Thực hành tài chính bền vững (kỳ 3): 3 yếu tố tác động chuyển đổi số của doanh nghiệp
Cổ đông nước ngoài đến từ các nước phát triển thường yêu cầu hoặc thuyết phục các doanh nghiệp Việt Nam thực hành tài chính bền vững...
>>> Xu hướng tín dụng xanh trong hoạt động tài chính tại Việt Nam
Top 10 & 100 doanh nghiệp có báo cáo bền vững nói gì về thực hành tài chính bền vững?
Thực hành tài chính bền vững là một “tình huống kinh doanh” và cũng là một cách “thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng”. Julian Rode & ctg (2021) đã thực hiện một khảo sát trực tuyến, kết quả cho thấy việc thuyết phục doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững qua “tình huống kinh doanh” có vẻ hiệu quả hơn “thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng”. Vấn đề đặt ra là, chính phủ và chính quyền địa phương các cấp làm sao đưa ra các chính sách đủ để doanh nghiệp nhận thấy việc thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành tài chính bền vững thật sự là “một tình huống kinh doanh”?
Để trả lời câu hỏi này chúng tôi tiến hành phỏng vấn sâu một số doanh nghiệp nằm trong top 10 và top 100 giải thưởng Doanh nghiệp có báo cáo bền vững tốt nhất. Kết quả được tổng hợp như sau:
Động cơ thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững: Kết quả phỏng vấn sâu cho thấy động cơ sâu xa vẫn là “tình huống kinh doanh”, và ngay cả động cơ là “tình huống kinh doanh” thì vẫn có thể chia các doanh nghiệp thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất: Thụ động trong thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành tài chính bền vững:
Có những doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững là vì “qui định bắt buộc phải thế”. Và với những doanh nghiệp này, việc thực hành tài chính bền vững mới chỉ thực hiện ở những bước cơ bản. Nhận thức về tài chính bền vững của nhóm doanh nghiệp này cũng chưa toàn diện: “Cứ doanh thu và lợi nhuận tăng đều đều nghĩa là kinh doanh bền vững”.
Có những doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững là vì yêu cầu của các cổ động/các nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển: “Các cổ đông nước ngoài yêu cầu phải như thế họ mới đầu tư”.
Hầu hết các doanh nghiệp trong nhóm này có mức độ nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ; việc ứng dụng chuyển đổi số nói chung, ứng dụng chuyển đổi số nói riêng trong thực hành tài chính bền vững chỉ mới dừng lại ở giai đoạn số hóa. Ngay cả việc thu thập dữ liệu để thực hiện báo cáo bền vững của họ cũng còn rất thụ động, không có chiến lược trước: “...Chưa bao giờ chúng tôi đánh giá xem việc thực hành tài chính bền vững ảnh hưởng như thế nào đến kết quả hoạt động kinh doanh… Chúng tôi không có dữ liệu để đánh giá”.
Nhóm thứ 2: Từng bước có sự chủ động trong thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững:
Nhóm doanh nghiệp này họ nhận thức rất rõ chuyển đổi số và thực hành tài chính bền vững là “đầu tư dài hạn” của họ, mặc dù họ cũng đã từng trải qua giai đoạn đầu khoảng 2- 3 năm đối phó, chập chững như nhóm doanh nghiệp thứ nhất nói trên. Một số doanh nghiệp ở nhóm thứ 2 này đã nhìn thấy rằng nhận thức của người tiêu dùng về biến đổi khí hậu, về tài chính bền vững sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm của người tiêu dùng, và từ đó ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp.
Đặc biệt là đối với những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường của các nước phát triển, nơi mà nhận thức của người tiêu dùng về biến đổi khí hậu, về các vấn đề xã hội đã ở mức cao, thì việc thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành tài chính bền vững được chú trọng. Trong bối cảnh nhận thức của người tiêu dùng trong nước về biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội chưa cao thì các doanh nghiệp này coi việc thực hành tài chính bền vững như một khoản đầu tư dài hạn.
