Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Rộng đường tiếp cận chính sách
Có rất nhiều gói hỗ trợ bị vướng về thủ tục hành chính, trong đó, doanh nghiệp tiếp nhận chính sách tốt nhất là những chính sách không có thủ tục hành chính như giãn, hoãn thời gian nộp thuế...
>> Doanh nghiệp kiến nghị mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thuế sâu
Việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ hướng tới. Nhiều giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh đã và đang tiếp tục được đặt ra. Một trong những giải pháp được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ là làm thế nào để cắt giảm tối đa được chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Khích, Phó Cục trưởng cục Thuế tỉnh Hưng Yên cho biết, tác động của dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, sản xuất chỉ duy trì ở mức cầm chừng, nên nguồn tài chính để nộp ngân sách cạn kiệt.
Nhìn từ câu chuyện chống dịch vừa qua, Chính phủ đã nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc” và liên tục ra những Nghị quyết để ứng phó. Tới đây, tiếp tục bằng tinh thần đó và trong cải cách, cần phải coi việc chống lại những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân tương tự như chống dịch. Như vậy, mới mong giảm thiểu những quy định gây khó cho doanh nghiệp trong thực thi, tốn thêm chi phí.
Phát biểu tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực, Uỷ viên Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh COVID-19 xảy ra, cần phải có sự phản ứng chính sách nhanh, đòi hỏi cao, mang tính chất toàn diện và dự đoán dài hạn. Đặc biệt, rất nhiều vấn đề rất khó dự đoán, phức tạp vì COVID-19 tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế và chính sách mới thì chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, có một bài học kinh nghiệm rất quan trọng cho tương lai, đó là mặc dù trong thời gian vừa qua, khi thiết kế thực thi các chính sách hỗ trợ, nhanh, toàn diện nhưng chúng ta vẫn gặp phải một số rào cản về thủ tục hành chính và rào cản về pháp lý.
“Có rất nhiều gói hỗ trợ bị vướng về thủ tục hành chính, trong đó, doanh nghiệp tiếp nhận chính sách tốt nhất là những chính sách không có thủ tục hành chính như giãn, hoãn thời gian nộp thuế. Còn bất kỳ chính sách nào chỉ cần có một thủ tục hành chính thôi thì doanh nghiệp đều khó tiếp cận. Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn, mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh”, ông Hiếu phân tích.
>> Giải pháp tăng khả năng hấp thụ nguồn lực cho nền kinh tế
Trao đổi với báo giới, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia khẳng định, việc cải thiện môi trường kinh doanh là rất quan trọng với mọi quốc gia trên thế giới. Với Việt Nam, dù đã có một thập kỷ trở lại đây môi trường kinh doanh có những cải thiện, là một thị trường khá thân thiện các nước khác sẽ nhìn vào đó để thay đổi và đuổi theo, do vậy càng có lý do để Việt Nam hoàn thiện mình cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa.
“Tôi khẳng định, trong nhiều yếu tố có ba yếu tố căn bản có tính nền tảng, để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ đó là:
Thứ nhất, phải là môi trường được tạo thuận lợi có đầy đủ cơ sở vật chất và sự đầu tư để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh, tiếp đến là một thị trường tài chính thuận lợi, bởi đó là nguồn sức mạnh đáng tin cậy cho các doanh nghiệp hoạt động. Từ đó có tác động trực tiếp đến một loạt những yếu tố có liên quan đến đầu tư hạ tầng như giao thông, đào tạo kỹ năng.
Thứ hai Chính phủ phảitân tiến và đổi mới, một Chính phủ với những quyết sách và điều hành năng động, chủ động có những chính sách hợp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, là bản thân các doanh nghiệp ở mọi cấp độđóng vai trò là những người chơi chính trong cuộc chơi, do đó, không có người chơi nào được quyền có ưu đãi đặc biệt hơn, họ phải cùng chơi bình đẳng trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, ai mạnh hơn, ai tốt hơn sẽ là người chiến thắng.”
Về giải pháp, ông Denis Brunetti khuyến nghị, một trong những điều cần thảo luận ở đây chính là việc nhà nước đã nắm giữ quyền sở hữu với rất nhiều doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, khi đó họ sẽ có những ưu đãi nhất định với những đứa con của mình. Do vậy, vấn đề đặt ra là nhà nước cần có những chính sách bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phải có sự bình đẳng giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, có làm được như vậy mới có động lực để khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Ngoài ra, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025, trong đó đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định, cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Nghị quyết 68 nêu rõ phải cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, không phân biệt đó là thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cứ gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị bãi bỏ. Đây là điểm khác biệt căn bản so với các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh trước đó. Như vậy, năm 2021 - 2022 sẽ là những năm bản lề để thực hiện mục tiêu đề ra của Nghị quyết. |