Mở rộng chính sách tài khoá, khôi phục sức dân

DIỄM NGỌC 09/11/2021 05:30

Theo các chuyên gia, mở rộng chính sách tài khóa giúp tăng tổng cầu, khôi phục sức dân sẽ hỗ trợ khôi phục sức khoẻ doanh nghiệp, tạo đà hồi phục kinh tế cho năm 2022 và những năm tiếp theo.

Khôi phục sức dân

thời gian qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, thể hiện rõ qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (ảnh minh hoạ)

Nhiều chính sách, gói hỗ trợ đã được tung ra nhằm giúp người dân, doanh nghiệp giảm chịu tác động từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 (ảnh minh hoạ)

Thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong quý cuối năm và cả những năm tiếp theo, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,  vẫn cần rất nhiều đòn bẩy. Ông cho rằng chúng ta phải nhìn vào thực trạng của nền kinh tế hiện nay, khi quý 3 đã giảm sâu, tăng trưởng âm 6,2%. Dự tính quý 4 này chưa khả quan và cả năm có thể đạt khoảng 1,5 - 2%, đó là kịch bản tương đối tích cực.

TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

Vậy sự suy giảm đó bắt nguồn từ đâu? Theo vị TS, đầu tiên là do tổng cầu giảm, tiêu dùng của người dân giảm ở mức nghiêm trọng, vì hàng triệu người mất công ăn việc làm, giảm thu nhập hàng trăm nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản. Kế đó là nền sản xuất công nghiệp suy giảm, đầu tư tư nhân cũng chung tình trạng. Đặc biệt, các vùng động lực tăng trưởng như khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến suy yếu toàn diện.

Một nền kinh tế đang yếu như vậy, thì trong ngắn hạn, không thể không tăng tổng cầu, mà muốn tăng thì ngân sách phải chi ra, nhưng vấn đề là chi bao nhiêu, chị thế nào và chỉ cho ai. Như vậy, Nhà nước hãy chi tiền cho người bị tác động nặng nề, nhất là khu vực người lao động chính thức và cả phi chính thức. Trong đó, không dùng cơ chế xin cho, mà phải phát tiền mặt để người dân tiêu dùng, từ đó sẽ đồng thời tăng cầu và khôi phục sức dân, giúp khôi phục sức khoẻ doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Kinh nghiệm quốc tế

Còn theo TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, trước hết cần nhìn vào kinh nghiệm quốc tế, trong đợt dịch bệnh này, Mỹ đã chi tiêu hết 5.900 tỷ USD trong tổng GDP là 20.000 tỷ USD, tương đương 27% GDP. Còn tại Nhật Bản, nước này chi tiêu mạnh tay hơn, khi đã chi đến 3.000 tỷ USD, tương đương 60% GDP.

Hay GDP của châu Âu khoảng 15.000 tỷ USD, nhưng họ cũng chi tiêu xấp xỉ 3.000 tỷ USD, các nước như Thái Lan, Trung Quốc cũng chi ra đâu đó 10% GDP. Còn riêng Việt Nam, tính đến hiện tại, Bộ Tài chính cộng một cách chi tiết là hết 58.000 tỷ đồng, tức là chưa được 1% GDP, trong khi GDP của Việt Nam là 7,9 triệu tỷ đồng.

TS. Lê Xuân Nghĩa

TS. Lê Xuân Nghĩa

Có thể nói, chúng ta vẫn chưa làm gì cả, với các gói hỗ trợ vài chục nghìn tỷ đồng, hay hỗ trợ mỗi một người lao động mất việc từ 1,8 – 2 triệu đồng trong suốt 11 tháng qua là không thấm vào đâu”, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Vậy phía nước ngoài làm thế nào với các gói hỗ trợ? Vị chuyên gia cho biết, các quốc gia đã chia các gói này ra làm ba nhóm, bao gồm:

Thứ nhất, là bổ sung cho ngân sách để chi tiêu cứu trợ an sinh xã hội, chủ yếu tập trung duy trì lực lượng lao động, tài trợ cho công ty trả lương cho công nhân kể cả công nhân không đi làm.

