Kết hợp chính sách tài khoá và tiền tệ ra sao để tạo đà phục hồi kinh tế?

DIỄM NGỌC 10/11/2021 05:06

"Nếu chính sách tài khóa không hỗ trợ một cách quyết liệt, thì các tổ chức tín dụng sẽ không dám mạnh dạn cho doanh nghiệp vay vốn"...

Chính sách tiền tệ đang bị quá lạm dụng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng triệu người mất việc là thực tế đang diễn ra. Tuy nhiên, chính sách tài khóa tham gia vào hỗ trợ nền kinh tế vẫn ở tỷ lệ chưa đáp ứng được nhu cầu do nguồn ngân sách hữu hạn. Các gói hỗ trợ đối với người lao động không có việc làm chưa đảm bảo được vấn đề an sinh, nên các nhà máy, xí nghiệp không giữ chân được người lao động. Khi mở cửa trở lại nền kinh tế thì việc tuyển chọn người lao động đang trở nên vô cùng khó khăn.

Hiện nay, Các gói hỗ trợ đối với người lao động không có việc làm chưa đảm bảo được vấn đề an sinh, nên các nhà máy, xí nghiệp không giữ chân được người lao động (ảnh minh hoạ)

Hiện nay, các gói hỗ trợ đối với người lao động không có việc làm chưa đảm bảo được vấn đề an sinh, nên các nhà máy, xí nghiệp không giữ chân được người lao động (ảnh minh hoạ)

Nếu không có giải pháp tốt, chưa nói đến việc giải pháp đó ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp FDI, vì nhân công là của Việt Nam, mà các doanh nghiệp cũng khó khăn, nhưng lại phải tự sử dụng quỹ của mình để lo cho người lao động, thì họ cũng đến lúc hết khả năng.

Mặt khác, việc sử dụng chính sách tiền tệ hiện nay đang bị quá lạm dụng, trong khi Nghị quyết Quốc hội vừa qua cũng chưa làm rõ nhiệm vụ chống dịch như thế nào và sử dụng chính sách tài khóa ra sao”, ông Hùng nhận định.

Vị Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ thêm, từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện đến nay, cả một quá trình dài như vậy, ngành ngân hàng cũng phải tự lo lấy mình, đồng thời ban hành 3 Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 đều có giá trị hiệu lực và sửa đổi bổ sung để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên có một số vấn đề nổi cộm đó là:

Thứ nhất, bản chất của cơ cấu nợ, điều chỉnh không chuyển nhóm nợ thực chất là những món nợ dưới chuẩn và không bị chuyển nhóm nợ để đủ điều kiện được xem xét mở rộng cho vay tiếp. Đối với những doanh nghiệp như vậy, không có tài sản đảm bảo, không quản lý được dòng tiền, thì liệu ngân hàng nào cho vay nên đây là vấn đề rất khó khăn với ngân hàng.

Thứ hai, Chính phủ đang áp dụng chính sách “dùng doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp” bởi vì các tổ chức tín dụng cũng chính là doanh nghiệp. Khi họ phải giảm lãi, giảm phí, hay như ngành Điện lực, viễn thông cũng hỗ trợ giảm giá,... Như vậy để thấy rằng, mọi gánh nặng đều đè lên vai của doanh nghiệp, còn những gói giãn hoãn thuế chỉ là kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Thứ ba, chính sách được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng phải là doanh nghiệp doanh thu không quá 200 tỷ đồng, thì không đáp ứng được yêu cầu mà khối doanh nghiệp mong muốn.

Thứ tư, việc hỗ trợ người lao động không có công ăn việc làm và chi phí chống dịch mà Chính phủ bỏ ra rất lớn, nhưng sự hỗ trợ đó đã đủ đảm bảo và đáp ứng với người dân được hay không cũng là vấn đề cần lời giải.

Trong giai đoạn hiện nay, dịch bệnh chưa thể đầy lùi và người dân cũng như doanh nghiệp đang phải sống chung với dịch bệnh. Nếu chính sách tài khóa không hỗ trợ một cách quyết liệt, thì các tổ chức tín dụng sẽ không dám mạnh dạn cho doanh nghiệp vay vốn.

