Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Cần "thuốc bổ" cho nền kinh tế phục hồi
Theo Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chính phủ có thể đưa ra 5-6 giai đoạn cho công tác hỗ trợ. Doanh nghiệp yếu thì cho uống “thuốc bổ” trước, rồi mới sử dụng “thuốc đặc trị "sau".
>> Giải pháp tăng khả năng hấp thụ nguồn lực cho nền kinh tế
"Thuốc bổ" trước, "thuốc đặc trị" sau
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn về việc trả lương cho người lao động, về thị trường, hay hàng tồn kho,... tất cả những khó khăn đó đều là bất khả kháng, chứ cũng không hẳn do năng lực quản trị yếu kém. Cho nên vừa qua, câu chuyện về các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi rất sôi nổi, tuy nhiên, đưa ra một gói hỗ trợ đủ lớn là bao nhiêu sẽ khó có câu trả lời, nhưng ít nhất chúng ta có thể vừa làm vừa điều chỉnh... mà quan trọng là hỗ trợ đó phải đến doanh nghiệp càng nhanh càng tốt.
“Theo tôi, Chính phủ có thể đưa ra 5-6 giai đoạn cho công tác hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp yếu, thì cho uống “thuốc bổ” trước, bằng cách hỗ trợ đại trà chung nhất,như giảm các chi phí, giảm giá điện, giá nước,... để doanh nghiệp hưởng lợi, rồi mới sử dụng các “thuốc đặc trị" sau”. Nhưng ít nhất, thuốc bổ cũng phải triển khai nhanh nhất có thể.
Trong lúc khủng hoảng như thế này, những doanh nghiệp như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn,... thì rất khó khăn, nếu không có dòng tiền để bù vào trong lúc này, chắc chắn sẽkhông hoạt động được và đóng cửa, phá sản là đương nhiên. Do đó cần phải hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp bằng liều thuốc bổnào đó và cấp bách với doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh để tránh gây hậu quả về sau”, ông Đoàn nói.
Cũng theo vị doanh nhân phân tích, hiện nay độ bao phủ vaccine đã tương đối, dịch bệnh đã bớt đi, nhưng nếu ngày mai bùng phát dịch trở lại, phải giãn cách xã hội thì khó khăn sẽ chồng lên và khi đó, gọi hỗ trợ phải tăng thêm nữa mới đủ. Nhưng ngược lại nếu dịch bệnh chấm dứt, chuỗi cung ứng không đứt gãy, kinh tế lưu thông trơn tru giữa các quốc gia thì cũng không cần phải hỗ trợ thêm nữa.
Vì vậy, Chính phủ, Quốc hội nếu có thể phê duyệt ngân sách cho một khoản nhất định nào đó trong khoảng từ 5-15% GDP là có thể chấp nhận được, để tránh bội chi lớn và trong khoảng đó, Chính phủ có thể điều tiết được sẽ hợp lý hơn.
>> Doanh nghiệp “bí lối” tiếp cận vốn vì tài sản đảm bảo
Ngân hàng nên linh hoạt giảm lãi suất
Đồng quan điểm trên, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp cần phải làm ngay, nhưng hỗ trợ rồi thì không được để hậu quả xảy ra là khủng hoảng về kinh tế vĩ mô.
Do đó, hỗ trợ của Việt Nam phải khác so với các quốc gia khác. Nhiều nước sẵn sàng chi ra vài chục phần trăm GDP, chia tiền cho dân chúng, nhưng ở Việt Nam điều đó chưa chắc đã tốt. Mọi người hay nghĩ tăng nợ công thêm một chút nữa, vay thêm và phát tiền cho người dân, nhưng điều đó có thể gây ra tác hại mà chưa chắc khiến đời sống người dân tốt hơn, thậm chí càng đẩy lạm phát tăng cao. Điển hình là những năm 2009-2010, tiền hỗ trợ lãi suất thấp, người dân đi vay về không kinh doanh mà ném vào ngân hàng lấy lãi suất cao, hưởng lợi chênh lệch, hay ném sang đầu tư bất động sản, chứng khoán tạo ra khủng khoảng kinh tế trầm trọng.
“Để đi kèm theo tỷ lệ hỗ trợ bao nhiêu, thì phải tính khả năng đưa các gói này vào đâu. Tôi cho rằng, nên hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với mức lãi suất thấp và mở rộng tối đa các doanh nghiệp đang cần vốn, không đặt quá nặng nề điều kiện, mà cho vay theo các hoạt động của doanh nghiệp, theo đơn hàng, hợp đồng kinh doanh,...”, GS.TS. Hoàng Văn Cường đề xuất.
Như vậy, lúc này cần đề cao vai trò của ngân hàng, đặc biệt là giám sát chặt chẽ dòng vốn của doanh nghiệp. Ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, chính sách nên phân làm hai việc gồm:
Thứ nhất, hỗ trợ chung về chi phí thì do Nhà nước cho phép hỗ trợ đồng loạt với người lao động, người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, đối với việc hỗ trợ cụ thể hơn đến doanh nghiệp, thì phải có sự tiếp sức của các tổ chức tín dụng, vì Nhà nước không có nguồn lực để đi thẩm định hàng triệu doanh nghiệp trong cộng đồng.
“Có một tỷ lệ doanh nghiệp nhất định hoạt động không tốt, làm hàng giả, hàng nhái, trốn lậu thuế mà đến khi khó khăn lại kêu gào Nhà nước hỗ trợ, thì điều đó là không công bằng. Vậy các tổ chức tín dụng có lịch sử làm việc lâu dài với các doanh nghiệp, nắm bắt được hồ sơ khách hàng, sẽ đánh giá được khả năng hấp thụ của doanh nghiệp ra sao, tại sao doanh nghiệp cần tiền,... từ đó đưa ra phương án hỗ trợ tối ưu nhất. Cho nên việc cấp thiết vẫn là câu chuyện tiếp cận về tín dụng”, ông Đoàn phân tích.
Có thể thấy, doanh nghiệp vốn là nguồn đầu ra của ngân hàng, nếu doanh nghiệp phá sản, thì ngân hàng cũng khó hoạt động, vì thế cần phải dung hòa giữa lợi ích ngân hàng và doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn hiện nay, các ngân hàng có thể linh hoạt cân đối giảm lãi suất từ 1-2% cho doanh nghiệp có hoạt động tiềm năng, còn doanh nghiệp kém hơn, có thể giảm ít hơn hoặc không giảm tuỳ điều kiện từng ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Cần gói hỗ trợ “dài hơi” để đưa doanh nghiệp vượt “giông bão”
03:30, 11/11/2021
Thêm nhiều đối tượng được hưởng trợ cấp từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
15:05, 10/11/2021
Giải pháp tăng khả năng hấp thụ nguồn lực cho nền kinh tế
05:00, 23/11/2021
Phục hồi kinh tế: Kỳ vọng giải pháp thiết thực hơn
04:00, 22/11/2021