Thứ hai, là Chính phủ cho trực tiếp các tập đoàn lớn vay tiền, vì khu vực này đã không thể vay ngân hàng, khi đã có nợ xấu và không có tài sản đảm bảo. Hơn nữa, các khoản cần vay hiện nay đã quá lớn, không phù hợp với bất kỳ quy định nào của ngân hàng, nhưng họ lại là những tập đoàn quan trọng. Nếu không cho vay, thì nền kinh tế không thể phục hồi. Tại Việt Nam thì Vietnam Airlines là một ví dụ điển hình mà Chính phủ phải trực tiếp cho vay.

Thứ ba, Chính phủ các nước đều làm đó là bảo lãnh cho các khoản vay của khối DNNVV, Chính phủ trực tiếp bảo lãnh mà không cần thành lập quỹ, nghĩa là dùng thẳng ngân sách để thực hiện.

Ví dụ như tại Thái Lan, Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này trước kia đã phát hành rất nhiều trái phiếu và bây giờ đứng trước mối lo ngại vỡ nợ trái phiếu, mất uy tín với các nhà đầu tư. Cho nên, chính phủ đã bảo lãnh luôn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Có thể thấy rằng, các quốc gia đã làm nhiều biện pháp để giữ hệ thống tài chính, giữ lực lượng lao động và giữ được các tập đoàn doanh nghiệp lớn ổn định, đó mới là trụ cột để phục hồi kinh tế.

Khi nghiên cứu kỹ hơn, tôi thấy rằng cả ba khu vực này, Chính phủ của các nước đều công bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với vấn đề tài chính. Trong khi cấu trúc tài chính của Việt Nam đến nay vẫn không có hạng mục nào về chống dịch bệnh. Ngay cả đến năm nay, khi công bố ngân sách Quốc hội thông qua cho năm 2022 cũng không có một hạng mục nào cho chống dịch và gần như giữ ở trạng thái bình thường. Từ đó để thấy rằng, chúng ta đang thiếu một cơ quan hoạch định các trường hợp khẩn cấp và những điều luật để xử lý các trường hợp khẩn cấp như thế nào”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng, hiện nay, tất cả các quốc gia đều đang sử dụng chính sách tài khóa, áp dụng cho trường hợp khẩn cấp đối với dịch bệnh. Do đó, để công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế hiệu quả, Chính phủ Việt Nam cũng cũng cần quyết liệt hơn trong việc mở rộng chính sách tài khoá, nhưng chính sách này phải được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ phù hợp.

Đã chi hơn 29.000 tỷ đồng cho công tác chống dịch

Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cường phối hợp trong quản lý và điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô, thể hiện rõ qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ, phối hợp tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điển hình là các chính sách miễn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, các loại phí, lệ phí,... Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện miễn giảm, gia hạn khoảng 27.500 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết 9 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi hơn 29.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch. 

Gần nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành đã ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch, gọi là gói miễn giảm thuế trị giá hơn 20.000 tỷ đồng và đang nghiên cứu chương trình kích thích kinh tế giai đoạn mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Tách bạch các gói hỗ trợ

    04:50, 07/11/2021

  • Gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỉ đồng: Cần hỗ trợ đúng đối tượng

    11:00, 03/11/2021

  • Gói hỗ trợ COVID-19 tại TP HCM: Chưa có biểu hiện lợi dụng chính sách?

    01:05, 03/11/2021

  • Giải pháp tiếp cận các gói hỗ trợ thuế, phí hiệu quả cho doanh nghiệp

    05:15, 11/10/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Triển khai nhanh các gói hỗ trợ

    03:15, 08/10/2021

DIỄM NGỌC