“Bạn nghĩ xem, một ngày không xa, do sự phát triển của khoa học – công nghệ, dữ liệu… thì sự khác biệt về một loại sản phẩm giữa các nhà cung cấp khác nhau sẽ không còn. Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng thì ngày càng được nâng cao, sự lộ diện rõ của mức độ tàn phá hành tinh của con người ngày càng lớn thì người ta chắc chắn sẽ chọn sản phẩm của doanh nghiệp nào thật sự quan tâm đến các yếu tố ESG để tiêu dùng. Thế nên, khi nhà đầu tư nước ngoài họ thuyết phục, thấy ý tưởng và kế hoạch hợp lý thì chúng tôi đồng ý ngay, chúng tôi coi đây là khoản đầu tư dài hạn. Và sau hơn 5 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy rằng quyết định của chúng tôi là đúng đắn”, nhiều doanh nghiệp đã trả lời khảo sát.
Tuy vậy, ngay cả trong nhóm doanh nghiệp thứ 2 thì nhận thức của họ, mức độ được “truyền cảm hứng” từ các nhà đầu tư nước ngoài của họ cũng không đồng đều. Có những doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững khá tốt trong bối cảnh của Việt Nam nhưng gần như chưa hề có các động thái mang tính hệ thống đối với chuyển đổi số. Và ngay cả doanh nghiệp có mức độ chuyển đổi số tốt nhất trong nhóm này cũng chỉ mới ứng dụng các dữ liệu ESG của riêng công ty mình, chưa khai thác hoặc thậm chí là chưa có ý niệm về việc sử dụng big data trong thực hành tài chính bền vững.
“Chuyển đổi số của chúng tôi đã bắt đầu bước vào giai đoạn thứ 3. Việc thu thập dữ liệu hiện nay gần như được thực hiện tự động qua việc ứng dụng các phần mềm và AI. Chẳng hạn bước vào thang máy để lên văn phòng công ty là ‘mắt thần” trong thang máy đã truyền tải dữ liệu chắm công đến bộ phận nhân sự… Chúng tôi có sự chủ động và có chiến lược rõ ràng trong thu thập dữ liệu để bất kỳ cái gì cần phục vụ cho quản lý, cho việc đưa ra các quyết định là chúng tôi có thể trích xuất ngay”.
“Chúng tôi chưa ứng dụng big data, chỉ thu thập dữ liệu liên quan trực tiếp hoạt động của tập đoàn”...
>>>Covid-19 định hình xu hướng đầu tư ESG tại Việt Nam
3 yếu tốtác động đến mức độ thực hành tài chính bền vững
Ba yếu tố quan trọng tác động đến mức độ thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành tài chính bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam đó là:
Yếu tố cổ đông nước ngoài: Các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển nơi có cộng đồng người tiêu dùng nhận thức rõ về tác động của hành vi đầu tư và hành vi tiêu dùng đến biến đổi khí hậu thường yêu cầu hoặc thuyết phục các doanh nghiệp Việt Nam thực hành tài chính bền vững. Các nhà đầu tư này cũng nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, khi họ đàm phán để trở thành cổ đông chiến lược họ cũng thường thuyết phục doanh nghiệp Việt Nam về sự cần thiết phải đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số. Và điều này trở thành một yếu tố rất quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và thực hành tài chính bền vững đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Điều đáng mừng là, những doanh nghiệp như thế này, sau thời gian thực hiện, họ đã nhận thấy kết quả rất khả quan, tiết kiệm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp bên cạnh góp phần thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường. Phát hiện này có vẻ trái ngược với nghiên cứu của Ellen Pey-yi Yu và cộng sự (2021). Ellen Pey-yi Yu và cộng sự (2021) trên cơ sở sử dụng điểm công bố ESG của Blomberg làm thước đo số lượng thông tin công bố của 1.963 công ty vốn hóa lớn có trụ sở tại 49 quốc gia, đã kết luận rằng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài không làm tăng mức độ công bố thông tin ESG. Điều này thực ra cũng có thể giải thích được, vì 1.963 công ty nói trên chủ yếu đến từ các nền kinh tế phát triển, nơi mà nhận thức của người tiêu dùng về phát triển bền vững cao hơn Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu của Ellen Pey-yi Yu và cộng sự (2021) cũng cho rằng các công ty có niêm yết trên thị trường chứng khoán của nhiều quốc gia thì mức độ cung cấp thông tin ESG nhiều hơn những công ty chỉ niêm yết giao dịch trên thị trường trong nước.
Chính kết luận này cho thấy rõ rằng, khi một doanh nghiệp bị “giám sát” từ nhiều cộng đồng người tiêu dùng khác nhau thì sức ép đối với việc cung cấp thông tin ESG cũng tăng lên. Điều này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của chúng tôi.
