Trung Quốc kiềm chế mức tăng mạnh của đồng Nhân dân tệ so với Đô la Mỹ
Trung Quốc gấp rút đưa ra các chính sách để ngăn chặn tỷ giá Nhân dân tệ tăng nhanh chóng nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
>>Trung Quốc lên kịch bản ứng phó đồng Nhân dân tệ suy yếu
Mới đây, Trung Quốc đã đưa ra cam kết giữ tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ ở mức “cơ bản ổn định” trong bối cảnh tăng giá gần đây, vì nước này đang có một loạt các chính sách nhằm đối phó với tình trạng xuất khẩu chậm lại và những khó khăn kinh tế gia tăng trong năm tới.
Tại cuộc họp Hội đồng Nhà nước ngày 23/12 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Chính phủ nước này đã kêu gọi các ngân hàng ký kết thỏa thuận giải quyết ngoại hối dài hạn hơn với các công ty thương mại theo cách có mục tiêu, để trao quyền cho các công ty, trong việc bù đắp rủi ro tỷ giá hối đoái. Được biết, hướng dẫn này chỉ là ví dụ mới nhất về những nỗ lực tăng cường của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, nhằm kiềm chế mức tăng mạnh của đồng Nhân dân tệ so với Đô la Mỹ, vốn đã ăn sâu vào lợi nhuận của các nhà xuất khẩu của nước này.
Lời kêu gọi của chính quyền trung ương cũng trở nên nóng hơn, sau cảnh báo của Bắc Kinh về “áp lực gấp ba lần” đối với nền kinh tế, bao gồm nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng yếu đi. Chính quyền Trung ương cũng cảnh báo: “Những bất ổnvà mất cân bằng mà thương mại phải đối mặt hiện nay đang gia tăng, nhưng đất nước sẽ mở cửa rộng rãi hơn với thế giới bên ngoài và nỗ lực giúp các công ty thương mại, đặc biệt là các công ty nhỏ đảm bảo đơn đặt hàng và ổn định kỳ vọng triển vọng của họ”.
Ning Jizhe, thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, ổn định đầu tư và thương mại nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay và cũng sẽ như vậy trong năm tới. Vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát các chi phí khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá hối đoái đang tăng nhanh. Với đầu tư và tiêu dùng tư nhân vẫn còn yếu, thì mở rộng thương mại mạnh trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi tác động từ đại dịch COVID-19.
Trên South China Morning Post, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin cảnh báo, việc các nhà xuất khẩu không nhận đơn đặt hàng đã trở nên phổ biến vì họ thấy lợi nhuận tăng ít hơn, vì thế cần lưu ý tăng cường khả năng chống lại rủi ro từ tỷ giá hối đoái của các công ty thương mại.
>>Đồng Nhân dân tệ suy yếu và tác động với Việt Nam
Thực tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc gần đây đã chậm lại, nhưng vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng, nhu cầu nước ngoài tăng mạnh tạm thời, do sự gián đoạn của COVID-19 đã che đậy những thiệt hại tiềm tàng từ việc đồng Nhân dân tệ mạnh lên đối với các nhà xuất khẩu. Theo dữ liệu ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố ngày 22/12, các quỹ Nhân dân tệ lưu hành của Trung Quốc cho ngoại hối đã tăng lên 21,26 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,3 nghìn tỷ USD) vào cuối tháng 11, tăng 35,44 tỷ Nhân dân tệ so với tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2015,
Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura lưu ý: “Chúng tôi kỳ vọng việc mua ròng ngoại hối của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể tăng đáng kể trong những tháng tới.Bởi Thứ nhất, nó có thể ngăn đồng Nhân dân tệ tăng giá thêm. Thứ hai, nó có thể tăng dự trữ ngoại hối của PBOC trong thời điểm thị trường gia tăng lo ngại về các vụ vỡ nợ trái phiếu USD của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. Thứ ba, giúp tăng thêm tính thanh khoản cho nền kinh tế, vốn đang chậm lại với tốc độ đáng lo ngại ”.
Về vấn đề này, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý sẽ hướng dẫn nhiều công ty xây dựng khái niệm “trung lập với rủi ro tỷ giá hối đoái” và sử dụng rộng rãi hơn các công cụ phòng ngừa rủi ro trong năm tới.
Trước đó, PBOC cũng đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại hối của các ngân hàng, từ 7% lên 9%, nhằm kiềm chế đà tăng của đồng Nhân dân tệ so với đô la Mỹ.
Xét trên tình hình thực tế, các nhà phân tích tại Fitch Ratings đã chỉ ra rằng: “Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ suy yếu vào năm 2022, do nhu cầu bên ngoài giảm đối với các sản phẩm của Trung Quốc và xu hướng phân biệt chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ hỗ trợ đồng đô la Mỹ so với đồng nhân dân tệ”.
Trong số các biện pháp chính sách được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước cũng cho biết, họ sẽ rút ngắn thời gian xử lý trung bình của các khoản hoàn thuế xuất khẩu xuống trong vòng sáu ngày làm việc, mở rộng danh sách nhập khẩu cho thương mại điện tử xuyên biên giới và tạm thời miễn lãi được hoãn lại từ doanh số bán hàng trong nước, cho các công ty thương mại chế biến vào năm 2022.
Cuộc họp cũng thiết lập danh sách các công việc cần làm để thực hiện hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực trong năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Nhân dân tệ có thể rớt giá so với USD vào năm 2022
16:49, 09/12/2021
Trung Quốc lên kịch bản ứng phó đồng Nhân dân tệ suy yếu
13:00, 09/11/2021
Đồng Nhân dân tệ suy yếu và tác động với Việt Nam
11:15, 10/08/2021
Nhân dân tệ kỹ thuật số: Con dao hai lưỡi
05:00, 25/07/2021