Ngày đầu chính thức triển khai hoá đơn điện tử: Lộ diện nhiều bất cập
Việc chính thức triển khai hoá đơn điện tử được kỳ vọng tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, nhưng cũng còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ cho doanh nghiệp.
>>> Chính thức kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về hóa đơn điện tử và ban hành các quyết định triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định, bắt đầu từ tháng 11-2021; giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, bảo đảm đến ngày 30-6-2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, triển khai hóa đơn điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong năm 2021 và năm 2022.
Được biết, kể từ tháng 11/2021, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định). Việc áp dụng hóa đơn điện tử được nhận định vừa giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp vừa tăng hiệu quả quản lý cho cơ quan chức năng.
Tại Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ cần thiết theo đúng kế hoạch và lộ trình đã được ngành Thuế đề ra. Trung tâm điều hành Hóa đơn điện tử đặt tại thành phố Hà Nội cũng đã được thành lập, được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực kết nối trực tuyến 24/24 với Hệ thông trung tâm điều hành của Tổng cục thuế.
Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, hệ thống trung tâm điều hành sẽ được vận hành hiệu quả, đảm bảo thông tin được liên tục thông suốt giữa người nộp thuế, Cục Thuế và Tổng cục Thuế với 3 luồng thông tin: chỉ đạo, hỗ trợ và xử lý vướng mắc, qua đó hỗ trợ xử lý kịp thời các khó khăn và thúc đẩy sử dụng Hóa đơn điện tử của người nộp thuế.
Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, khi triển khai Hóa đơn điện tử trên diện rộng, với tần suất liên tục dự kiến có thể dẫn đến nghẽn, gián đoạn xảy ra. Để giải quyết khó khăn này, Cục Thuế thành phố Hà Nội sẵn sàng cùng Trung tâm điều hành của Tổng cục Thuế tháo gỡ kịp thời để đảm bảo thông suốt đường truyền. Đến nay tất cả các điều kiện về nhà cung cấp, kết nối hệ thống dữ liệu, doanh nghiệp, cơ quan Thuế đều đã nắm được tinh thần của chính sách cũng như quy trình triển khai Hóa đơn điện tử.
Mặc dù giai đoạn 1 mới thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố, nhưng với số lượng doanh nghiệp chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và lượng hóa đơn chiếm đến 70% hóa đơn của cả nước, việc thực hiện áp dụng Hóa đơn điện tử thành công ở 6 địa phương đóng vai trò quyết định đến việc triển khai thực hiện Hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước.
Áp dụng hóa đơn điện tử khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên), làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh; giúp triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng… Đồng thời, triển khai hóa đơn điện tử là là giải pháp, bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa ngành thuế góp phần cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng tới Chính phủ số.
Hiện có khoảng 849.000/849.600 doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử tính tới năm 2021, đạt tỷ lệ 99,9%, theo thống kê của Tổng cục Thuế. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận trong năm 2021 đạt trên 16 triệu hồ sơ. Về nộp thuế, có trên 837.300 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 99% số doanh nghiệp đang hoạt động. Về hoàn thuế, có hơn 8.000/8.200 doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ gần 98%.
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn do các doanh nghiệp gửi, số lượng hóa đơn điện tử doanh nghiệp sử dụng một năm khoảng gần 1,3 tỷ hóa đơn. Cả nước có khoảng 800 doanh nghiệp cung cấp giải pháp phần mềm hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sử dụng. Số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng trong năm 2020 khoảng 2,3 tỷ hoá đơn, chiếm khoảng 50% tổng số hóa đơn sử dụng trong năm 2020.
Ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh chia sẻ với báo giới rằng, công ty đã áp dụng sử dụng HĐĐT từ năm 2019. Với đặc thù là đơn vị kinh doanh nên phải sử dụng rất nhiều hóa đơn bán hàng, từ khi chuyển sang HĐĐT, doanh nghiệp nhận thấy việc chuyển đổi này có rất nhiều thuận lợi và nhanh chóng, tiết kiệm tối đa chi phí so với trước kia.
Chính vì vậy, sau khi được thông tin về việc thực hiện chuyển đổi HĐĐT theo Nghị định, Thông tư mới, công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cũng sẽ sẵn sàng để đáp ứng chuyển đổi theo quy định.
“Doanh nghiệp mong muốn được tự tạo và phát hành hóa đơn, bởi hiện nay hệ thống phần mềm quản lý và phát hành HĐĐT của công ty cũng đã được vận hành thông suốt. Các hạ tầng, chứng thực số, chứng thực đường truyền của chúng tôi cũng đã được đăng ký và đảm bảo việc hoàn toàn có thể kết nối thông suốt với Tổng cục Thuế”, đại diện doanh nghiệp bày tỏ.
>>> Xổ số hoá đơn điện tử có lợi ích gì?
Bên cạnh những điểm tích cực từ hoạt động triển khai HĐĐT, công tác này cũng không tránh khỏi tạo ra “bỡ ngỡ” cho nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hưng, đại diện một doanh nghiệp tại Quận 1, TP HCM phản ánh, tháng 11 phải triển khai HĐĐT theo quy định mới, nhưng đầu tháng 11 mới tổ chức tập huấn, trong khi thành phố vừa bước qua đợt cao điểm dịch Covid-19, nên doanh nghiệp có nhiều thứ không chuẩn bị kịp.
Hay ý kiến của ông Võ Quốc Việt, đại diện doanh nghiệp ở quận Tân Bình than, những tháng qua có quá nhiều doanh nghiệp không kinh doanh được nên hóa đơn còn tồn khá là nhiều. “Theo tôi, những doanh nghiệp còn tồn hóa đơn đã phát hành theo điều khoản chuyển tiếp của Thông tư 78, thì ngành thuế nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, tránh lãng phí”.
Ngoài ra, theo quy định về hóa đơn của Luật Quản lý thuế, trước đây doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng hóa đơn thương mại, nay quy định mới buộc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cũng gây khó cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bức xúc, hóa đơn xuất khẩu trước đây bắt phát hành riêng thành hóa đơn thương mại, chưa xài hết lại bỏ, giờ quay lại hóa đơn giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp này cho rằng, đã đồng bộ hóa thì không cần hóa đơn xuất khẩu, vì khi xuất khẩu đã truyền tờ khai hải quan rồi và phía nước ngoài cũng không thừa nhận HĐĐT của phía doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, có xuất hóa đơn cũng chủ yếu là xuất… bỏ, nhưng lại tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp, nên cần thay đổi quy định này.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng - Quảng Ninh: Đồng loạt kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử
00:07, 22/11/2021
Chính thức kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử
13:30, 21/11/2021
Viettel đang là nhà cung cấp hóa đơn điện tử số 1 tại Việt Nam về thị phần
15:54, 17/11/2021