Giả thiết doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh có đầu vào đầu ra hiệu quả, có khả năng phục hồi, nhưng xảy ra một vài trường hợp F0 khiến phải đóng cửa từng phân xưởng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng trong công ty, thì cũng không thể ra sản phẩm hoàn thiện. Lúc này, rủi ro về hành lang pháp lý đối với tổ chức tín dụng là rất lớn mà chưa có một đặc thù gì để bảo vệ đối với người cho vay.

Điều kiện để ngân hàng khoanh nợ

Theo ông Hùng, kiến nghị của ngành ngân hàng bây giờ là khoanh nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhưng để khoanh nợ thì phải công bố tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh và lấy đó làm cơ sở xem xét thực hiện. Việc khoanh nợ có 2 ý nghĩa lớn đó là: Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có cơ sở xác định được khoản nợ, công nhận là nợ xấu mà Chính phủ tạm thời khoanh lại trong một khoảng thời gian, để doanh nghiệp có khả năng phục hồi và tiếp tục xem xét cho vay mới; Đồng thời không ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Ngành ngân hàng bây giờ là khoanh nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh (ảnh minh hoạ)

Ngành ngân hàng có thể hỗ trợ bây giờ là khoanh nợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh (ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn từ các tổ chức tín dụng là không ổn. Đơn cử như gói 16.000 tỷ đồng và gói 7.500 tỷ đồng cho vay đối với người lao động ngừng việc, nhưng kết quả là không hiệu quả và không đi vào cuộc sống. Do đó, chính sách tài khóa đưa ra phải phù hợp, đủ liều lượng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa tài khóa với tiền tệ. Mà hiện nay, nếu sử dụng mãi công cụ chính sách tiền tệ thì không thể nào chịu được, sẽ gây ra hệ quả là trong một vài năm nữa gánh nặng nợ xấu sẽ vô cùng lớn, thậm chí kéo dài”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khủng hoảng y tế dẫn tới khủng hoảng kinh tế kéo dài đã 2 năm, để thấy rằng nền kinh tế bị tác động nặng nề trên mọi mặt của dịch bệnh như thế nào. Chúng ta đã sử dụng rất nhiều giải pháp, nhưng đến thời điểm này nếu tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ như vừa qua sẽ có tác dụng ngược, vì nền kinh tế không thể hấp thụ. Trong khi bối cảnh hiện tại đòi hỏi sự phục hồi nhanh đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng.

Điều đó có nghĩa là, nền sản xuất về phía cung đang rất yếu, thì phải làm sống động phân khúc này và kích thích tăng tổng cầu, tăng chi tiêu trong khu vực người dân. Để làm được điều đó, ngân sách phải bỏ ra và bội chi ngân sách tăng lên là tất yếu, không thể duy trì được tỷ lệ như hiện nay mà có thể phải ở mức 6-7% thậm chí 8-9%. Đây cũng là lúc thể hiện vai trò của Nhà nước, chứ không nên để các doanh nghiệp cứu trợ lẫn nhau nữa”, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất.

Các chuyên gia đồng quan điểm rằng, Bộ Tài chính, Quốc hội phải là người đưa ra vấn đề và khẳng định chúng ta không thể dùng chính sách bình thường, năng lực bình thường để chống dịch, mà cần quyết liệt, dứt khoát hơn. Mặt khác, gói cấp bù lãi suất cũng rất rắc rối cho các ngân hàng thương mại, do đó, cứ để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn bình thường, còn nếu ai đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì đến thẳng Bộ Tài chính hay Kho bạc Nhà nước để nhận tiền.

Có thể bạn quan tâm

  • Mở rộng chính sách tài khoá, khôi phục sức dân

    05:30, 09/11/2021

  • Phục hồi kinh tế: Chính sách tài khóa yểm trợ cho chính sách tiền tệ

    04:10, 09/11/2021

  • Squid Game token - Hiện tượng “ăn theo” đốt cháy tài khoản nhà đầu tư

    05:00, 04/11/2021

  • Phục hồi kinh tế: Mở rộng chính sách tài khoá sao cho hiệu quả?

    00:30, 02/11/2021

  • GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế

    09:00, 28/10/2021

DIỄM NGỌC