Thực hành tài chính bền vững (kỳ cuối): Chính sách và giải pháp cho doanh nghiệp
Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam thực hành tài chính bền vững, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững, cần có chính sách của Nhà nước và các bên....
>>> 3 yếu tố tác động chuyển đổi số của doanh nghiệp
Nâng cao nhận thức của người dân
Với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, có lẽ đây là gốc rễ của vấn đề.
Hiện tại nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về biến đổi khí hậu và thực hành tài chính bền vững chưa cao, nhưng khi nhận thức của người tiêu dùng về biến đổi khí hậu và thực hành tài chính bền vững được nâng lên, cộng với việc có những tác động khuyến khích sẽ dẫn đến gia tăng tỷ lệ tiêu dùng “xanh” của người tiêu dùng. Họ quan tâm hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường không chỉ ở bản chất của sản phẩm mà còn xem xét quá trình sản xuất của doanh nghiệp và cả chuỗi cung ứng sản phẩm đó có gây hại cho môi trường hay không. Thay đổi này nếu được diễn ra trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp. Cuối cùng, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hành tài chính bền vững, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số để có thể nắm bắt thị hiếu và hành vi của khách hàng nhằm giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới thông qua việc đáp ứng thị hiếu tiêu dùng xanh của khách hàng.
Các giải pháp nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, về tài chính bền vững và những biện pháp khích lệ người dân thay đổi thói quen sinh hoạt và thực hiện hành vi tiêu dùng “xanh” cần được triển khai một cách dài hơi, bài bản và cần có sự tham gia của nhiều chủ thể trong xã hội và qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, nên lưu ý về hiệu ứng đám đông của mạng xã hội có thể sẽ phát huy tác dụng. Còn về lâu dài, giáo dục về biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội cần phải được lồng ghép vào các môn học và hoạt động liên quan một cách phù hợp từ chương trình mầm non, đến tiểu học lẫn chương trình giáo dục phổ thông.
Hệ thống ngân hàng: (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng) có thể có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường và tài chính bền vững. Tuy vậy, cũng cần được lưu ý: (i) đối với NHNN, việc lồng ghép nhiệm vụ thúc đẩy phát triển bền vững không được làm sao nhãng hay phương hại đến nhiệm vụ chính của ngân hàng trung ương; (ii) đối với các tổ chức tín dụng, việc lồng ghép nhiệm vụ thúc đẩy phát triển bền vững phải đảm bảo được tình trạng “win-win” vì các tổ chức tín dụng (ngoại trừ các ngân hàng chính sách) vẫn phải thực hiện mục tiêu lợi nhuận của mình.
Các quỹ về chống biến đổi khí hậu cũng nên tập trung vào nội dung nâng cao nhận thức của người dân và các giải pháp khuyến khích người dân thực hiện hành vi tiêu dùng “xanh”, thay vì tổ chức các cuộc hội thảo mà chỉ các chuyên gia và các nhà khoa học ngồi thảo luận với nhau như thời gian qua.
>>>Tăng tốc chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số
Thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nên tập trung vào các giải pháp sau:
Nâng cao nhận thức và quyết tâm chuyển đổi số của lãnh đạo các doanh nghiệp: Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần có những giải pháp để lãnh đạo các doanh nghiệp nhận thức đúng về chuyển đổi số. Các giải pháp này tập trung vào: Tuyên truyền thông qua minh chứng; Truyền thông về tầm quan trọng của sự tham gia của lãnh đạo doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là quá trình không chỉ thay đổi về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mà còn là quá trình thay đổi về phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty nhằm tạo ra những cơ hội và giá trị mới. Do vậy, sự tham gia của lãnh đạo doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số vừa đảm bảo lãnh đạo doanh nghiệp hiểu và sử dụng hiệu quả các công nghệ và dữ liệu trong quản trị điều hành, đồng thời còn là tấm gương buộc tất cả các thành viên còn lại trong công ty phải tham gia vào quá trình chuyển đổi. Đây cũng là một khía cạnh mấu chốt của chuyển đổi số thành công.
Xử lý nhu cầu về nguồn tài chính và nguồn nhân lực: Nguồn lực tài chính và nhân lực thực hiện chuyển đổi số cũng là vấn đề quan trọng với các doanh nghiệp. Nhưng một khi lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức đúng về chuyển đổi số, nhìn thấy những lợi ích chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp thì tự khắc họ sẽ phải tìm giải pháp để xử lý câu chuyện về tài chính và nhân lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các doanh nghiệp quốc tế trong xử lý bài toán về nguồn lực tài chính và nhân lực cho chuyển đổi số,
Cải thiện sự hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương
Chính phủ và chính quyền các địa phương cần quan tâm đến sắp xếp và khai thác các nguồn lực và sử dụng chúng một cách thật hiệu quả để hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số. Các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phải đi vào thực chất, nguồn quỹ phải được sử dụng cho việc hỗ trợ thật sự hữu ích thay vì tiêu dùng cho các hoạt động mang tính hình thức như lễ công bố, hội họp,…. Ngoài ra, việc chuyển đổi số khu vực công cần tập trung vào việc tạo ra nhiều tiện ích và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Thái Lan có thể là một ví dụ gần gũi với Việt Nam cho kinh nghiệm này. Có 3 điểm nổi bật trong hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan đối với chuyển đổi số của doanh nghiệp: 1)Tạo ra cổng thông tin duy nhất "Farmer One" để hỗ trợ các quy trình sản xuất nông nghiệp như: đăng ký trồng trọt, liên hệ nguồn nguyên liệu đầu vào, tư vấn tình hình giá bán của từng loại nông phẩm,…2) "Biz Portal" là cổng thông tin để khởi nghiệp cho mọi tầng lớp: doanh nhân có thể đăng ký kinh doanh, thực hiện các báo cáo về nhân sự, bảo hiểm, yêu cầu cấp giấy phép xây dựng nhà xưởng văn phòng làm việc, yêu cầu kết nối điện, nước và các dịch vụ liên quan khác online. 3) Hệ thống Kiosk thông minh của chính phủ và Smart Service: cung cấp các dữ liệu 24/24 để doanh nghiệp và người dân có thể truy cập.
Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, khuyến khích nghiên cứu, phát triển dữ liệu về ESG
Khuyến khích các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp phát triển dữ liệu về ESG là một kiến nghị quan trọng nhưng cần nhiều thời gian để thực hiện. Nếu không đầu tư đúng mức cho phát triển dữ liệu thì chúng ta không biết phải làm gì để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Cơ sở dữ liệu trở thành một nguồn tài nguyên mới của thời đại kỹ thuật số (UNDP, 2019), do vậy các quốc gia nên đầu tư để thu thập tất cả các dữ liệu bằng cả những cách thông thường và cả những cách thức sáng tạo miễn hợp đạo lý và sử dụng cho mục tiêu đúng đắn.
Ở Việt Nam, cho đến hiện tại dữ liệu về ESG thiếu trầm trọng. Bản thân các doanh nghiệp thì chỉ thu thập dữ liệu của riêng mình và ngay cả những doanh nghiệp có Báo cáo phát triển bền vững nằm trong top 10 và top 100 thì cũng rất ít các doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng trong thu thập dữ liệu phục vụ cho phân tích ESG để đưa ra các quyết định đầu tư mang tính bền vững.
Phát triển thị trường trái phiếu “xanh” kèm yêu cầu về cung cấp dữ liệu ESG
Trái phiếu “xanh” là loại trái phiếu kết hợp cả 2 tính năng “trái phiếu” và “xanh”. Tính năng “xanh” ở đây yêu cầu tiền thu được từ phát hành trái phiếu này sẽ phải đầu tư vào các dự án đảm bảo không gây hại cho môi trường.
Ở Việt Nam, sau Nghị quyết số 24-NQ/TW và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 về Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. Trong đó có đề cập việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Việc xây dựng và ban hành cơ chế chính sách vể trái phiếu xanh cần phải kết hợp giữa học hỏi kinh nghiệm một cách chọn lọc từ các quốc gia trên thế giới và thực tiễn của Việt Nam trên cơ sở thực hiện các cuộc khảo sát đáng tin cậy.
Kết luận: Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức ép của các bên liên quan, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững trở thành con đường phát triển chính cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Trong con đường phát triển đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, cũng rất cần các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng.
Như vậy, các chính sách phải hướng đến: (i) nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, về tài chính bền vững, đồng thời có những biện pháp khích lệ người dân thay đổi thói quen sinh hoạt và thực hiện hành vi tiêu dùng “xanh”; (ii) nâng cao nhận thức và quyết tâm chuyển đổi số của lãnh đạo các doanh nghiệp; (iii) nội địa hóa, địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững để làm gia tăng vai trò của chuyển đổi số đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; (iv) khuyến khích các tổ chức nghiên cứu và các doanh nghiệp phát triển dữ liệu về ESG, đồng thời bản thân Chính phủ và chính quyền địa phương cũng cần đầu tư cho việc thu thập dữ liệu về phát triển bền vững một cách bài bản; sắp xếp và khai thác các nguồn lực và sử dụng chúng một cách thật hiệu quả để hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số, hỗ trợ phát triển các nền tảng số cho các doanh nghiệp. Các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phải đi vào thực chất, nguồn quỹ phải được sử dụng cho việc hỗ trợ thật sự hữu ích thay vì tiêu dùng cho các hoạt động mang tính hình thức như lễ công bố, hội họp,….
Ngoài ra, việc chuyển đổi số khu vực công cần tập trung vào việc tạo ra nhiều tiện ích và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Cuối cùng, thực hiện khảo sát trên diện rộng để có thể để xây dựng được khung chính sách và đưa ra được các giải pháp phù hợp nhằm triển khai và phát triển thị trường “trái phiếu xanh” thành công ở Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, cần phải nhìn nhận ứng dụng chuyển đổi số vào thực hành tài chính bền vững là “đầu tư dài hạn’. Tuy vậy, cần xác định đúng mục tiêu và nhu cầu hàng đầu của doanh nghiệp mình trong chuyển đổi số là gì, sắp xếp trình tự ưu tiên và vạch lộ trình để triển khai từng bước phù hợp với khả năng tài chính và nguồn nhân lực.