“Việc thực hành tài chính bền vững và chuyển đổi số của chúng tôi đã bắt đầu mang lại những hiệu quả nhất định: tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, tiết kiệm chi phí đầu vào ở giai đoạn kế tiếp của chuỗi sản xuất và cung ứng, khích lệ tinh thần hợp tác, cố gắng của người lao động…Chúng tôi thật sự thích cụm từ kinh tế tuần hoàn!”.
“Sản phẩm của tập đoàn chúng tôi chủ yếu bán ở nước ngoài, nơi có yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường và các khía cạnh xã hội. Nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh cũng cao…”
Yếu tố ngành nghề hoạt động: các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mà người tiêu dùng dễ dàng nhìn thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trực tiếp tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường, thì thường có thực tiễn thực hành tài chính bền vững tốt hơn. Chẳng hạn sản xuất và kinh doanh hàng nông hải thủy sản, sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa, các sản phẩm vệ sinh tẩy rửa gia dụng…Phát hiện này cũng phù hợp với nghiên cứu của Sanches Garcia, Mendes-Da-Silva và Orsato (2017) rằng các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm với môi trường và các vần đề xã hội thực hành tài chính bền vững tốt hơn các doanh nghiệp ở lĩnh vực không nhạy cảm.
“Các cổ đông chiến lược đến từ các nước phát triển họ yêu cầu chúng tôi thực hành tài chính bền vững, và chị cũng biết đấy, lĩnh vực hoạt động của chúng tôi là cung cấp các sản phẩm nông thủy hải sản, thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, chúng tôi coi đây là đầu tư dài hạn…”.
Yếu tố dịch bệnh: Một số doanh nghiệp cho rằng đại dịch Covid-19 tác động thúc đẩy họ có nhận thức sâu sắc hơn về vai trò chuyển đổi số đối với nắm bắt sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng để đưa ra các quyết định đầu tư và kinh doanh bền vững.
"Thương mại điện tử và công nghệ số là một thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam. Khi đại dịch ập tới, một lần nữa nó kích thích các doanh nghiệp phải thật sự nghiêm túc trong việc đầu tư cũng như linh hoạt để duy trì và phát triển kinh doanh bền vững".
“Hành vi của khách hàng đã thay đổi với tốc độ chưa từng có vì đại dịch. Do đó, nắm bắt được hành vi của họ là một trong những thách thức kinh doanh lớn và khó lường nhất trong trạng thái "bình thường mới".
Doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số
Những chia sẻ này cũng trùng khớp với các kinh nghiệm quốc tế đó là: Quyết tâm của lãnh đạo; phải có chiến lược và lộ trình phù hợp với mong muốn và xuất phát từ những bất cập hiện tại của doanh nghiệp; thực hiện từng bước nhỏ; nhân sự để triển khai. Về khả năng tài chính thì rất nhiều doanh nghiệp cho rằng nó cũng là vấn đề, nhưng cũng có doanh nghiệp chia sẻ rằng có thể vận dụng phương thức dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu để giải quyết phần nào bài toán về vốn.
“Theo trải nghiệm của công ty chúng tôi, việc chuyển đổi số diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào các yếu tố chính: (i) nhận thức và quyết tâm của lãnh đạo đóng vai trò mấu chốt; (ii) khả năng tài chính (nhưng điều này lại không phải vấn đề của doanh nghiệp chúng tôi trong chuyển đổi số); (iii) nhân sự để vận hành…”
"Đầu tiên, doanh nghiệp nên khảo sát nhu cầu 'hot' nhất của mình và triển khai từng phần. Và số hoá là một quá trình chứ không phải là 1-2 dự án, nên cần có lộ trình 3-5 năm"
Nhìn chung, quá trình "đầu tư dài hạn" cho thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành sẽ mang đến kết quả là: Khi nhận thức của người tiêu dùng về biến đổi khí hậu được nâng lên, cộng với việc có những tác động khuyến khích, họ sẽ thay đổi thói quen sinh hoạt và thực hiện hành vi tiêu dùng “xanh”. Họ quan tâm hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường, không chỉ ở bản chất của sản phẩm mà còn xem quá trình sản xuất của doanh nghiệp tạo ra sản phẩm đó có gây hại cho môi trường hay không. Thay đổi này nếu được diễn ra trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp. Cuối cùng, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững và ứng dụng chuyển đổi số trong thực hành tài chính bền vững.