Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Kích thích phục hồi kinh tế cần bao nhiêu tiền?
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần được xây dựng với các chính sách hỗ trợ có quy mô đủ lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và hỗ trợ đúng, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
>>> Chương trình phục hồi kinh tế cần có quy mô đủ lớn
Trước nguy cơ lạm phát tái diễn, Chính phủ cần kết hợp tốt giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, với ưu tiên số một là bơm tiền giải cứu doanh nghiệp tối thiểu bằng 8% GDP.
Lạm phát có trở lại?
Trong thời gian gần đây, có rất nhiều ý kiến bàn về nguy cơ lạm phát có thể tái diễn trở lại. Điều đó là thực tế khi nhìn vào các chỉ số trong nền kinh tế, nhưng Việt Nam không nên quá lo ngại câu chuyện này với một số lý do sau:
Thứ nhất, chúng ta nhìn thấy giá cả của thế giới như giá xăng dầu hay logistics và các loại nguyên liệu đầu vào ở Việt Nam nhập khẩu căn bản tăng, trở thành chi phí đẩy, nhưng đó là câu chuyện cảm nhận trong hiện tại. Trong khi đó, tổng cầu của Việt Nam vẫn rất yếu liên tục trong bốn tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng âm, người lao động không còn thu nhập và doanh nghiệp đang rất yếu không thể phục hồi trong trước mắt.
Thứ hai, chúng ta đã nhìn thấy một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì không quá lo ngại khi lạm phát đến hơn 4%, nếu tăng trưởng duy trì được ở mức 6,5-7% thì vẫn tốt hơn rất nhiều. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong giai đoạn những năm 1991, 1998, lạm phát vẫn ở mức năm 6% nhưng tăng trưởng trên 8%.
Ngoài ra, những năm vừa qua, Chính phủ điều hành vĩ mô đã tốt hơn, dự trữ ngoại tệ khỏe hơn rất nhiều, gần 100 tỷ USD, điều đó chứng tỏ các cân đối vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn.
Thứ ba, năm 2022 chưa đáng lo ngại khi lạm phát quay trở lại, kể cả có quay trở lại thì Việt Nam cũng chấp nhận nhập khẩu lạm phát và chấp nhận một mặt bằng giá mới. Một năm có thể tăng lên 4%, nhưng sang năm sau nữa, toàn bộ mặt bằng giá mới với nguyên liệu đầu vào và lạm phát sẽ trở lại bình thường.
Thứ tư, tốt nhất phải ưu tiên bơm tiền ra để cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều hành của NHNN và của Bộ KH&ĐT đã có mô hình lập trình sẵn, bơm tiền ra liều lượng phải tối thiểu 8% GDP. Ngoài ra, phải bơm thật nhanh, còn nếu để sang năm 2022 mới bơm, tạo ra độ trễ thì có khi lúc đó lạm phát còn bung ra cao hơn mới đáng lo ngại.
>>> Tách bạch các gói hỗ trợ
Các nhóm giải pháp
Về giải pháp làm sao hỗ trợ nền kinh tế quay trở lại trong bối cảnh tổng cầu đang rất yếu, chúng ta cần chú trọng vào các nhóm giải pháp như:
Nhóm đầu tiên là phải kết hợp tốt giữa hai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó, ưu tiên sử dụng nhiều chính sách tài khóa hơn, bởi vì tiền của ngân sách đã thu về hoặc đi vay vẫn tốt hơn là tiền in ra.
Nhóm thứ hai là cần sự phối hợp của các nhóm Tổ tư vấn, cũng như bộ phận kĩ thuật của ba Bộ quan trọng bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT để cùng nhau liên tục chạy mô hình kiểm soát giữa hai chính sách, tính toán bơm bao nhiêu tiền và khả năng nhập khẩu lạm phát về bao nhiêu, để đưa ra liều lượng phù hợp. Hiện nay các mô hình đã có sẵn, do đó, không có gì quá khó với các Bộ, mà trọng tâm là triển khai sao cho đi vào thực tế.
Nhóm thứ ba là phải đẩy nhiều hàng hóa lên, vì vậy cần phải chi tiền ra để kích thích doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Đáng chú ý, câu chuyện tạm thời lúc này là về giá điện, giá nước, giá xăng dầu,... Chính phủ cần phải sử dụng quỹ bình ổn để áp chế giá cả, điều tiết tăng từ từ, không tạo ra cú sốc. Nếu tự nhiên giá xăng và giá điện tăng phi mã sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến giá đầu vào, cộng hưởng thêm câu chuyện nhập khẩu lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Do đó, nghệ thuật điều tiết giá của các cơ quan Chính phủ là rất quan trọng, còn về dài hạn sẽ phải trả về cho thị trường, chứ không mãi sử dụng các giải pháp bình ổn giá hay tổ điều tiết. Bởi vì nếu thực sự điều hành giỏi theo kinh tế thị trường, thì nhất thiết không thể có những câu chuyện đó xảy ra.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT:Hiện Chính phủ đang giao cho các bộ ngành liên quan tính toán những dư địa còn lại để có thể huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ. Đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo cân đối vĩ mô, các cân đối lớn, nên khi tính toán phải hết sức thận trọng để tận dụng cơ hội, đảm bảo mục tiêu, an toàn. Doanh nghiệp vẫn đối diện thách thức như dòng tiền, sự thiếu thống nhất trong quy định phòng chống dịch, các ưu đãi mới cần tập trung cho doanh nghiệp có doanh thu, dòng tiền. Ngoài ra, chính sách cũng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp không có doanh thu, lợi nhuận, tránh đổ vỡ. Ông Võ Đình Trí - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School và AVSE Global:Nếu các hỗ trợ này kéo dài thì vấn đề sẽ phát sinh tương tự như trong thương mại và cạnh tranh: nó khiến cho việc tham gia, thoát khỏi thị trường hay mở rộng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thay đổi, và thị trường từ đó bị méo mó bởi vì vấn đề trở nên mang tính hệ thống. Các chương trình hỗ trợ của Chính phủ có thể tác động đến cấu trúc doanh thu và chi phí của doanh nghiệp, các quyết định quan trọng liên quan đến các yếu tố đầu vào, đầu ra, mở rộng hay thu hẹp, thậm chí thoát khỏi thị trường. |
Có thể bạn quan tâm