Chính sách nới lỏng không làm dịu “độ nóng” của Evergrande trong lĩnh vực bất động sản

NGUYỄN LONG 22/12/2021 11:15

Sự đổ vỡ của Evergrande đã lan ra khắp lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, bất chấp Bắc Kinh đảm bảo rằng sẽ hỗ trợ các công ty “chất lượng”.

>>>China Evergrande chính thức vỡ nợ, giới đầu tư "mỏi mòn" chờ giải cứu

Evergrande sẽ phải tái cấu trúc sau khi vỡ nợ.

Evergrande sẽ phải tái cấu trúc sau khi vỡ nợ.

Sự sụp đổ của doanh nghiệp bất động sản

Trong phiên đầu tuần, cổ phiếu của Chinese Estates Holdings, một tập đoàn bất động sản có trụ sở tại Hồng Kông, đã giảm tới 35,2% sau khi nỗ lực mua công ty tư nhân và giảm tỷ lệ sở hữu với Evergrande không thành công.

Tập đoàn do gia đình tỷ phú Hong Kong Joseph Lau kiểm soát, là nhà đầu tư lớn vào nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất thế giới Evergrande và các dự án liên doanh khác, bao gồm cả đơn vị xe điện.

Chinese Estates Holdings từng là cổ đông lớn nhất của China Evergrande. Tuy nhiên, vào đầu tháng 8, tập đoàn này đã cắt giảm cổ phần tại China Evergrande và cho biết có thể bán toàn bộ cổ phần.

Tập đoàn dự kiến lỗ khoảng 10,6 tỷ HKD (1,4 tỷ USD) nếu bán toàn bộ cổ phần trong China Evergrande.

Cổ phiếu của Kaisa, một trong những công ty lớn nhất ở trung tâm của cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, đã giảm tới 15,2%. Kaisa đã bị hạ cấp xuống mức vỡ nợ cùng với Evergrande vào ngày 9 tháng 12 sau khi bỏ lỡ khoản thanh toán trái phiếu trị giá 400 triệu USD.

Công ty đã thông báo trong một hồ sơ trao đổi chứng khoán rằng họ đã chỉ định Houlihan Lokey, ngân hàng đầu tư Mỹ tư vấn cho Evergrande, làm cố vấn tài chính để giải quyết các vấn đề thanh khoản của mình. Kaisa nói thêm rằng đã đàm phán với các trái chủ về một kế hoạch tái cơ cấu.

Chỉ số Hang Seng Mainland Properties, theo dõi cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của 10 nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc, đã mất tới 5,3%, đưa nó đi đúng hướng với mức giảm hàng ngày thứ năm trong bảy phiên giao dịch vừa qua.

Bắc Kinh “giơ tay” cứu Evergrande?

Evergrande sẽ được cứu như thế nào?

Evergrande sẽ được cứu như thế nào?

Tình trạng hỗn loạn tại Evergrande, một nhà phát triển bất động sản với khoản nợ 300 tỷ USD, diễn ra sau khi Bắc Kinh đưa ra các quy định mới vào năm ngoái để giảm đòn bẩy trong thị trường bất động sản quá nóng.

Bắc Kinh đang nỗ lực để hạn chế sự lây lan từ sự sụp đổ của Evergrande đối với lĩnh vực bất động sản vốn là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

>>> Nguy cơ sóng “vỡ nợ” của China Evergrande lan sang Mỹ

Ngân hàng trung ương (PBoC) và cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc kêu gọi các tổ chức tài chính của nước này hỗ trợ các khoản đầu tư bất động sản “chất lượng cao”, theo một báo cáo hôm 20/12 trên tờ Financial News.

PBoC cũng đã tổ chức các cuộc họp với các công ty bất động sản và ngân hàng lớn của đất nước để khuyến khích các nhà khai thác lành mạnh mua lại các dự án từ các nhóm khó khăn trong lĩnh vực này. PBoC cũng kêu gọi các ngân hàng không rút các khoản vay từ các nhà phát triển bất động sản rủi ro.

Trung Quốc đã hạ lãi suất chuẩn cho vay quan trọng đối với các ngân hàng trong nước vào ngày 20/12 để chống lại sự mất đà của nền kinh tế. Ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất cơ bản cho khoản vay một năm để chống lại cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, tác động của đại dịch COVID-19 và hoạt động tiêu dùng yếu kém. PBoC đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm từ 3,85% xuống 3,8%. Trong khi đó, LPR kỳ hạn 5 năm vẫn giữ nguyên ở mức 4,65%

PBoC đồng thời bán 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) hợp đồng repo nghịch đảo 7 ngày và 10 tỷ Nhân dân tệ hợp đồng 14 ngày. Hai hợp đồng này thường được sử dụng làm công cụ bơm thanh khoản và động thái của PBoC giúp giữ cho lãi suất không đổi, lần lượt ở mức 2,2% và 2,35%.

Động thái này được đưa ra sau khi PBoC vào đầu tháng 12 đã cắt giảm mức dự trữ mà các ngân hàng phải duy trì. Tuần vừa rồi, Trung Quốc cắt giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bơm 1.200 tỷ Nhân dân tệ, tăng thanh khoản cho hệ thống liên ngân hàng.

Về phía Evergrande, hồi đầu tháng 12 đã cho biết, để đối phó với khoản nợ 300 tỷ USD, doanh nghiệp này đang thành lập một Ủy ban quản lý rủi ro, đóng vai trò giảm thiểu và loại bỏ rủi ro trong tương lai của công ty. Từ đó đánh giá và tái cơ cấu lại các khoản nợ bao gồm tất cả trái phiếu công và nợ tư nhân ở nước ngoài. 

Evergrande đã chịu tác động mạnh nhất từ chính sách "ba lằn ranh đỏ" đối với các nhà phát triển bất động sản của chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh mức nợ ngày càng gia tăng, giá nhà đất tăng và doanh số bán hàng bùng nổ. Bên cạnh đó, bằng cách kiểm soát thị trường bất động sản thông qua các ngân hàng quốc doanh, Bắc Kinh luôn biết những nhà phát triển nào có khả năng sẽ vỡ nợ.  

Các chuyên gia dự đoán, việc tái cấu trúc Evergrande có thể kéo dài trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là mất nhiều năm, với rất ít thông báo gây chú ý khi các nhà chức trách Trung Quốc cố tránh những cú sốc đối với hệ thống tài chính toàn cầu như vụ sụp đổ của Lehman Brothers. 

Đối với chính phủ Trung Quốc, điều cốt yếu là hoạt động hàng ngày của Evergrande vẫn còn, đảm bảo công ty có thể hoàn thành các dự án nhà ở đang dở dang để những người mua nhà bình thường không bị ảnh hưởng và niềm tin vào thị trường bất động sản không bị tổn thương nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

  • China Evergrande chính thức vỡ nợ, giới đầu tư "mỏi mòn" chờ giải cứu

    13:40, 10/12/2021

  • Evergrande chuẩn bị tái cơ cấu nợ

    05:00, 08/12/2021

  • S&P Global Ratings dự báo Evergrande có thể vỡ nợ

    04:29, 20/11/2021

NGUYỄN LONG