến chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy, doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền, cùng nhiều khó khăn khác. Để thích ứng với tình hình mới, Việt Nam đã chấp nhận chung sống với dịch bệnh. Tuy nhiên, diễn biến dịch ở mỗi địa phương là khác nhau, nên mô hình phòng chống dịch cũng khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp phải thích ứng.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021 cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi tài trợ cho các tổ chức tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần có các biên bản xác nhận tài trợ, hoặc xác nhận khác hợp lý. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 92/2021 hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15. Theo đó, giảm 30% thuế TNDN năm 2021 cho một số đối tượng; Miễn thuế 2 quý cho cá nhân, hộ kinh doanh; Giảm 30% thuế GTGT cho một số hàng hóa, dịch vụ; Miễn tiền chậm nộp thuế cho một số đối tượng.

Về chính sách tiền tệ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, dư địa giảm lãi vay của các tổ chức tín dụng hiện đã hết hoặc còn rất nhỏ. VNBA sẽ kêu gọi các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay và giảm phí cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần sự kết hợp của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn, trong khi các cân đối vĩ mô vẫn an toàn. Do đó, cần tận dụng dư địa tài khóa để đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chưa có chính sách mạnh mẽ để cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, cần thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình cải cách thủ tục. Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…). Thứ hai là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành).

Ông NGUYỄN QUANG VINH – Tổng thư ký VCCI:

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không VN:

Nhà nước cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các ngành kinh tế có phương án và kế hoạch cụ thể về phục hồi, phát triển các hoạt động của mình.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực VLA, Tổng giám đốc T&M Forwarding:

Vận tải hàng hoá bị gián đoạn nhiều do các quy định về điều kiện đi đường, lệnh phong tỏa, giãn cách ở các địa phương làm hàng xuất từ kho tới cảng cũng bị chậm, ùn ứ, giảm năng lực xếp dỡ của các doanh nghiệp cảng,… gây khó khăn cho vấn đề lưu thông.

Ông TRẦN ĐỨC MINH Chủ tịch HĐQT Công ty CP Triệu Sơn:

Các doanh nghiệp cần chính sách trợ giá sàn (quỹ bình ổn giá) với các sản phẩm nông nghiệp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất, khắc phục tình trạng bấp bênh giá của các sản phẩm nông nghiệp được mùa thì mất giá như hiện nay. Bên cạnh đó, COVID-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm qua, nên các dự án KHCN đang triển khai bị chậm tiến độ và khó có thể hoàn thành theo tiến độ ban đầu. Vì vậy, chúng tôi đề xuất các Bộ có liên quan lùi thời gian trả kết quả của dự án thêm 1 - 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

NGỌC DIỄM